Khi "cơn sốt" sau kết quả đàm phán thành công dần hạ nhiệt, nhà đầu tư bắt đầu nhận ra cần chờ đợi lâu hơn những tác động từ TPP lan tỏa vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thăng trầm của dân "chơi chứng"
- Cập nhật : 15/02/2016
(Tin kinh te)
Chứng khoán từng được ví như “liều thuốc kích thích” khiến nhà đầu tư ở trạng thái hưng phấn cao độ, nhưng cũng không ít lần đẩy họ vào trạng thái tột cùng của sự buồn bã.
Muôn chuyện chốt lãi, cắt lỗ
Ở một tâm trạng lạc quan, anh Minh, một nhà đầu tư đã có 10 năm kinh nghiệm chia sẻ, 2015 là năm thử thách nhà đầu tư, nhưng với cá nhân anh, cũng là năm gặt hái được những thành công nhất định, không chỉ là tiền bạc mà còn ở kiến thức.
“Thị trường đã cho tôi rất nhiều bài học. Đáng mừng là tôi không phải trả giá quá đắt cho những bài học đó” - anh Minh bộc bạch và hào hứng cho biết thêm: “Bất chấp thị trường chung sụt giảm, cổ phiếu VEF đã có mức tăng giá ấn tượng, từ 10.100 đồng/CP lên trên 20.000 đồng/CP trong thời gian qua.
Cảnh nhà đầu tư xếp hàng trước Sở giờ không còn nữa, nhưng bức ảnh cho thấy, chứng khoán hấp dẫn mọi tầng lớp, không kể trẻ hay già
Tôi là một trong những nhà đầu tư đầu tiên tham gia đấu giá IPO cổ phiếu này hồi tháng 3/2015. Khi VEF chào sàn, tôi đã dồn thêm một tỷ trọng vốn lớn để mua vào cổ phiếu VEF ở mức giá sát với giá đấu. Để các nhà đầu tư khác có thêm thông tin, tôi đã mở các topic về cổ phiếu VEF trên các diễn đàn và thực tế đã thu hút hàng trăm ngàn lượt đọc, cùng với hàng ngàn lượt tham gia trả lời, tương tác thông tin trên đó”.
Thế mới thấy, việc đầu tư bây giờ không chỉ đơn thuần là chỉ bỏ tiền và chờ đợi diễn biến giá cổ phiếu, chờ thông tin từ doanh nghiệp, mà bản thân nhà đầu tư cũng phải tự tạo ra thông tin để tương tác, thu hút các nhà đầu tư khác thông qua các diễn đàn hay trang cá nhân.
Không ngần ngại, anh Ngọc, một nhà đầu tư có thâm niên khác cho biết, trong quá trình đầu tư, anh đã không ít lần nhận thất bại, đó là những lúc anh đã tính toán sai với một vài mã chứng khoán. Tuy nhiên, với kinh nghiệm nhiều năm đầu tư, bản thân anh đúc kết, phải đứng ngoài các rủi ro lớn dựa trên nguyên tắc chốt lời, cắt lỗ mà mình tự đặt ra.
“Trong giai đoạn quý III/2015, tôi có tính toán sai đối với một mã trong nhóm cổ phiếu dầu khí, đó là PVB. Thấy DN có kết quả kinh doanh tốt, thuyết phục nên tôi đã mạnh dạn mua vào với mức giá 30.000 đồng/CP. Tuy nhiên, khi giá PVB tăng lên 38.200 đồng/CP, tôi không những không chốt lời được mà ngược lại còn phải cắt lỗ do cổ phiếu gãy sóng tăng bởi ảnh hưởng tiêu cực của xu hướng giá dầu thế giới. Mặc dù vậy, tôi đã quyết đoán cắt lỗ ngay khi PVB rơi qua vùng hỗ trợ 34.500-35.000 đồng/CP. Nếu không mạnh tay, tôi khó mà giữ được thành quả” - anh Ngọc kể lại.
