tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Thị trường ngách: Cơ hội của ngành công nghiệp hàng không Việt

  • Cập nhật : 15/06/2018

Thâm nhập vào thị trường ngách được cho là bước đi hiệu quả hơn đối với ngành công nghiệp hàng không của Việt Nam.

nha may san xuat dong co may bay dau tien tai vietnam

Nhà máy sản xuất động cơ máy bay đầu tiên tại ViệtNam

GS. TSKH Nguyễn Đức Cương, chủ tịch Hội Hàng không-Vũ trụ Việt Nam (VASA) đánh giá cao và cho rằng, thông tin, đại diện Boeing cho biết đã làm việc với một số đối tác Việt Nam cung ứng cửa cho máy bay 777 sẽ là cơ hội cho Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, vị GS phải thừa nhận, "Việt Nam khó chen chân được vào thị trường chế tạo máy bay truyền thống". Ông nói rõ, chúng ta không thể cạnh tranh được với các "ông lớn" có vốn lớn, nền KHCN phát triển và có kinh nghiệm chế tạo máy bay hàng trăm năm nay.  Do đó, thâm nhập vào thị trường ngách được cho là bước đi  hiệu quả hơn đối với ngành công nghiệp hàng không  của Việt Nam.

Từ nhận định trên, GS. TSKH Nguyễn Đức Cương đã cùng đồng nghiệp bắt tay nghiên cứu và cho ra một sản phẩm được coi là sản phẩm ngách đầu tiên có thể giúp Việt Nam có cơ hội trong phát triển công nghiệp chế tạo các phương tiện bay. Nhân sự kiện, Công báo "Sở hữu công nghiệp" đã công bố đơn sáng chế "Hệ thống vận chuyển trên không tốc độ chậm có điều khiển" của Hội Hàng không –Vũ trụ Việt Nam (VASA), báo Đất Việt đã có cuộc trao đổi với GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, chủ tịch VASA, đồng thời là đồng tác giả của sáng chế này.

gs. tskh nguyen duc cuong, chu tich hoi hang khong-vu tru viet nam (vasa)

GS. TSKH Nguyễn Đức Cương, chủ tịch Hội Hàng không-Vũ trụ Việt Nam (VASA)

PV:-  Thưa ông, vì sao ông lại cho rằng, sản phẩm ngách mới là thế mạnh và là con đường gần hơn, dễ đi hơn để Việt Nam tiếp cận với ngành công nghiệp chế tạo hàng không? Theo ông, sản phẩm vừa công bố có những đặc điểm gì khác biệt khiến ông tự tin vào lựa chọn của mình? Xin ông chỉ rõ.

GS.TSKH Nguyễn Đức Cương:- Trước hết, tôi xin nhấn mạnh, hệ thống vận chuyển được đề xuất không hề có ý định cạnh tranh về tốc độ hay độ cao, …
Chúng tôi nhằm vào thị trường ngách, cụ thể là chở khách du lịch ngắm cảnh từ trên cao. Rõ ràng khách du lịch ngắm cảnh từ trên cao không cần tốc độ lớn (hàng nghìn km/h), độ cao lớn (hàng chục km), nhưng họ cần an toàn, tiện nghi tốt và giá rẻ.

Hầu hết các điểm du lịch lại có mặt nước, trong khi hệ thống vận chuyển trên không, có tốc độ chậm, được điều khiển” (xem hình vẽ) kết hợp cả 4 yếu tố: sử dụng khí cầu chứa khí nhẹ để tạo lực nâng (không mất năng lượng); sử dụng phương tiện kéo trên mặt nước (đảm bảo hành trình mong muốn, ít bị gió ảnh hưởng, trên khí cầu không phải có hệ thống động lực tương ứng); hệ thống điều khiển thông minh như quadrotor/flycam (đảm bảo ổn định, không bị chao đảo) và cơ cấu dây kéo có điều khiển (chống dật cục).

