tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Sau làn sóng bán tháo, chứng khoán châu Á đi về đâu?

  • Cập nhật : 02/11/2018

Vào đầu tháng 10/2018, khi nhà đầu tư bán đổ bán tháo cổ phiếu ở các thị trường mới nổi từ Trung Quốc cho tới Argentina, nhà đầu tư lâu năm trên Phố Wall, Byron Wien, đã gửi một ghi chú tới các khách hàng của ông.

“Câu hỏi đang khiến nhà đầu tư bận tâm là liệu thị trường cổ phiếu Mỹ có tiếp tục tăng cao hơn khi phần còn lịa của thế giới trải qua sự giảm tốc về kinh tế, bất ổn chính trị và xung đôt thương mại”, Byron Wien, Phó Chủ tịch của Blackstone Group, cho biết.

Ông dẫn ra những ví dụ trong quá khứ, thời điểm nhà đầu tư Mỹ vẫn bình tĩnh ngay cả khi các thị trường mới nổi đổ đèo xung quanh họ. Thế nhưng, sau đó ông lại đưa ra lưu ý đầy thận trọng. “Nếu các nền kinh tế ở châu Âu và nhất là Trung Quốc suy giảm nghiêm trọng thì điều này có thể tác động mạnh tới chứng khoán Mỹ”.

Chỉ gần 1 tháng sau đó, xác suất xảy ra kịch bản đó dường như đã gia tăng. Vào ngày 24/10, các chỉ số chứng khoán Mỹ tụt hơn 2%, xóa sạch đà tăng trong năm 2018. Vào ngày 29/10, chỉ số S&P 500 lao dốc 9,9% so với mức kỷ lục xác lập trong tháng 9/2018, khi nhà đầu tư Mỹ lo ngại về tác động của đà tăng lãi suất, đà giảm tốc kinh tế và xung đột thương mại Mỹ-Trung.

Những mối lo ngại trên đã “tra tấn” thị trường châu Á trong nhiều tháng liền. Indonesia, Philippines và Ấn Độ lặng nhìn đồng tiền nước họ lao dốc vì đà tăng của đồng USD, trong khi nỗi lo về đà giảm tốc kinh tế tác động tới Hàn Quốc. Thị trường chứng khoán Trung Quốc chịu áp lực trong phần lớn thời gian của năm nay, rơi vào phạm vi thị trường con gấu khi tác động từ cuộc chiến thương mại bắt đầu “ngấm dần” vào ngành sản xuất và tâm lý người tiêu dùng.

Sau khi bị bán tháo mạnh, nhiều nhà đầu tư sẽ tìm kiếm cơ hội để mua hàng giá rẻ. Thế nhưng, các yếu tố tiêu cực vẫn còn đó và chưa sớm biến mất. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được cho là sẽ tiếp tục nâng lãi suất cho tới năm 2020, qua đó có thể gây áp lực lên các đồng tiền thị trường mới nổi. Tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vẫn chưa thể hiện rõ ở các công ty hoặc người tiêu dùng. Và tiếp đó là nỗi lo về nền kinh tế Trung Quốc.

 

Chỉ số Shanghai Composite – một trong những chỉ số chỉnh của Trung Quốc – đã rớt 28% từ mức đỉnh tháng 1/2018. Trước tình hình đó, các quan chức ở Bắc Kinh phải lên tiếng trấn an dân chúng và tăng cường các biện pháp kích thích kinh tế. Theo các phương tiện truyền thông, Chủ tịch nước Trung Quốc, Tập Cận Bình, cam kết hỗ trợ liên tục cho khu vực tư nhân, còn Phó Thủ tướng Lưu Hạc cho biết, đà bán tháo gần đây trên thị trường tạo ra cơ hội đầu tư dài hạn.

Bất chấp những nhận định trên, nhà đầu tư vẫn lo ngại rằng Trung Quốc có nhiều thứ để mất hơn so với Mỹ trong cuộc chiến thương mại toàn diện. Chính quyền Donald Trump đã áp thêm thuế lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và Bắc Kinh đã đáp trả bằng cách áp hàng rào thuế quan lên 110 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Chính tình hình căng thẳng này đã phủ một màn đen u tối lên nền kinh tế Trung Quốc và thậm chí, nếu căng thẳng tiếp tục leo thang thì có thể gây hại thêm tới tăng trưởng.

Trong một cuộc thăm dò các chuyên gia kinh tế Trung Quốc do Nikkei và Nikkei QUICK News thực hiện, “cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ngày càng leo thang” là yếu tố rủi ro được đề cập tới nhiều nhất.

AXA Investment Managers Asia ước tính, một cuộc chiến thương mại toàn diện có thể làm giảm GDP của Trung Quốc xuống nhiều nhất là 1,5%. Tetsuji Sano, Chuyên gia kinh tế tại Sumitomo Mitsui Asset Management, dự báo, Chính phủ Trung Quốc sẽ hạ mục tiêu tăng trưởng từ 6,5% xuống 6% vào tháng 3/2019.

 

Tăng trưởng GDP Trung Quốc đạt 6,5% trong quý 3/2018, thấp hơn dự báo và thấp hơn so với mức 6,7% của quý trước.

Hiện nay nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với nhiều vấn đề về cấu trúc.

Đầu tiên, Trung Quốc phụ thuộc vào “ngân hàng ngầm” (shadow banking) – các sản phẩm tài chính rủi ro cao và các khoản vay do các tổ chức phi ngân hàng cung cấp. Hoạt động tài chính chưa được kiểm soát này còn khá mù mờ. Các cơ quan quản lý đã tìm cách kiểm soát ngân hàng ngầm trong năm vừa qua, nhưng chính sự thắt chặt hoạt động này đã dẫn tới sự giảm tốc về khoản đầu tư bất động sản và các lĩnh vực khác. Moody’s cho biết, Chính phủ Trung Quốc gần đây đã nới lỏng các điều kiện tín dụng để kích thích tăng trưởng khi phải đối mặt với đà giảm tốc kinh tế và xung đột thương mại với Mỹ.

Một vấn đề khác là tài trợ bằng cách thế chấp tài sản. Ở Trung Quốc, các công ty thường vay tiền bằng cách sử dụng cổ phiếu của họ như là khoản thế chấp. Trong thị trường con gấu hiện nay, giá trị của các khoản thế chấp này (cổ phiếu) ngày càng bị bào mòn, dẫn tới tình trạng bán giải chấp cổ phiếu và khiến thị trường vốn đã giảm nay càng giảm mạnh hơn. Đối với các công ty này, hậu quả có thể rất nghiêm trọng: Một số phải đối mặt với bán giải chấp (margin call) và thanh lý bị động.

Trong báo cáo ngày 23/10/2018, S&P Global Ratings lưu ý, tổng giá trị thị trường của tất cả lượng cổ phiếu thế chấp của Trung Quốc ở mức 5 ngàn tỷ Nhân dân tệ vào cuối tháng 9/2018.

Alexious Lee, Chuyên viên phân tích tại CLSA, cho biết, đà bán tháo trên thị trường chứng khoán Trung Quốc cho thấy nhà đầu tư đang sợ về việc tình trạng margin call đang tác động tới thanh khoản thị trường.

 

Biến động trên thị trường chứng khoán gây tác động mạnh tới các công ty Trung Quốc. Vào ngày 25/10/2018, China Life Insurance cho biết, lãi ròng trong giai đoạn 9 tháng đầu năm giảm 25,9% so với cùng kỳ năm trước xuống 19,87 tỷ Nhân dân tệ (2,86 tỷ USD), do bị tác động bởi “đà giảm mạnh của thu nhập cổ phiếu trên thị trường mở”.

Ngoài ra, áp lực này còn tác động tới đồng Nhân dân tệ - vốn đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 vào ngày 24/10.

ASEAN

Không những thị trường tài chính Trung Quốc lao dốc mà các thị trường ở ASEAN cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Mặc dù các nền kinh tế và thị trường trong khu vực này khá ổn định so với các thị trường mới nổi khác, nhưng rủi ro tháo chạy của dòng vốn ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung không nhất thiết phải là điều tiêu cực cho Đông Nam Á. Hàng loạt công ty đã chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia ASEAN, bao gồm Việt Nam và Campuchia, để né tránh hàng rào thuế qua của Mỹ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng của các quốc gia mới nổi và đang phát triển bớt 0,4 điểm trong năm 2019, nhưng chỉ giảm của nhóm 5 nước lớn thuộc ASEAN 0,1 điểm.

 

Benjamin Shatil, Giám đốc điều hành phụ trách bộ phận nghiên cứu kinh tế và chiến lược mới nổi châu Á tại JPMorgan, cho hay: “Khu vực này có khả năng chống chịu cao hơn ngay cả khi xuất biến các bất ổn bên ngoài – chiến tranh thương mại, Fed chặt chặt chính sách tiền tệ và những sự kiện kiểu vậy”.

Mặc dù có lợi thế về khả năng chống chịu các bất ổn, nhưng các điều kiện thị trường vẫn còn khá khắc nghiệt. Ở Philippines và Singapore, các chỉ số chứng khoán đã giảm hơn 10% trong năm nay. Thậm chí còn nghiêm trọng hơn, đồng Rupiah của Indonesia đã trượt xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á năm 1997.

Mối quan ngại về giá cổ phiếu và tiền tệ châu Á đang gia tăng khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục nâng lãi suất. Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) được cho là sẽ nâng lãi suất vào cuộc họp tháng 12/2018, sau đó là nâng thêm 2 lần trong năm 2018. Những động thái này làm một số nhà đầu tư nhớ đến hiện tượng “taper tantrum” năm 2013 ở các thị trường mới nổi – thời điểm các thị trường mới nổi bị bán tháo nặng nề. Trở về thời điểm đó, lời giải thích là dòng vốn rút khỏi các nền kinh tế mới nổi – vốn có lãi suất thấp – để đổ xô về Mỹ để hưởng lãi suất cao hơn.

Cùng lúc đó, Indonesia con được xem là một trong bộ 5 mỏng manh (fragile five). Ngân hàng Trung ương Indonesia giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp chính sách tiền tệ vào ngày 23/10/2018, sau 5 lần nâng lãi suất trong năm nay để bảo vệ đồng tiền nước nhà. Các thành phần tham gia thị trường xem việc NHTW nâng lãi suất thêm một đợt là chuyện không thể tránh khỏi.

Katrina Ell, Chuyên gia kinh tế tại Moody's Analytics, cho biết: “Đồng Rupiah đã lao dốc hơn 12% trong năm nay, và việc giảm thêm 1-2% là có thể xảy ra trước khi kết thúc năm nay khi Fed tiếp tục thắt chặt chính sách, qua đó gây áp lực tăng giá lên đồng bạc xanh”.


Theo Vũ Hạo/Nikkei, Vietstock/NDH

Trở về

Bài cùng chuyên mục