Khi công nghệ chưa phổ cập, nhiều phiên đấu giá, cả ngàn nhà đầu tư chen nhau chờ đặt lệnh như thế này
Trong khi đó, không giấu được niềm hưng phấn, nhà đầu tư tên Long nhớ lại “thành quả” đạt được trong năm 2015. Tôi còn nhớ rõ cái cảm giác khi mua vào cổ phiếu PXA ở vùng giá 2.400 đồng/CP và chỉ sau một phiên, cổ phiếu này đã được “đánh” lên rất mạnh do có thông tin thâu tóm, sáp nhập.
Giá cổ phiếu tăng nhanh khiến tôi tiếp tục phấn khích mua vào ở các mức giá 2.600 đồng/CP, rồi 2.800 đồng/CP và 3.000 đồng/CP. Không dừng lại ở đó, cổ phiếu PXA tiếp tục đà tăng mạnh, đạt mức 3.900 đồng/CP. Điều đầu tiên tôi nghĩ tới lúc đó là chốt lời vì PXA đã có 6 phiên tăng, CE biên độ giá 10%.
Hơn nữa, bằng kinh nghiệm quan sát đồ thị kỹ thuật, tôi biết rằng, có một lượng hàng bị kẹt ở vùng giá 4.000 đồng/CP trong quá khứ sẽ sớm được bán ra. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn “mua tận gốc, bán tận ngọn”. Chính những người mua đúng đỉnh của PXA giờ đang ở tâm trạng ngược lại, bởi PXA hiện đang trở về vùng đáy cũ.
“Đây là một thành công đầu tư T+ rất chóng vánh với lợi nhuận cao mà tôi đạt được trong năm 2015. Điều đó thực sự là động lực lớn để tôi tiếp tục nghiên cứu, tìm cơ hội ‘lướt sóng’ mới” - anh Long cho biết.
Thật khó mà định nghĩa, thế nào là nhà đầu tư chứng khoán thành công, bởi nó cũng khó như phán đoán diễn biến của thị trường trong phiên sắp tới. Thế nhưng, một nhà đầu tư chứng khoán thành công, theo đại đa số ý kiến, trước hết phải kiếm được tiền, nhưng là kiếm được tiền nhờ kiến thức tốt, chứ không phải nhờ may rủi. Bởi khi đó, nhà đầu tư có thể tránh được hoặc cắt lỗ kịp thời, đặc biệt đối với những nhóm cổ phiếu có độ “trồi sụt” chóng mặt trong năm qua như dòng dầu khí , khoáng sản…
Đầu tư chứng khoán có dễ?
Đã không còn câu chuyện “cứ mua là lãi” như giai đoạn thị trường 2006-2007. Đến những nhà “ấp chứng” chuyên nghiệp, dồn toàn tâm toàn ý cho việc đầu tư cũng phải công nhận, kiếm tiền từ chứng khoán là không hề dễ dàng. Chuyện mất tiền trong chứng khoán đã là “cơm bữa”, việc “cắm” nhà, bán xe trở về “hai bàn tay trắng” ở giai đoạn thị trường năm 2010-2011 đến nay vẫn còn là nỗi ám ảnh với nhiều nhà đầu tư.
Thực tế, những nhà đầu tư trải qua giai đoạn này đã quá hiểu về sự “nghiệt ngã” của “cái” gọi là chứng khoán. Có những thời điểm cổ phiếu liên tục “đo sàn” trong sự bất lực của cả thị trường lẫn cơ quan quản lý. Thời kỳ khó khăn trong quá khứ khiến nhiều người phá sản và gục ngã, nhưng với nhiều người khác, sự mất mát giúp họ rút ra nhiều bài học lớn.