Có thể thấy, sáng chế đã đề xuất một phương tiện bay mới, với tỷ lệ tải có ích tăng rất nhiều, đảm bảo tiện nghi cho khách du lịch, giá rẻ, phù hợp phục vụ cho số đông khách tham quan, du lịch.

Còn hỏi vì sao chúng tôi lựa chọn sản phẩm này, tôi sẽ nói ngay vì tính hữu ích, tiết kiệm và hiệu quả kinh tế cao.   

Nếu theo tính toán của chúng tôi, dự kiến sẽ chế tạo ra một khí cầu bay (airship), bay với độ cao 300 m (tương đương nhà 100 tầng), tốc độ bay khoảng 40 km/h, tải có ích 800kg (bao gồm 1 phi công, 6 khách, 7 ghế cùng các tư trang, thiết bị an toàn, phục vụ đồ uống...), thời gian bay tối đa 60 phút, cất hạ cánh thẳng đứng ngay trên bãi biển hoặc bờ sông, bờ hồ.

Phương tiện kéo trên mặt nước có thể là ca nô công suất khoảng 300 HP. Tổng trọng lượng cất cánh khoảng 2000 kg (thân chứa khí Heli ~2000 m3), vì vậy khí cầu bay này được gọi là VUSTA-2000. Phi công chỉ cần tuyển ở các câu lạc bộ bay máy bay mô hình và huấn luyện vài ngày. Giá vé bay ngắm cảnh trên không 15 phút dự kiến sẽ vào khoảng 500 ngàn VNĐ.

Một công ty du lịch bỏ ra 5-6 tỷ VNĐ để chở khách với 50% công suất thì sau vài năm có thể thu hồi được vốn. Công ty kinh doanh việc chế tạo khí cầu bay này cũng có lãi lớn vì có sản phẩm  hiệu quả mà lại không phải nhập công nghệ nước ngoài, giá thành chỉ vào khoảng 3 tỷ VNĐ nếu chế tạo > 5 chiếc. Các điểm du lịch cũng có thể thu hút thêm khách với phương tiện bay du lịch mới, an toàn và giá rẻ.

 

phuong tien bay cho khach du lich do xuong bo bien

Phương tiện bay chở khách du lịch đỗ xuống bờ biển

Bản thân tôi từ lâu đã muốn tạo ra một loại phương tiện bay du lịch vừa an toàn, giá rẻ lại dễ sử dụng và thân thiện với môi trường để dân mình có thể du lịch trên không với giá vé không đến 1 triệu.

Hiện tại ở Phan Thiết có công ty nước ngoài kinh doanh du lịch bằng khí cầu tĩnh (không có động cơ, không điều khiển) giá vé đã lên đến hơn 3 triệu nên chỉ "đại gia" mới được bay, hơn nữa chỉ bay được theo chiều gió. Bay bằng trực thăng hoặc thuỷ phi cơ giá còn đắt hơn nhiều lần. Hiện tại ví dụ ở Đức có khí cầu bay Zeppelin-NT có động cơ, có điều khiển (airship) chở khách du lịch mấy chục phút mà giá (năm 2018) một vé lên đến 500 Euro (khoảng 13 triệu VNĐ), dân ta không dám mơ !

Sở dĩ giá vé cao như vậy chủ yếu là vì airship gần giống như máy bay thông thường: Phải có động cơ kèm theo nhiên liệu, có hệ thống điều khiển, thiết bị cất hạ cánh và nhiều hệ thống bảo đảm mặt đất, chủ yếu khác máy bay là thay vì nâng bằng cánh thì nâng bằng khí Heli, nhẹ hơn không khí khoảng 7 lần, nhưng để chứa khí Heli thì phải có kích thước rất lớn. Ví dụ khí cầu bay Zeppelin-NT chở được 12 người cần có thân chứa tới 8000 m3  khí Heli, kích thước dài gần bằng sân bóng đá", tỷ lệ tải có ích chưa đến 20%.

Vào năm 2008, có sáng chế PCT/FR/2007/001840 (Pháp) nêu ra ý tưởng dùng ca nô/ ô tô kéo khí cầu để vận chuyển khí hyđrô, như vậy khí cầu sẽ không phải mang động cơ và nhiên liệu, mà vẫn di chuyển được theo hành trình mong muốn. Tuy nhiên nếu dùng để chở người thì chỉ cần gió nhẹ đã làm khí cầu "chao đảo", khách du lịch sẽ không dám bay. Hơn nữa khi ca nô kéo trong các điều kiện gió khác nhau thì có lúc dây kéo bị trùng, bị căng và bị "dật cục", phá huỷ kết cấu.

Vì vậy phỏng theo ý tưởng của NASA (1987) tôi và nhóm tác giả đưa ra giải pháp lắp thêm hệ thống các rotor (ví dụ quadrotor như flycam) có điều khiển thông minh để ổn định khoang chở khách, đồng thời đảm bảo cất hạ cánh thẳng đứng, và một cơ cấu kéo thông minh để tránh "dật cục". Tôi khẳng định, đây là giải pháp mới ngay cả với thế giới.

so do sang che cua phap nam 2008

Sơ đồ sáng chế của Pháp năm 2008

y tuong cua nasa nam 1987 ket hop khi cau voi 4 rotor

Ý tưởng của NASA năm 1987 kết hợp khí cầu với 4 rotor

PV:- Trong điều kiện của Việt Nam, để tạo ra được sản phẩm như vậy có dễ không, thưa ông?

GS.TSKH Nguyễn Đức Cương:- Không khó và chắc chắn làm được. Hội Hàng không-Vũ trụ (VASA) cũng đã thành công trong các đề tài cấp nhà nước như: Nghiên cứu thiết kế, chế tạo mẫu tổ hợp máy bay không người lái dân dụng cỡ nhỏ để giám sát từ xa phục vụ các nhu cầu kinh tế - xã hội; Nghiên cứu thiết kế, chế tạo mẫu khí cầu thử nghiệm điều khiển từ xa có hình dạng tối ưu (đề tài Học viện kỹ thuật quân sự chủ trì). Công nghệ quadrotor/multirotor/flycam ngày nay rất phổ biến, trên thế giới và nhiều cơ sở ở Việt Nam, kể cả ở Hội VASA đã làm chủ cả phần cứng và phần mềm.

Tất cả các nguyên vật liệu, linh kiện đầu vào kể cả khí Heli tinh khiết, máy tính nhúng, các động cơ, cánh quạt compozit sợi carbon,…đều có bán trên thị trường với giá phải chăng, ta không phải chế tạo "từ A đến Z". Phương tiện bay này có thể hãnh diện ghi "made in Vietnam".

PV:- Nhưng như ông đã nói, máy bay do Mỹ, Nga, EU chế tạo đôi khi còn bị rơi, phương tiện bay do Việt Nam chế tạo có đảm bảo an toàn không? Và cấp phép bay cho VUSTA-2000 thế nào?

GS.TSKH Nguyễn Đức Cương:-  VUSTA-2000 có chở người nên vấn đề an toàn bay và xin phép bay là rất quan trọng. Vì vậy sẽ phải làm nghiêm túc những việc sau đây: Thiết kế và thử nghiệm theo tiêu chuẩn Mỹ về khí cầu bay có điều khiển (airship); Kiểm soát chất lượng chặt chẽ theo bộ tiêu chuẩn ISO-9000 ở tất cả các khâu : từ vật tư. dụng cụ đo kiểm, các công đoạn gia công, v.v… ; Ở Việt Nam đã có khá nhiều cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Ngoài ra có các giải pháp thiết kế và thử nghiệm để đảm bảo an toàn: Chia thân chứa khí Heli ra thành nhiều khoang biệt lập, khi chẳng may bị hở một khoang, khí cầu có thể hạ cánh êm xuống nước; Khi một động cơ trục trặc thì sẽ tự động tắt đồng thời cả động cơ đối diện đảm bảo cân bằng cho khí cầu hạ cánh khẩn cấp; Có túi khí dạng vành đai lắp ở dưới khoang chở khách, duy trì khoang này nổi trên mặt nước và hạ cánh êm xuống bờ sông, bờ biển, bờ hồ; Các hành khách đều có áo phao; Thử nghiệm bay hàng trăm lần bằng các tải giả, trong các điều kiện gió khác nhau, sau đó mới cho người lên.

Sau khi kiểm tra đầy đủ các điều kiện nói trên, Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) sẽ cấp giấy chứng chỉ chủng loại (Type Certificate), Cục Tác chiến (BQP) sẽ cấp phép hoạt động bay trong những khu vực cụ thể (theo Nghị định số 79/2011/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2011 của Chính phủ).

PV:- Ông thật sự tin rằng, sản phẩm trên sẽ giúp ngành du lịch Việt Nam phát triển?

GS.TSKH Nguyễn Đức Cương:- Như đã biết, du lịch Việt Nam năm 2017 đã đón hơn 13 triệu khách quốc tế, hơn 73 triệu khách nội địa, đóng góp cho GDP trên 20 tỷ USD mỗi năm. Chính vì vậy Bộ chính trị đã đưa ra Nghị quyết 08 - NQ/TW khẳng định cần đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn.

Nghị quyết có ghi rõ: "Tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch. Khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược đầu tư hình thành các khu du lịch phức hợp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao tại các địa bàn trọng điểm".

Tuy nhiên trên thực tế hiện tại, hạ tầng cơ sở du lịch của Việt Nam còn nghèo nàn, chỉ xếp thứ 113 trên thế giới. Các phương tiện trên mặt nước, mặt đất khá nhiều nhưng phương tiện trên không vẫn còn khá đắt đỏ, ít khách sử dụng.

Hai phương tiện trên không phục vụ du lịch tại Việt Nam được sử dụng phổ biến nhất hiện nay là dù bay có xuồng kéo và diều bay có động cơ. Tuy nhiên dù bay có xuồng kéo mắc nhược điểm là phạm vi quan sát hẹp, khá mạo hiểm nên ít người chơi. Trong khi đó diều bay có động cơ thì mỗi lần chỉ chở được một khách, cũng khá mạo hiểm và ít người chơi.

Sản phẩm mới này sẽ tạo ra phương tiện du lịch ngắm cảnh từ trên cao vừa tiện nghi, vừa an toàn mà giá cả rất cạnh tranh. Có thể phục vụ khách du lịch ngắm cảnh từ trên cao ở sông Hồng, sông Hàn, sông Sài gòn, các khu du lịch như Hạ Long, Sầm Sơn, Cửa Lò, Nha Trang, Vũng Tàu, Phú Quốc, hoặc các hồ Hoà Bình, hồ Núi Cốc... Cũng có thể phục vụ khách du lịch ở Phu ket, Pattaya, Singapore ... 

PV:- Rất tâm huyết để tạo ra đứa con tinh thần với nhiều ưu thế nổi bật, hẳn ông rất kỳ vọng sản phẩm sớm được ứng dụng trong thực tế? Nếu vậy thì phải thực hiện thế nào và điều kiện cụ thể ra sao, thưa ông?

GS.TSKH Nguyễn Đức Cương:- Vâng, VASA đã đề xuất một dự án khá cụ thể, chia làm 2 giai đoạn, thực hiện trong 2-3 năm .Tên dự án là "Phát triển phương tiện bay du lịch an toàn, giá rẻ". Mục tiêu tổng quát của dự án đó là phát triển phương tiện bay du lịch an toàn, giá rẻ, cất hạ cánh thẳng đứng và thân thiện với môi trường.

Trong khi đó, mục tiêu cụ thể của dự án là chế tạo khí cầu bay chở được 6 khách du lịch VUSTA -2000 (khoảng 2000 m3), thiết lập cơ sở sản xuất 10 khí cầu bay/năm. Cần đầu tư trong 2 năm khoảng 20 tỷ VNĐ (chưa đến 1 triệu USD).

Để giảm bớt rủi ro cho nhà đầu tư, chúng tôi dự kiến ở giai đoạn 1 (gieo mầm) thực hiện chế thử một mẫu khí cầu bay cỡ nhỏ, gọi là VUSTA-20 (khoảng 20 m3) có xuồng kéo, có quadrotor ổn định với tổng kinh phí khoảng 1,5 tỷ, thời gian khoảng 1 năm. Giai đoạn 2 chế tạo khí cầu bay chở người (khoảng 2000m3), thiết lập cơ sở sản xuất khoảng 10 chiếc /năm, cần đầu tư khoảng 20 tỷ (chưa đến 1 triệu USD), thời gian khoảng 1-2 năm.

Cụ thể, giai đoạn 1 tiến hành trong khoảng 12 tháng. Mục tiêu của giai đoạn này là chế tạo một khí cầu bay loại nhỏ mang tải có ích >1 kg, thử nghiệm bay trên hồ, phục vụ cho thiết kế và công nghệ. Trong giai đoạn 1, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật VN (VUSTA) đã cam kết đầu tư 550 triệu từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, để dự án được triển khai nhanh chóng và đạt chất lượng cao thì cần đầu tư thêm khoảng 1 tỷ VNĐ.

Theo dự kiến, kinh phí cho giai đoạn này là 1600 triệu VNĐ, bao gồm kinh phí công lao động khoa học và phổ thông (khoảng 10 người); nguyên vật liệu, năng lượng; thuê xe ô tô và xuống máy cùng các chi phí khác.

Việc đề xuất tăng thêm nguồn đầu tư cho giai đoạn 1 là có liên quan tới tới việc Hội VASA đã ký hợp đồng với Liên hiệp Hội VUSTA, và cam kết sẽ hoàn thành đề tài (giai đoạn 1) trong 18 tháng (cuối 12/2019). Tuy nhiên, với các quy định hiện hành thì chủ nhiệm và các thành viên tham gia đề tài chỉ được tính công trung bình tương đương với công "cửu vạn", khó để mọi người đam mê, sáng tạo, đảm bảo vượt tiến độ và chất lượng. Nếu có nguồn đầu tư bổ sung (dưới hình thức hợp tác công tư PPP) thì tôi cam đoan có thể hoàn thành giai đoạn 1 sớm hơn và chất lượng cũng sẽ cao hơn nhiều.

Ở giai đoạn 2 của dự án, dự kiến diễn ra trong khoảng 1 – 2 năm. Nhiệm vụ trong giai đoạn 2 là: Nghiên cứu phát triển phương án VUSTA-2000 chở 6 khách du lịch; Thiết lập cơ sở sản xuất loạt đầu 10 chiếc/năm và phát triển cơ sở sản xuất loạt theo nhu cầu của thị trường.

Kinh phí khái toán cho giai đoạn 2 vào khoảng 20 tỷ VNĐ, bao gồm kinh phí cho công lao động quản lý, lao động khoa học và phổ thông; nguyên vật liệu, năng lượng (để chế thử 3 cái 2000 m3); Nhà xưởng , mặt bằng kỹ thuật (khoảng 1500m2); Tiếp thị, quảng cáo; Mua sắm thiết bị, thuê xe ô tô và ca nô cùng các chi phí khác.

Với mức sử dụng 25 ngày/tháng, 4 h/ngày, mỗi lần bay có trung bình 5 khách và 500 nghìn/khách bay 15 phút, thì lợi nhuận trước thuế vào khoảng 200 triệu/tháng một chiếc, nếu tính cả các loại phí phải nộp thì chỉ vào khoảng 3 năm, các nhà kinh doanh dịch vụ đã thu hồi được số tiền bỏ ra là 6 tỷ VNĐ để mua một chiếc khí cầu bay VUSTA-2000 (có thể mua trả góp). Bên cạnh đó, các nhà kinh doanh dịch vụ bay cũng có thể thu tiền từ các dịch vụ quảng cáo trên thân khí cầu (dự kiến thân hình "con nhộng" đường kính 9m, dài khoảng 30m). Nếu các nhà kinh doanh dịch vụ bay có góp vốn đầu tư giai đoạn 1 và giai đoạn 2 thì sẽ có giá bán ưu đãi theo thoả thuận.

