Xu thế dòng tiền: Ẩn số Nhân dân tệ và nỗi lo bất ổn tỷ giá
Đợt điều chỉnh biên độ tỷ giá lần này có sự khác biệt trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều bất ổn hơn, đặc biệt là Trung Quốc. Thông tin tiêu cực này xuất hiện đúng vào thời điểm thị trường đang rất mong manh giữ khả năng tăng và giảm, nên đã dẫn đến sự thay đổi lớn hơn và phản ứng mạnh hơn.
Điều khiến các chuyên gia lo ngại là không rõ các diễn biến tiếp theo của câu chuyện tỷ giá sẽ như thế nào. Vị thế chủ động trong điều hành của Ngân hàng Nhà nước đang dần phải nhường chỗ cho những yếu tố khó lường, ngoài tầm kiểm soát.
Mặc dù có các dự đoán khác nhau về động thái tiếp theo, nhưng quan điểm chung là mọi khả năng đều vẫn còn để ngỏ, điều này làm gia tăng rủi ro trên thị trường chứng khoán.
Kỳ vọng thành thất vọng
Nguyễn HoàngVnEconomy Thị trường tuần này đã không chỉ điều chỉnh sâu hơn ngưỡng 600 điểm như dự đoán của anh chị tuần trước mà còn sụt giảm trong tình thế hoảng loạn. Việc tỷ giá điều chỉnh đã từng xảy ra, nhưng tại sao lần này lại có hiệu ứng lớn như vậy?
Ông
Lê Đức KhánhKinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)Nếu như Trung Quốc không phá giá liên tục đồng Nhân dân tệ và nếu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không có điều chỉnh tỷ giá ngay để ứng phó với sự kiện trên, rồi giá vàng, giá đô không tăng mạnh, rồi lại nếu thời điểm này không phải thời điểm tháng "cô hồn"..., có lẽ tâm lý nhà đầu tư không đến nỗi bi quan như vậy.
Nhiều thông tin bất ổn trên thế giới, diễn biến vĩ mô bất lợi chưa kể đến những sự kiện liên quan đến một số lãnh đạo ngân hàng Đông Á vừa qua, vô hình chung tất cả mọi thứ đến cùng một lúc, đã tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư, và hành động hợp lý duy nhất đó là bán tháo cổ phiếu để giữ tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt ở mức an toàn.
Tâm lý phản ứng quá đà, thậm chí mạnh hơn, cũng là điều dễ hiểu giải thích tại sao thị trường điều chỉnh sâu như vậy.
Ông
Trần Xuân BáchBộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo ViệtTôi cho rằng việc điều chỉnh tỷ giá chỉ là một trong những hiệu ứng tiêu cực khiến thị trường sụt giảm trong tình thế có phần hoảng loạn trong tuần qua.
VN-Index đã cho phản ứng hồi phục khi tiếp cận ngưỡng hỗ trợ tâm lý quanh 600 điểm. Đây là một ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật mạnh với mật độ khối lượng giao dịch tương đối dày đặc trong quá khứ, vì vậy không khó để hiểu một bộ phận nhà đầu tư đã đặt kỳ vọng vào cửa hồi phục và quay lại xu hướng tăng điểm của chỉ số tại ngưỡng điểm này, đặc biệt là với yếu tố kỳ vọng từ thông tin nới room cho nhà đầu tư nước ngoài được hé lộ trong tuần qua.
Tuy nhiên, điều nhà đầu tư chờ đợi nhất vẫn là danh mục các công ty được mở room ngay thì vẫn chưa được đáp ứng. Tâm lý kỳ vọng đã phần nào trở thành thất vọng trong bối cảnh Trung Quốc liên tục phá giá đồng Nhân dân tệ dẫn đến việc Ngân hàng Nhà nước phải ngay lập tức phải có biện pháp điều chỉnh tỷ giá VND tương ứng.
Những yếu tố này đã tạo ra sự cộng hưởng khiến cho áp lực bán diễn ra đồng thời trên diện rộng, qua đó đẩy chỉ số giảm sâu trong tuần qua.
Bà
Hồ HuyềnTrưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECTThị trường tuần trước đang đứng ở vùng ranh giới giữa xu hướng tăng và giảm, tâm lý nhà đầu tư nói chung rất mong manh, phần lớn chỉ thăm dò và chờ đợi.
Thông tin phá giá đồng nội tệ xuất hiện khiến cho phần lớn người nắm giữ cổ phiếu bị lỗ, tâm lý hy vọng trong hơn một tháng qua không còn được giữ vững. Điều đó khiến phản ứng tiêu cực đi xa hơn so với dự đoán.
Ông
Phạm Thiên QuangTrưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBSTheo tôi đợt điều chỉnh biên độ tỷ giá lần này có sự khác biệt là trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều bất ổn hơn, đặc biệt là Trung Quốc. Có ý kiến lo ngại khả năng đồng Nhân dân tệ có thể tiếp tục bị phá giá và ảnh hưởng tiêu cực sẽ còn tiếp tục.
Như vậy câu chuyện quan tâm bây giờ là điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Bán tháo sẽ giảm dần
Nguyễn HoàngVnEconomy Tuần trước anh chị cho rằng vẫn chưa có sự rũ bỏ triệt để lượng cổ phiếu kẹt giá cao và nhất lượng lượng margin. Vậy mức độ bán tháo tuần này đã đủ chưa?
Bà
Hồ HuyềnTrưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECTThị trường xuất hiện đợt rũ cung mạnh hơn so với dự đoán của tôi. Sự tổn thương này khó có thể hàn gắn trong một sớm một chiều. Vì vậy tôi nghiêng về khả năng nhịp giảm sẽ phức tạp hơn và chưa thể kết thúc ngay.
Ông
Trần Xuân BáchBộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo ViệtTheo quan sát của tôi, tuần qua thị trường đã bắt đầu xuất hiện hiện tượng bán tháo cắt lỗ khi chỉ số lùi về gần vùng hỗ trợ mạnh 580-585 điểm.
Tuy nhiên mức độ bán có vẻ vẫn còn khá chủ động và chưa thấy nhiều hiện tượng giải chấp.
Tôi đang chờ đợi sự xuất hiện của một phiên “washout” tại vùng hỗ trợ trên trong thời gian tới.
Ông
Lê Đức KhánhKinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)Như tôi đã trao đổi cách đây 1- 2 tuần, thị trường cần nhiều thời gian để điều chỉnh và giai đoạn hiện tại không thích hợp cho giao dịch cổ phiếu.
Lượng cổ phiếu kẹt giá cao, rồi lượng cổ phiếu mới mua vào rồi không có lãi lại được đưa ra bán... tất cả đều không quan trọng bằng tâm lý nhà đầu tư hiện tại. Họ đang nghĩ gì và phản ứng bằng hành động với những thông tin xấu đang diễn ra hiện nay.
Nếu đa số là những người đầu cơ thì lượng cổ phiếu trao tay càng diễn ra nhanh và thị trường còn sẽ lại tiếp tục điều chỉnh lâu hơn. Như vậy, lực bán tháo có lẽ vẫn chưa thể dừng lại khi mà tâm lý nhà đầu tư hiện nay chưa được cải thiện.
VN-Index có lẽ “test” vùng hỗ trợ mạnh 580 - 585 điểm trước và xuất hiện các phiên hồi phục. Ít nhất là tuần tới lực bán tháo sẽ giảm dần và lực bắt đáy có thể gia tăng trở lại.
Ông
Phạm Thiên QuangTrưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBSNhư đã đề cập trước đây, mối quan tâm của tôi lúc này là các cơ hội cụ thể hơn là mức độ bán tháo chung trên thị trường.
Ẩn số Nhân dân tệNguyễn HoàngVnEconomy
Câu chuyện phá giá đồng nội tệ của Trung Quốc là tâm điểm của tuần này. Từ góc độ phân tích cơ bản, anh chị đánh giá về mức độ tác động cũng như tính chất dài hơi của sự kiện này với thị trường như thế nào? Anh chị có lo ngại vấn đề này ảnh hưởng tới xu thế chung thời gian tới hay không?
Ông
Trần Xuân BáchBộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Phản ứng lại với quyết định phá giá đồng Nhân dân tệ, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định nâng biên độ biến động tỷ giá USD/VND từ +/-1% lên +/-2%.
Động thái này được cho là giúp tỷ giá đồng nội tệ phản ánh được đầy đủ hơn với những biến động trên thị trường ngoại hối quốc tế và giúp hoạt động xuất khẩu của Việt Nam giảm được những tác động bất lợi của việc đồng Nhân dân tệ mất giá.
Bên cạnh đó, tình hình thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc gia tăng mạnh trong những năm gần đây. Những diễn biến này sẽ còn gây áp lực đối với các quyết định điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước từ nay cho tới cuối năm.
Thách thức sẽ ngày một lớn khi vị thế chủ động đang dần phải nhường chỗ cho những yếu tố khó lường, ngoài tầm kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước như thời điểm Mỹ tăng lãi suất hay động thái của Trung Quốc vừa qua.
Đây được xem là những yếu tố có khả năng tác động tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong tương lai, từ đó sẽ tạo hiệu ứng tâm lý không tốt với thị trường trong ngắn hạn.
Hiện tại không thể biết được liệu đồng Nhân dân tệ có tiếp tục bị phá giá, hay Trung quốc sẽ còn thêm những động thái gì tiếp theo. Vì vậy tôi cho rằng việc vấn đề này có ảnh hưởng tới xu thế chung thời gian tới hay không, vẫn cần được để ngỏ, bởi đây là một biến số mới cần phải tiếp tục quan sát chặt chẽ.
Ngân hàng Nhà nước cũng không nên tự giới hạn mình trong phạm vi biên độ tỷ giá 2% theo mục tiêu đã đặt ra từ đầu năm. Các nhà điều hành cần có phản ứng linh hoạt trước những biến động mang tính khách quan, để hạn chế tổn thương cho nền kinh tế trong một môi trường liên thông toàn cầu như hiện nay.
Ông
Phạm Thiên QuangTrưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán
Tôi nghĩ mức độ tác động từ chuyện phá giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đến khu vực và cả Việt Nam là điều rất rõ ràng trên hai phương diện: thương mại và dòng vốn. Rất nhiều phân tích đã được đưa ra, nên tôi cũng sẽ không phân tích thêm ở đây.
Vấn đề cần quan tâm hơn ở đây là điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Nếu việc phá giá Nhân dân tệ dừng lại ở đây thì không có gì quá đáng ngại. Việc đồng tiền của một quốc gia biến động trong khoảng 5% là rất bình thường, nhất là đặt trong bối cảnh chung của thế giới, nhiều đồng tiền đã giảm giá mạnh so với đồng USD trong khoảng 2-3 năm nay. Thị trường sẽ quen dần với sự kiện này và mối quan tâm sẽ quay trở lại các vấn đề trọng điểm trong nước.
Sự lo ngại sẽ thực sự diễn ra nếu quá trình phá giá Nhân dân tệ tiếp tục diễn ra mới mức độ lớn, kéo theo hệ lụy bất ổn cho khu vực và dĩ nhiên là sẽ tác động đến Việt Nam.
Song, tôi cho rằng khả năng xảy ra kịch bản xấu như vậy là thấp, mặc dù không hoàn toàn loại trừ.
Bà
Hồ HuyềnTrưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT
Tôi lo ngại động thái phá giá đồng Nhân dân tệ sẽ còn tiếp diễn.
Chưa cần nói đến sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam so với Trung Quốc giảm, tỷ giá trong nước và khu vực chắc chắn sẽ bất ổn, điều này sẽ gây ra tâm lý bất ổn cho người dân nói chung, chứ không chỉ nhà đầu tư chứng khoán.
Thị trường vì thế sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn, khiến cho sự hồi phục xu hướng tăng trở nên khó khăn hơn.
Ông
Lê Đức KhánhKinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)
Trung Quốc có lý do để phá giá đồng tiền của họ và nền kinh tế của họ theo đó cũng được hưởng lợi cũng như bị ảnh hưởng từ việc điều chỉnh chính sách tiền tệ này.
Nhìn từ góc độ phân tích cơ bản, kinh tế Việt Nam cũng bị ảnh hưởng tiêu cực hơn là tích cực từ động thái trên. Kim ngạch xuất nhật khẩu, yếu tố cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu, các biện pháp ứng phó ngay lập như việc điều chỉnh tỷ giá, việc cân nhắc phá giá tiền Việt Nam đồng đều được đưa lên bàn cân và phải thực hiện ngay.
Mặc dù Chính phủ Việt Nam vẫn đề cao việc ổn định kinh tế và kiểm soát lạm phát, nhưng khi kinh tế Trung Quốc bất ổn thì nền kinh tế Việt Nam không tránh khỏi sẽ có những thay đổi để thích ứng.
Về ngắn và trung hạn, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng như ổn định về vĩ mô sẽ gặp nhiều khó khăn. Các mục tiêu vĩ mô tăng trưởng GDP, lạm phát, CPI... đặt ra từ đầu năm nay của Việt nam cũng khó có thể đạt được.
Nói cách khác, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã, đang và sẽ bị tác động tiêu cực trong thời gian tới. Thị trường sẽ vào giai đoạn điều chỉnh thêm nhiều thời gian để ổn định.
Có lẽ tôi cũng sẽ điều chỉnh lại dự báo về thị trường trong thời gian tới.
Cẩn trọng bắt đáy
Nguyễn HoàngVnEconomy
VN-Index đã về sát vùng tích lũy cuối tháng 6/2015 và bắt đầu xuất hiện lực cầu bắt đáy. Theo anh chị có nên bắt đáy vào thời điểm này hay chưa? Vị thế của anh chị hiện tại như thế nào?
Ông
Phạm Thiên QuangTrưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán
Tôi nghĩ trong đầu tư nên chuẩn bị cho các kịch bản khác nhau. Tôi hành động trên “base case”, nên với tôi lúc này thị trường giảm là cơ hội, tôi đã tăng tỷ lệ cổ phiếu thêm và hiện giờ tỷ lệ cổ phiếu/tiền mặt là 50%/50%.
Bà
Hồ HuyềnTrưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT
Sau khi bán hết danh mục vào 4/8, tôi có bắt đáy 30% nhưng không thành công nên đã bán hết khi cổ phiếu về tài khoản. Vị thế hiện tại của tôi không có cổ phiếu.
Tuần tới, thị trường có thể hồi nhưng tôi không kỳ vọng nhiều vào sự đảo ngược xu thế, chính vì vậy nếu có tham gia cũng chỉ ở mức độ vừa phải và mua nhanh, bán nhanh.
Ông
Trần Xuân BáchBộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Những diễn biến trên thị trường tiền tệ thế giới đang gây áp lực điều chỉnh cho thị trường. Tuy nhiên, áp lực này đã giảm dần về cuối tuần qua, đồng thời thị trường cũng đang dần quen với những biến cố mới.
Điều này cùng với những tín hiệu của kỹ thuật đang mở ra cơ hội hồi phục cho cả hai chỉ số trong tuần sau.
Nhà đầu tư được khuyến nghị giải ngân từng phần ở các vùng giá thấp đối với các mã cơ bản tốt và đã giảm sâu tương đối, đặc biệt thuộc các nhóm ngành có yếu tố thông tin hỗ trợ, như nhóm cổ phiếu hưởng lợi bởi triển vọng mở room, nhóm có triển vọng kết quả kinh doanhg khả quan, bao gồm cả các mã bất động sản hạng trung.
Hoạt động mua đuổi giá cao nên được hạn chế, do khả năng thị trường sẽ cần thêm thời gian để xác lập vùng đáy mới.
Tuần qua, tôi vẫn giữ nguyên tỷ trọng danh mục tổng ở mức cân bằng 50%, trong đó phần danh mục trung hạn vẫn giữ ở mức 30% cổ phiếu.
Ông
Lê Đức KhánhKinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)Nhìn từ phía góc độ phân tích kỹ thuật thì ngưỡng hỗ trợ 580 - 585 điểm là mốc hỗ trợ rất mạnh và lực cầu bắt đáy gia tăng từ đây.
Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng nhà đầu tư không nên giao dịch ở thời điểm hiện tại và nếu có bắt đáy khi thị trường điều chỉnh tuần tới về ngưỡng 580 - 585 điểm, thì chỉ và chỉ có thể mua vào một vài cổ phiếu cơ bản, triển vọng tốt nhất mà thôi.
Tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt hiện tại của tôi vẫn đang là 30%/70% và tôi sẽ cân nhắc mua vào, nâng thêm tỷ trọng cổ phiếu ở tuần tới.
*Theo yêu cầu của đông đảo bạn đọc, cũng như để tạo kênh phản hồi đa chiều khách quan, VnEconomy xin chia sẻ địa chỉ e-mail của các chuyên gia tham gia "Xu thế dòng tiền". Họ sẵn sàng trao đổi, làm rõ thêm các quan điểm và phản hồi phản biện của bạn đọc.
ÔngPhạm Thiên Quang, Trưởng bộ phận Equity Research, Chứng khoán MBS: quang.phamthien@mbs.com.vn
ÔngLê Đức Khánh, Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI): leduckhanh@gmail.com
BàHồ Huyền, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDS: huyen.ho@vndirect.com.vn
ÔngTrần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt: tranxuanbach@baoviet.com.vn