Chứng khoán Mỹ đóng cửa với mức giảm nhẹ, trong khi chứng khoán châu Âu khởi sắc hơn sau phát biểu của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi về khả năng tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ.
Nếu không đủ giỏi, đừng dại đi ngược đám đông
- Cập nhật : 26/08/2015
(Tin kinh te)
Theo tiến sĩ Quách Mạnh Hào, giảng viên môn tài chính Đại học Lincoln (Anh), nhà đầu tư toàn cầu đang nhìn nhau để hành động bởi lo ngại về bong bóng kinh tế Trung Quốc.
Bạn sẽ làm gì khi một ngày đẹp trời, bỗng dưng các cửa hàng đồng loạt tung khuyến mãi? Hàng hóa đồng loạt giảm giá khiến bạn có cơ hội mua rẻ những mặt hàng mà trước đây chưa bao giờ bạn dám nghĩ tới.
Lúc này, bạn sẽ vội vàng xông vào mua hết những gì bạn thích, hay sẽ dừng lại để suy nghĩ thêm một chút: Tại sao giá lại giảm nhiều đến vậy? Liệu ngày mai sẽ lại tiếp tục có khuyến mãi?
Có lẽ, là nhà đầu tư ai cũng biết tới châm ngôn nổi tiếng nhất của Warren Buffett : "Hãy sợ hãi khi người khác tham lam. Và hãy tham lam khi mọi người đang sợ hãi". Hãy nhìn vào thị trường chứng khoán ở thời điểm hiện tại. Đang có quá nhiều dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư đang sợ hãi, và mọi người đều cố rút lui khỏi thị trường.
Câu hỏi được đặt ra trong lúc này: Chúng ta có nên làm theo câu châm ngôn của Warren Buffett?
Ngoài triết lý "đám đông", nhà đầu tư dường như đã quên mất hai nguyên tắc đầu tư kinh điển khác của Warren Buffett. Ông thường dặn dò các nhà đầu tư của mình phải thuộc lòng 2 nguyên tắc:
Nguyên tắc số 1 - “Không được thua lỗ”.
Nguyên tắc số 2 - “Không được quên nguyên tắc số một”.
Trong những giai đoạn nhạy cảm của thị trường, là một nhà đầu tư chúng ta cần một cái đầu tỉnh táo để đánh giá. Benjamin Graham, vị thầy giáo thông thái của Warren Buffett, đã ví đám đông là Mr Market - “Ông thị trường”. Ông thị trường thường mua vào khi vui và sẵn sàng trả giá gấp đôi để mua được cổ phiếu yêu thích của mình. Nhưng khi buồn, ông ta sẵn sàng bán lại nó với giá còn một nửa.
Tuy nhiên, Benjamin cho rằng một nhà đầu tư khôn ngoan cần phải hiểu rõ tâm tính của "Ông thị trường" và lợi dụng đặc điểm này. Người thắng cuộc trên thị trường chứng khoán là người biết sử dụng lý trí của mình, và không để cảm xúc chế ngự.
Điều quan trọng nhất là phải luôn xem chừng “Ông thị trường”, xem ông ta hành động thế nào. Khi “ông Thị trường” vui vẻ nhất là lúc ta nên bán ra. Khi ông ta buồn chán nhất, chính là lúc ta nên mua vào.
Do đó, câu châm ngôn của Warren Buffett cần được viết lại một cách rõ ràng hơn, theo đúng tinh thần của Buffett và người thầy của ông:
"Hãy sợ hãi khi người khác Tham Lam Nhất. Và hãy tham lam khi mọi người đang Sợ Hãi Nhất".
Cũng vì không hiểu hết câu nói của Buffett, nhiều nhà đầu tư đã phải hứng chịu những khoản thua lỗ lớn.
Họ vội vàng bán ra khi đám đông mới chỉ bắt đầu "tham lam", thị trường tiếp tục đi lên và họ dằn vặt bản thân vì đã bán rẻ cổ phiếu. Sai lầm hơn, có những người vội vàng mua vào khi đám đông mới chỉ bắt đầu "sợ hãi". Thị trường cứ đi xuống, tài khoản cứ thế vơi dần đi theo từng ngày...
Có một câu chuyện vui như thế này: Có một ông trùm dầu mỏ lên thiên đường tham gia một hội nghị. Khi bước vào phòng họp, phát hiện ra không còn chỗ trống nào nữa, ông liền nảy ra một kế, ông liền hét lớn: “Địa ngục vừa phát hiện ra mỏ dầu lớn chưa từng có!”.
Và thế là tất cả các ông trùm dầu mỏ trên thiên đường bèn thi nhau chạy xuống địa ngục, chẳng mấy chốc trên thiên đường chỉ còn lại ông trùm nọ. Lúc này ông ta liền nghĩ, mọi người đã chạy đi hết rồi, có khi địa ngục phát hiện ra dầu mỏ thật chăng? Và thế là ông ta cũng vội vàng chạy về phía địa ngục.
Câu chuyện trên là ví dụ điển hình của “hiệu ứng bầy đàn” hay “ tâm lý đám đông ”. Có nhiều lúc chúng ta buộc phải từ bỏ quan điểm của mình để chạy theo phong trào. Đơn giản bởi vì mỗi người chúng ta không thể hiểu được tường tận tất cả mọi sự việc.
Khi đám đông tham lam, ta không thể ngồi yên một chỗ. Ngược lại, khi đám đông sợ hãi không lý do, ta cũng nên sợ hãi theo. Đối với những sự việc ta không hiểu, không chắc chắn, cách an toàn nhất đó là chạy theo đám đông.
Và nếu bạn không đủ giỏi, đừng dại đi ngược đám đông.