Bỏ qua quá khứ, khi được hỏi về tâm trạng đầu tư trong năm vừa qua, nhiều nhà đầu tư không khỏi chán nản, than phiền về sự khắc nghiệt của “chứng trường” khi mà chỉ trong một thời gian ngắn, thị trường đã thổi bay tất cả thành quả trong gần 3 quý đầu năm và phần lớn các cổ phiếu thiết lập đáy mới của năm.
Chia sẻ về phương thức đầu tư ở giai đoạn hiện tại, anh Minh cho biết, nhà đầu tư hiện nay không còn phụ thuộc nhiều vào các môi giới mà tự tìm tòi, đi sâu vào phân tích doanh nghiệp để nhìn nhận các “bẫy” đầu cơ giá.
“Qua tìm hiểu, tôi đã nhận ra những kiểu bẫy đầu cơ mới như trường hợp của cổ phiếu KSQ. Phiên giao dịch ngày 3 và 4/12/2015, giá cổ phiếu KSQ đã “thốc” lên kịch trần với khối lượng lớn ở vùng 5.000-5.500 đồng/CP, sau đó liên tiếp rớt sàn 6 phiên, cho dù không có thông tin gì xấu từ phía doanh nghiệp”, anh Minh nói và cho biết, trong trường hợp này, nếu những nhà đầu tư không có kinh nghiệm và kiến thức thì rất dễ “tiền mất, tật mang” với những kiểu “bẫy” như vậy.
Thời sôi động, dân “ấp chứng” tràn mọi ngõ phố, tác nghiệp không kể địa hình Nhiều khảo sát cho thấy, nguyên nhân dẫn đến thua lỗ của số đông nhà đầu tư là do nguyên tắc đầu tư sai lầm. Một trong những sai lầm nghiêm trọng, khó khắc phục ngay cả với nhà đầu tư kinh nghiệm, đó chính là không tuân thủ nguyên tắc, kế hoạch chốt lời, cắt lỗ đã đặt ra. Khi đánh giá sai xu hướng kỳ vọng, việc cắt lỗ “bừa” thường dẫn đến thua lỗ nặng nề khi cổ phiếu giảm sâu, ngược lại thì thường rơi vào cảnh chốt lời non khi cổ phiếu mới tăng.
Cũng có người coi chứng khoán là một trò “cờ bạc” và thắng thua dựa vào sự may rủi. Tuy nhiên, những người đầu tư theo “vận may” có lẽ không còn nhiều. Phần lớn số đông nhà đầu tư hiện nay là mua bán theo các nhà môi giới, tư vấn của công ty chứng khoán. Cũng có một số nhà đầu tư thì tự đưa ra quyết định, nhưng để “chiến thắng” được thị trường, ngoài kinh nghiệm, còn phải cần kiến thức và độ “nhạy” thị trường.
Chứng khoán vẫn là “mỏ vàng”
Trong quá trình đầu tư, nhà đầu tư theo dạng "nghiệp dư" vẫn chiếm số đông vì họ coi chứng khoán chỉ là “việc làm thêm”, là “nghề tay trái”. Thực tế cho thấy, nhưng nhà đầu tư kiểu này thưởng thua lỗ, thậm chí thua lỗ hơn nhiều lần so với tiền lương họ nhận được từ công việc chính thức, kết quả là không ít người đã mất phần lớn tài sản vì chứng khoán.
Điều mâu thuẫn ở chỗ, “chứng cổ” dù khó khăn, nghiệt ngã là như thế… nhưng một khi đã “ngấm vào máu” thì rất khó có thể dứt ra được.
“Khó có nghề nào mang lại nhiều hứng phấn như chứng khoán. Thị trường có lúc này lúc kia, nhưng ‘sau cơn mưa, trời lại sáng’, miễn sao vẫn giữ cho mình sự đam mê, nhiệt huyết thì chứng khoán vẫn là ‘mỏ vàng’, chỉ chờ cơ hội để khai thác” - một nhà đầu tư lâu năm tâm sự.