Tháng 3/2016, cầu Cửa Đại (Quảng Nam) chính thức khánh thành cùng tuyến đường nối từ Duy Xuyên - Tam Kỳ đã tạo nên mạch giao thông mới nối vào Khu kinh tế (KKT) Chu Lai. Một cơ hội phát triển lớn cho kinh tế - xã hội Quảng Nam và duyên hải miền Trung lấy điểm đầu từ Chu Lai đã chính thức được mở ra.
Thanh lọc dự án trong khu công nghiệp
- Cập nhật : 08/04/2016
(Tin kinh te)
Nhiều DN và cá nhân lợi dụng chính sách ưu đãi cho thuê đất giá rẻ, giảm thuế… trong các KCN để hưởng lợi.
Lợi dụng chính sách để trục lợi
Năm 1993, khu chế xuất An Đồn (KCN Đà Nẵng) ra đời, trở thành KCN đầu tiên trên địa bàn TP. Đà Nẵng. Đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 6 KCN tập trung bao gồm: Hòa Khánh, Đà Nẵng, Liên Chiểu, Hòa Khánh mở rộng, Hòa Cầm và KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng.
Tuy nhiên, có một thực tế là trong khi số lượng các DN trong các KCN tăng lên thì diện tích các KCN trên địa bàn lại đang có xu hướng thu hẹp. Bởi, thời điểm năm 2006, tổng diện tích các KCN theo quy hoạch khoảng gần 1,3 nghìn ha. Tuy nhiên, đến cuối năm 2015, quy hoạch các KCN trên địa bàn giảm xuống còn khoảng hơn 1 nghìn ha, với tỷ lệ lấp đầy 85%.
Hỗ trợ cho các KCN phát triển, TP. Đà Nẵng đã tập trung xây dựng hạ tầng giao thông huyết mạch, như nâng cấp cảng biển Tiên Sa, sân bay Quốc tế Đà Nẵng, hầm đường bộ Hải Vân, quốc lộ 1A đi qua địa bàn thành phố, đường ven biển Sơn Trà - Hội An...
Bên trong các KCN, hạ tầng kỹ thuật cũng được chú trọng đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ, hiện đại về điện, nước, hệ thống bưu chính viễn thông... đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư.
Cũng trong năm 2015, các DN trong KCN đóng góp ngân sách thành phố hơn 5.000 tỷ đồng. Một số dự án lớn đã có nhiều đóng góp cho ngân sách địa phương như, Công ty TNHH VBL Đà Nẵng, Công ty TNHH TCIE Việt Nam, CTCP Sữa Việt Nam, CTCP Cao su Đà Nẵng…
Tuy nhiên trong thực tế, hoạt động của các KCN trên địa bàn Đà Nẵng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Theo ông Phạm Việt Hùng, Trưởng Ban BQL các KCN và chế xuất TP. Đà Nẵng, vẫn còn đó những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai hoạt động của các KCN trên địa bàn.
Theo đó, quy mô KCN còn nhỏ, đa số nằm xen kẽ trong các khu dân cư. Nhiều dự án của các DN là những dự án di dời, giải toả vào KCN để chỉnh trang đô thị. Hệ luỵ là phần lớn các dự án này thiếu những điều kiện cơ bản như thiết bị công nghệ, thị trường, không có năng lực tài chính, thiếu kinh nghiệm sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, gần đây còn có hiện tượng một số DN đã lợi dụng những chính sách ưu đãi trong các KCN như cơ hội thuê lại đất giá rẻ, hưởng ưu đãi miễn giảm tiền thuê đất để trục lợi. Theo đó, mặc dù, không có nhu cầu đầu tư nhưng các chủ đầu tư vẫn lập dự án sản xuất để thuê lại đất trong KCN, nhưng không triển khai dự án, sau đó chuyển nhượng hoặc cho thuê nhà xưởng để thu lợi.
Theo kết quả rà soát của các cơ quan chức năng ở địa phương ở thời điểm cuối năm 2015, có đến 40% dự án trong các KCN không có năng lực sản xuất hoặc năng lực sản xuất thấp.
Sẽ thanh lọc dự án
Ngoài một số “con sâu làm rầu nồi canh”, đại diện nhiều DN còn cho rằng, chức năng quản lý Nhà nước giữa bên trong và bên ngoài ranh giới các KCN còn chồng chéo bởi sự không thống nhất, thiếu đồng bộ… gây không ít phiền hà cho DN làm ăn chân chính.
Trước những khó khăn trên, để thu thu hút đầu tư vào các KCN, TP. Đà Nẵng đang triển khai nhiều giải pháp. Trước mắt, các cơ quan chức năng ở thành phố sẽ tiến hành thanh lọc các dự án trong KCN.
Theo đó, sẽ tập trung xử lý đối với các dự án không có cơ sở sản xuất của chính chủ đầu tư mà thuần túy là kinh doanh BĐS trong các KCN. Nếu cần sẽ điều chỉnh lại khung giá thuê đất cho phù hợp, tránh tình trạng lợi dụng chính sách ưu đãi để trục lợi. Đồng thời, yêu cầu các chủ đầu tư cam kết đăng ký lộ trình thời gian, loại hình dự án thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch chi tiết trong KCN.
Cũng theo ông Phạm Việt Hùng, Đà Nẵng vẫn sẽ tạo điều kiện cho các dự án có nhu cầu chuyển nhượng chính đáng được thực hiện, tuy nhiên cũng sẽ không để tình trạng và thời gian chuyển nhượng kéo dài (quá 90 ngày kể từ ngày có văn bản hướng dẫn của cơ quan quản lý).
Nếu những chủ dự án không tìm được đối tác nhận chuyển nhượng thì BQL các KCN và chế xuất TP. Đà Nẵng sẽ lập thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chấm dứt dự án để kêu gọi nhà đầu tư mới. Mục tiêu phấn đấu để đến năm 2017, có được gần 90% dự án trong các KCN có năng lực sản xuất thực sự…
Ngoài chủ trương thanh lọc nhưng dự án yếu kém trong các KCN, TP. Đà Nẵng cũng đã có kế hoạch xây dựng các KCN mới theo quy hoạch vùng để đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp, thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển của thành phố. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng các KCN trong thời gian tới sẽ được tiến hành theo hướng xã hội hoá. Ngân sách của thành phố chỉ để hỗ trợ một phần cho công tác đền bù giải tỏa.
Theo đó, Đà Nẵng sẽ mở rộng KCN Hòa Cầm giai đoạn 2, nằm trong danh mục các KCN ưu tiên thành lập đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mở rộng thêm khoảng 150ha KCN Hòa Cầm về hướng tây nam, để KCN này bảo đảm diện tích khoảng 300 ha. Ngoài ra, sẽ thành lập các KCN mới như, KCN Hòa Nhơn, KCN Hòa Khương với quy mô 300ha để thu hút các ngành công nghiệp phụ trợ.
Bên cạnh, thành phố sẽ thay đổi phương thức vận động, thu hút đầu tư vào các KCN một cách linh hoạt, hướng đến một số khu vực nhất định có tiềm năng, thực hiện nguyên tắc “ưu đãi cái mà nhà đầu tư cần, chứ không phải chỉ ưu đãi cái thành phố đang có”…
Nghi Lộc
(Thời báo Ngân hàng)