“Dùng máy cũ không thể tạo ra sản phẩm mới có chất lượng tốt, giá thành hợp lý. Khi đó nhập thiết bị cũ là chúng ta tự hại mình” – Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân chia sẻ trong chương trình “Dân hỏi – Bô trưởng trả lời” tối ngày 23/8.
EVN sẽ giảm gần một nửa tỷ trọng công suất điện đến năm 2030
- Cập nhật : 25/08/2015
(Kinh doanh)
Dự kiến tỷ trọng công suất điện của EVN trong tổng số công suất điện cả nước sẽ giảm mạnh. Công suất điện của nhóm EVN (bao gồm các Genco) đến năm 2030 ước còn 39%, từ mức 61% như hiện nay. Trong khi đó, tỷ trọng công suất của các nhà máy độc lập dự kiến sẽ chiếm tới 52%.
Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS) chia các đơn vị phát điện làm 2 nhóm chính: Nhóm EVN (EVN và các GENCO); Nhóm các nhà máy điện độc lập (bao gồm PVN, Vinacomin và các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước).
Sau khi thành lập các GENCO, EVN chỉ còn quản lý trực tiếp các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu (là những thủy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng) như Hòa Bình, Sơn La, Ialy, Trị An, Tuyên Quang,…với tổng công suất 6.502 MW, chiếm 21,2% tổng công suất hệ thống.Trong khi đó, PVN và Vinacomin là 2 nhà đầu tư các nhà máy điện độc lập lớn nhất tại Việt Nam. Hai nhà đầu tư này góp phần cùng EVN tạo thành 3 trụ cột của ngành điện với trên 75% tổng công suất.
PVN với thế mạnh về nguồn nhiên liệu, tập trung đầu tư phần lớn vào các nhà máy nhiệt điện khí ở khu vực phía nam, gần các bể khí mà tập đoàn này đang khai thác. Đến nay, PVN đã có 9 nhà máy điện đi vào vận hành sản xuất, bao gồm 04 nhà máy tuabin khí chu trình hỗn hợp.
Vinacomin là trụ cột cuối cùng trong ngành năng lượng với vai trò là nhà cung cấp than chính cho các nhà máy nhiệt điện. Vinacomin Power đang là nhà cung cấp điện thứ 3 sau nhóm EVN và PVN, quản lý và vận hành 5 nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất 1.545 MW (khoảng 6% tổng công suất toàn hệ thống)
Các nhà đầu tư lớn trong nước có tốc độ tăng trưởng mạnh trong cơ cấu nguồn điện.
Theo FPTS, ngoài 3 trụ cột điện lực quốc gia EVN - PVN - Vinacomin, một phần không thể thiếu là các nhà đầu tư trong và ngoài nước, chiếm trên 20% cơ cấu nguồn điện.
Các nhà đầu tư lớn trong nước chủ yếu là các Tổng Công ty Nhà nước chuyên về lĩnh vực xây dựng, hạ tầng như Tổng Công ty Sông Đà, Licogi,… FPTS cho rằng, đây chính là nhóm có tốc độ tăng trưởng cao nhất và có sự thay đổi mạnh mẽ nhất trong cơ cấu nguồn điện những năm gần đây.
Năm 2011, nhóm nhà đầu tư lớn này chỉ chiếm 6,8% trong cơ cấu nguồn điện. Nhưng đến năm 2013, tổng công suất đến từ nhóm các nhà máy điện độc lập của nhà đầu tư trong nước đạt 4.642 MW, chiếm khoảng 15,2% công suất hệ thống. Một trong những nguyên nhân là nhờ những động thái tái cơ cấu theo chiều hướng tích cực khiến ngành điện trở nên hấp dẫn hơn.
Tiếp đến là các nhà đầu tư nước ngoài. Nhóm này chủ yếu đầu tư vào ngành điện thông qua hình thức BOT. Tổng công suất từ các nhà máy điện của nhà đầu tư nước ngoài ổn định ở mức xấp xỉ 2.000 MW, chủ yếu là các nhà máy nhiệt điện. Tiêu biểu là 2 nhà máy BOT Phú Mỹ 2.2 (733 MW) và Phú Mỹ 3 (733 MW) ở Trung tâm điện lực Phú Mỹ.Một số nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam như: AES Corporation (Mỹ), Posco Energy (Hàn Quốc), China Investment Corporation (Trung Quốc), Tata Power (Ấn Độ)...
Theo Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), dự kiến tỷ trọng công suất điện của EVN trong tổng số công suất điện cả nước sẽ giảm mạnh. Công suất điện của nhóm EVN (bao gồm các Genco) đến năm 2030 ước còn 39%, từ mức 61% như hiện nay. Trong khi đó, tỷ trọng công suất của các nhà máy độc lập dự kiến sẽ chiếm tới 52%.
* Ngày 1/7/2011, thị trường phát điện cạnh tranh đã được đưa vào vận hành thí điểm. Sau một năm thực hiện thí điểm, toàn bộ các công tác chuẩn bị cần thiết cho thị trường phát điện cạnh tranh đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Bộ Công Thương đã quyết định đưa Thị trường phát điện cạnh tranh vào vận hành chính thức từ ngày 1/7/2012. Trong giai đoạn đầu vận hành thị trường phát điện cạnh tranh dự kiến có 29 nhà máy điện thuộc 22 công ty phát điện (với tổng công suất đạt 9.035MW) trực tiếp tham gia chào giá trên thị trường.
* Ngày 10/8/2015, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 8266/QĐ-BCT phê duyệt thiết kế chi tiết thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Lộ trình thị trường buôn bán điện cạnh tranh sẽ thực hiện theo từng bước cụ thể như sau: Giai đoạn chuẩn bị thị trường bán buôn điện cạnh tranh đến hết năm 2015; Giai đoạn vận hành thí điểm bước 1 thị trường bán buôn điện cạnh tranh năm 2016 (tính toán mô phỏng trên giấy, không thanh toán thực); Giai đoạn vận hành thí điểm bước 2 thị trường bán buôn điện cạnh tranh năm 2017-2018; Giai đoạn vận hành chính thức thị trường bán buôn điện cạnh tranh hoàn chỉnh từ năm 2019.