Với hiệu quả khai thác như vậy, tôi cho rằng, nếu đầu tư 20 tỷ thì dự kiến thu hồi vốn trong 2 năm. Sẽ khấu hao vốn đầu tư là 1tỷ/chiếc (nếu sản xuất 20 chiếc trong 2 năm). Giá thành chế tạo (vật tư +nhân công) khi sản xuất 10 chiếc/năm dự kiến khoảng 3 tỷ VNĐ/một chiếc. Giá bán 1 chiếc VUSTA-2000 (loạt đầu 10 chiếc): dự kiến 5-6 tỷ VNĐ.

Điểm đặc biệt nữa của VUSTA-2000 là rất thân thiện với môi trường. Phương tiện bay mới này sử dụng khí Heli (một loại khí trơ) hoàn toàn không gây hại gì cho môi trường, hơn nữa, khi bay sẽ giảm rất nhiều tiếng ồn và khí thải so với trực thăng hoặc thuỷ phi cơ, vì vậy đây là một phương tiện bay thân thiện với môi trường, điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với các khu du lịch.

PV:- Đặt trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nguồn ngân sách rất eo hẹp, đặc biệt nguồn kinh phí chi cho nghiên cứu khoa học rất hạn chế, việc huy động vốn cho dự án trên liệu có dễ dàng, thưa ông?

GS.TSKH Nguyễn Đức Cương:-  Đúng vậy, trong tình hình ngân sách nhà nước hiện nay, cần phát huy hình thức hợp tác công tư (PPP), phát huy tối đa các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.  Để thiết kế và chế tạo VUSTA-2000 dự kiến sẽ thành lập công ty cổ phần, trong đó sẽ định giá cổ phần đóng góp đầu tư ban đầu về sở hữu trí tuệ (bằng sáng chế) và bằng công nghệ  VUSTA-20 là khoảng 1/3 (sẽ thoả thuận sau giai đoạn 1). Đương nhiên các nhà đầu tư giai đoạn 1 sẽ được hưởng ưu đãi lớn khi tính cổ phần trong giai đoạn 2. Cũng có thể có các hình thức huy động vốn khác, tuỳ tình hình các nhà đầu tư.

Trên tinh thần lĩnh vực sáng tạo cũng đang có cạnh tranh gay gắt, hàng ngày trên thế giới có hàng mấy trăm sáng chế ra đời, tôi kêu gọi các nhà đầu tư sáng suốt hãy vào cuộc, nắm bắt cơ hội "hàng độc" để bứt phá, không bị "đụng hàng", nếu không, rất có thể mai kia Trung Quốc hoặc Singapore hoặc UAE… sẽ công bố một sáng chế mới "trên tài" sáng chế này và chúng ta sẽ bị hẫng hụt trong lĩnh vực này. 

GS. TSKH Nguyễn Đức Cương - nguyên là Phó viện trưởng Viện kỹ thuật Không quân sau chuyển sang làm Phó viện trưởng Viện Tên lửa/ Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự, đều làm nghiên cứu về các loại phương tiện bay có điều khiển. Ông đã có sáng chế được Uỷ ban sáng chế và phát minh của Liên xô công nhận, đó là một loại cánh máy bay giảm lực cản. Ông cũng đã chủ trì thiết kế chế tạo các sản phẩm đã được đưa vào trang bị quân đội, tiết kiệm hàng chục triệu USD cho ngân sách, như sản phẩm mục tiêu bay tốc độ lớn để huấn luyện phi công bắn tên lửa hồng ngoại, sản phẩm ứng dụng công nghệ thông tin để chế tạo buồng tập lái phục vụ huấn luyện phi công chiến đấu.

Vừa qua, ông được tôn vinh là một trong 53 trí thức KHCN tiêu biểu của cả nước trong năm 2017.

 

 PV:- Xin cảm ơn ông!


Lan Vũ (thực hiện)
Theo Baodatviet.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục