“3 tháng nữa khi các hợp đồng cung ứng sản phẩm cho khách hàng “cạn”, không có hợp đồng mới ký kết thì Nhà máy Dung Quất sẽ đứng trước nguy cơ đóng cửa” ông Nguyễn Hoài Giang – Chủ tịch HĐTV Nhà máy Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) nói.
Khu công nghiệp đón "sóng" đầu tư từ TPP
- Cập nhật : 21/10/2015
(Cong nghiep)
Các khu công nghiệp (KCN) trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An...) đang có mức độ thu hút đầu tư cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do nhiều hiệp định tự do thương mại, mà Việt Nam là thành viên, đang tạo nên sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa 12 thành viên, trong đó có Việt Nam, vừa kết thúc vòng đàm phán sau hơn 5 năm làm việc tích cực.
Nhưng trước đó, nhiều doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã đến đặt nhà máy, cơ sở kinh doanh tại Việt Nam để đón đầu những lợi ích kinh tế mà TPP mang lại.
Theo Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Long An (LAEZA), tính từ đầu năm đến ngày 30/9, Ban đã tiếp nhận 122 dự án đầu tư, tăng 14,02% so với cùng kỳ năm 2014.
Trong đó có 67 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư hơn 395 triệu USD, tăng 2,37% so với cùng kỳ năm 2014. DN đầu tư tập trung nhiều trong các lĩnh vực may mặc, da giày, dệt nhuộm, nhựa... và chủ yếu đặt nhà máy tại các KCN ở huyện Bến Lức, Đức Hòa, Cần Giuộc.
Tập đoàn Tân Tạo (ITA), chủ đầu tư KCN Tân Đức, cho biết, giữa tháng 9, UBND tỉnh Long An, Bộ Khoa học, Công nghệ và Bộ Tài nguyên - Môi trường đã chấp thuận cho Tập đoàn Trillions (Mỹ) đầu tư vào KCN Tân Đức giai đoạn 2 tại huyện Đức Hòa.
Đây là tổ hợp các dự án có quy mô khoảng 30ha với vốn đầu tư dự kiến 120 triệu USD, do Tập đoàn Trillions cùng các đối tác như Cosmo, CHA Technologies, Starensier US, Mountian Star, Billions TW... đầu tư để cung cấp sản phẩm cho các hãng Adidas và Nike, cũng như đón đầu cơ hội TPP trong thời gian tới.
Đại diện của Tân Tạo đánh giá, cơ hội kinh doanh sau khi Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) và triển vọng từ TPP đã thu hút làn sóng FDI cũng như sự dịch chuyển đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Đây là điều kiện thuận lợi cho các công ty kinh doanh hạ tầng KCN tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận nếu năng động trong thu hút đầu tư, đặc biệt là khi bất động sản KCN đang được đánh giá là phân khúc có tỷ suất sinh lời cao và ổn định nhất hiện nay.
Trước đó, vào tháng 8, UBND tỉnh Long An cũng đã trao Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án nhà máy kéo sợi của Tập đoàn Huafu (Hồng Kông) với diện tích 35ha, có tổng vốn đầu tư trên 300 triệu USD.
Dự án có công suất dự kiến mỗi năm kéo 30.000 tấn sợi các loại, ước tính sẽ góp phần giải quyết việc làm cho hơn 3.000 lao động tại địa phương.
Được biết, Huafu là một trong những tập đoàn kinh tế lớn chuyên ngành kéo sợi với bề dày hơn 20 năm hình thành và phát triển tại Hong Kong, là nhà cung cấp sợi màu cao cấp lớn nhất thế giới cho ngành dệt may tại hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, như châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông Nam Á.
Về thu hút FDI trong 9 tháng qua, tổng số vốn FDI vào KCN, Khu kinh tế cả nước đạt hơn 8,7 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ.
Một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Standard Chartered cho thấy, có sự dịch chuyển vốn đầu tư từ Trung Quốc sang các nước trong khối ASEAN để tận dụng cơ hội.
Khoảng 44% đơn vị tham gia nghiên cứu chọn Việt Nam do có thị trường nội địa lớn, 29% chọn do chi phí hoạt động thấp và 18% chọn bởi nhân công dồi dào.
Với riêng ngành may mặc, khi TPP có hiệu lực, đây là ngành có nhiều lợi thế nên các tập đoàn, DN lớn của nước ngoài đã "đổ bộ” vào Việt Nam trong thời gian qua.
Để đón làn sóng đầu tư mới, nhiều địa phương đã điều chỉnh chính sách đầu tư, hoặc mở rộng thêm diện tích KCN. Điển hình, TP.HCM đã công bố kế hoạch mở 7 KCN mới, tổng diện tích khoảng 2.000ha để đón dòng vốn từ ngành dệt may, dịch vụ và chế biến thực phẩm.
Hay như trường hợp của Long An, các chủ đầu tư hạ tầng KCN tại Long An như Tân Tạo, Đồng Tâm đã xin bổ sung ngành nghề dệt có công đoạn nhuộm vào quy hoạch. Diện tích tối đa tiếp nhận dự án ngành dệt có công đoạn nhuộm là 30ha.
Đồng thời, UBND tỉnh Long An yêu cầu chủ đầu tư KCN chỉ được tiếp nhận DN thứ cấp có quy trình công nghệ sản xuất tiên tiến và liên hoàn từ khâu dệt đến công đoạn nhuộm (không nhuộm gia công), đảm bảo nhà đầu tư phải sử dụng máy móc thiết bị mới 100% và đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo đúng quy định.
Trong khi ở Đồng Nai, cụ thể là các KCN của Tín Nghĩa, từ đầu năm 2015, nhiều DN dệt nhuộm của nước ngoài đến tìm hiểu thuê đất nhưng hiện, Tín Nghĩa chủ yếu giải quyết cho các DN may mặc hiện hữu trong khu muốn mở rộng đầu tư.