Bộ Công thương vừa chính thức quyết định điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng tôn màu nhập khẩu sau gần hai tháng nhận đơn đề nghị của các nguyên đơn. Quyết định này cho thấy tình trạng tôn giá rẻ nhập khẩu đặc biệt từ Trung Quốc tăng mạnh thời gian qua gây ảnh hưởng đến sản xuất trong nước.
Chủ tịch TNG: TPP sẽ giúp dệt may thêm một lần cất cánh bay xa
- Cập nhật : 16/11/2015
(Kinh te)
Tình trạng chung của các doanh nghiệp Việt Nam lúc này là khâu dệt nhuộm còn yếu, sợi sản xuất chủ yếu xuất khẩu và nhập khẩu vải ngược trở lại Việt Nam. Nguồn nhập khẩu nguyên phụ liệu phần lớn lại đến từ các nước ngoài khối TPP như Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc.
Sau hơn 5 năm đàm phán tích cực, hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã gỡ bỏ nút thắt trong những ngày đầu tháng 10/2015 và đi đến việc ký kết chính thức.
Theo đánh giá từ các tổ chức và chuyên gia trên thế giới, khi TPP được thông qua, Việt Nam sẽ là quốc gia được hưởng lợi nhất trong 12 nước thành viên. Trong đó, ngành thủy sản, dệt may được nhận định đạt nhiều tác động tích cực nhất.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thời- Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) về những tác động của TPP tới ngành dệt may trong nước.
Thưa ông, dưới góc độ là một doanh nghiệp lớn trong ngành dệt may, ông có đánh giá thế nào về tác động của hiệp định TPP tới ngành dệt may nói chung?
Ông Nguyễn Văn Thời: Theo tôi, hiệp định TPP được ký kết sẽ giúp xuất khẩu dệt may của Việt Nam có thêm một lần cất cánh bay xa. Trong quá khứ, ngành dệt may đã 2 lần được hưởng lợi là khi Việt- Mỹ bình thường hóa quan hệ và xóa bỏ hạn ngạch hàng may mặc nhập khẩu.
Việc ký kết TPP sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam gia tăng đơn hàng do sự dịch chuyển nguồn đầu tư cho dệt may từ các quốc gia không tham gia TPP (như Trung Quốc- hiện là nguồn nhập khẩu dệt may lớn nhất của Hoa Kỳ), sang các nước thuộc TPP để hưởng lợi thuế suất.
Cùng với đó, TPP cũng mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng mạnh thị phần tại các quốc gia Canada, Mexico, Nhật Bản….
Tuy nhiên, TPP cũng mang lại nhiều thách thức cho doanh nghiệp. Để được hưởng mức thuế suất 0% khi xuất khẩu vào các nước TPP, doanh nghiệp phải đáp ứng được nguyên tắc xuất xứ mọi công đoạn “từ sợi trở đi” thuộc các nước nội khối TPP.
Tuy nhiên, tình trạng chung của các doanh nghiệp Việt Nam lúc này là khâu dệt nhuộm còn yếu, sợi sản xuất chủ yếu xuất khẩu và nhập khẩu vải ngược trở lại Việt Nam. Nguồn nhập khẩu nguyên phụ liệu phần lớn lại đến từ các nước ngoài khối TPP như Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc.
Ngành dệt may có chịu sức ép lớn từ các doanh nghiệp nước ngoài hay các doanh nghiệp FDI cùng ngành đang hoạt động tại Việt Nam hay không?
Nhìn chung các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực dệt may thường cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước về đơn hàng và nguồn lao động. Về đơn hàng, họ có kinh nghiệm kinh doanh quốc tế tốt hơn do hội nhập thương mại sớm hơn chúng ta. Khi đến Việt Nam, họ tiếp tục khai thác được nhiều thế mạnh của ta, nhất là thị trường lao động.
Khách hàng lớn trên thế giới trước khi đặt hàng họ sẽ đấu thầu quốc tế và ít nhất từ 3-5 nước tham gia. Các doanh nghiệp trúng thầu là các doanh nghiệp đáp ứng được các yếu tố tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trách nhiệm xã hội…. và thường các doanh nghiệp nào có giá cạnh tranh nhất sẽ nhận được đơn hàng lớn nhất.
Hiện tại, các doanh nghiệp sản xuất cùng dòng sản phẩm ở các nước như Bangladesh, Srilanka, Myanmar, Campuchia, Maylaysia, Indonesia, Trung Quốc đang là đối thủ lớn đối với ngành may mặc của Việt Nam.
Phần lớn nguyên liệu đầu vào của TNG phải nhập khẩu, trong đó chủ yếu từ Trung Quốc, một quốc gia không thuộc nhóm TPP. Vậy, TNG có biện pháp gì để khắc phục vấn đề này khi TPP yêu cầu xuất xứ “từ sợi trở đi”?
Với quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”, doanh nghiệp sẽ phải sử dụng nguyên liệu trong nước hoặc nhập khẩu từ các nước trong TPP để được hưởng thuế suất ưu đãi. Trong khi đó, hiện chỉ một số ít các doanh nghiệp quy mô lớn có các dự án nguyên liệu nhằm đón đầu TPP.
TNG đã chuẩn bị cho mình với việc đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất bông tấm và đầu tư hệ thống dây chuyền bông hiện đại để chủ động đơn hàng, cạnh tranh giá, tiến độ sản xuất, góp phần nội địa hóa nằm trong chuỗi cung ứng với quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”.
Ngoài ra, TNG cũng rà soát danh mục nhà cung cấp cũng như danh mục nguyên phụ liệu để phù hợp với quy tắc xuất xứ của TPP, từ đó tìm kiếm nhà cung cấp mới đáp ứng được tiêu chuẩn.
Vậy TNG có ý định đầu tư sâu vào những khâu nào khác như dệt, sợi… hay không?
Hiện tại có khá nhiều doanh nghiệp dệt, may mặc đã xúc tiến, đưa ra các hình thức đầu tư hoặc liên doanh trực tiếp với TNG. Tất cả các dự án đều đang trong giai đoạn nghiên cứu, phân tích. Nếu thuận lợi, TNG sẽ đầu tư sâu hơn vào các khâu sản xuất khác.
Mức thuế xuất khẩu vào các thị trường nước ngoài của TNG hiện nay ra sao?
Thị trường lớn nhất của Việt Nam là EU, Mỹ, Nhật Bản. Với thị trường Nhật Bản, Mỹ thì hiệp định TPP được thông qua sẽ giúp mức thuế nhập khẩu trung bình từ 17,5% hiện nay giảm xuống.
Các thị trường trên chỉ liên quan đến thuế nhập khẩu và đơn vị chịu thuế là các nhà nhập khẩu Mỹ, Nhật. Các doanh nghiệp may mặc Việt Nam hầu hết là xuất hàng theo điều kiện FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) nên không phải chịu phí nhập khẩu vào các thị trường trên.
Đối với các nhà nhập khẩu tại các thị trường trên khi các hiệp định có hiệu lực thì sẽ được hưởng lợi trực tiếp. Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, trong đó có TNG sẽ được hưởng lợi gián tiếp từ việc gia tăng các đơn hàng để sản xuất.
Hiện tại, phần lớn doanh thu TNG đến từ hoạt động xuất khẩu. Công ty có kế hoạch đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường nội địa không?
Đây chính là mục tiêu mà TNG hướng tới, tự thiết kế sản phẩm và bán ra thị trường theo hình thức ODM, mang thương hiệu thời trang TNG vươn ra thế giới.
Hiện tại, TNG đã có 42 cửa hàng và đại lý trên toàn quốc bán sản phẩm mang thương hiệu TNG. Bên cạnh đó, sản phẩm TNG cũng đã được phân phối tại siêu thị ROBINS.
Trong tương lai, TNG mong muốn sản phẩm của mình sẽ phủ khắp thị trường trong nước, tiếp đó là mở rộng ra các nước ASEAN. Bước đi đầu tiên mà TNG đang thực hiện là xúc tiến mở văn phòng đại diện và cửa hàng trong các siêu thị lớn tại Singapore.
Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn!