tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Quy tắc đầu tư: Khi mọi thứ trở nên xấu nhất, đó thường là dấu hiệu gió sắp đổi chiều

  • Cập nhật : 22/05/2018

Theo quy luật, sau thời hậu khủng hoảng, một đợt bùng nổ mới lại đến. Trong cuộc sống cũng thế, nỗi đau của những đổ vỡ rồi sẽ nhạt phai, sau đó là cơ hội cho những điều mới tốt đẹp hơn.

quy tac dau tu: khi moi thu tro nen xau nhat, do thuong la dau hieu gio sap doi chieu

Quy tắc đầu tư: Khi mọi thứ trở nên xấu nhất, đó thường là dấu hiệu gió sắp đổi chiều

George Soros, một nhà đầu tư chứng khoán lỗi lạc lâu năm nổi tiếng đã kiếm được hàng triệu đô-la trên thị trường chứng khoán đã từng đúc kết "Hero always come alone - Người hùng chỉ đến một mình, chỉ đến trong hoàn cảnh khi bạn đơn độc chống chọi với giông bão".

Tất cả chúng ta đều từng chí ít một vài lần phải đối diện với sự thua lỗ, không cách nào ta có thể tránh khỏi được điều này đơn giản chẳng có hệ thống giao dịch nào có thể thắng mãi được "ngài thị trường". Và chẳng có gì để mỗi NĐT phải xấu hổ hay có cảm giác sợ hãi khi thua bởi vì cách ta đối mặt với thua lỗ sẽ quyết định bạn sẽ thành công hay sẽ tiếp tục thất bại trên con đường về sau.

Đã bước chân vào thị trường chứng khoán, bản thân mỗi chúng ta bắt buộc phải chấp nhận và đối mặt với những nghịch cảnh, và không phải ai cũng gượng dậy được sau những cơn "bão tố" này, cuối cùng chỉ những NĐT trang bị đủ kĩ năng và tinh thần mới là những người còn sống sót lại vượt qua mọi nghịch cảnh để chạm tay tới đỉnh vinh quang trên thị trường chứng khoán. Dưới đây là 5 nguyên tắc sống còn giúp bạn vượt qua các nghịch cảnh trong đầu tư.

Thứ nhất: Mọi chuyện xảy ra đều có nguyên nhân, hãy xác định nguyên nhân và tìm cách khắc phục.

Rất nhiều nhà đầu tư đã bỏ cuộc lúc gặp khó khăn bởi họ cảm thấy chán nản khi phải gánh chịu những điều vô lý và bất công. Đôi khi những NĐT này nghĩ rằng mình không có đủ năng lực và xui xẻo nên không còn khát khao đạt được mục tiêu ban đầu đề ra khi mới bước chân vào thị trường chứng khoán.

Trước tiên, hãy xác định vấn đề mà bản thân NĐT đang gặp phải, tại sao trong lần giao dịch vừa qua ta lại phải cutloss? Sai lầm từ lần cắt lỗ vừa trên là do chúng ta không tuân thủ theo kỉ luật, phương pháp của bản thân hay là do tới từ yếu tố phi rủi ro chung không lường trước được? Hay do chính sự chủ quan của bản thân? Tìm ra chính xác vấn đề đang mắc phải để từ đó vượt qua nghịch cảnh trong đầu tư chứng khoán chính là việc mỗi NĐT cần làm sau mỗi giao dịch chưa thành công.

Nên nhớ bất cứ nhà đầu tư thiên tài đầu tư nào cũng từng chí ít một lần đối diện với những khó khăn trong đầu tư nhưng điều quan trọng nhất mà họ đúc kết được là "Biến cố trên thị trường dạy ta biết quản lý rủi ro tốt hơn, lựa chọn doanh nghiệp một cách bài bản hơn. Đó là những bài học sinh động mà không một trường đại học hay sách vở nào dạy được. Nếu không thất bại nặng nề như thế, ta sẽ không bao giờ nghiệm ra được lối tư duy cũng như kỹ năng để trở thành một nhà đầu tư chứng khoán thành công".

Thứ hai: Ghi nhớ kĩ những lần thất bại

Con người thường né tránh khi nhớ về những sai lầm hoặc kinh nghiệm thất bại trong quá khứ mặc dù chính chúng ta đã gây nên. Trong đầu tư, nhà đầu tư thường không muốn nhớ những cổ phiếu đã gây ra thua lỗ mà chỉ nhớ có chọn lọc những khoảng đầu tư thắng lợi để "tự" thỏa mãn và bảo vệ hình ảnh của chính chúng ta.

Để tránh sai lầm từ điều này, nhà đầu tư nên ghi nhận lại kết quả đầu tư (thắng hoặc thua) vì có thể dễ dàng nhớ 1 cổ phiếu có lợi nhuận 20% ngay lập tức nhưng những khoản lỗ tới 30% có thể quên ngay khi chiến thắng sau đó. Việc ghi nhận toàn bộ các khoản đầu tư trong một khoảng thời gian xác định như quý hay năm sẽ giúp nhận thấy các khoản đầu tư của chúng ta phần lớn đều đang ở trạng thái ra sao trong một thời kỳ, để từ đó có thể điều chỉnh sao cho phù hợp và đem lại nhiều hiệu quả hơn.

Thứ ba: Kiểm soát tốt tâm lý trong mọi quyết định giao dịch sống còn

Kiểm soát tốt tâm lý là một điều kiện tiên quyết để bạn tồn tại trên thị trường, điều này cũng làm giảm nỗi sợ hãi khi bạn mất tiền và không làm bạn rơi vào tuyệt vọng. Trên một thị trường đầy biến động và bất ngờ, kiểm soát tốt tâm lý giao dịch giúp bạn đưa ra những quyết định sáng suốt và hiệu quả hơn.

Nỗi sợ hãi mất tiền là điều bình thường đối với nhà đầu tư trên thị trường, sợ hãi là tốt, nó giúp NĐT thận trọng, nhưng cần lưu ý rằng, đừng để nỗi sợ hãi bao trùm lấy các quyết định của bạn, hãy sáng suốt và phân tích thật kỹ, có kế hoạch cụ thể trước mỗi lần "vào lệnh" hay "ra lệnh".

Thứ tư: Ghi nhớ rằng mọi biến cố dù tồi tệ đến đâu rồi cũng sẽ chấm dứt

Theo quy luật, sau thời hậu khủng hoảng, một đợt bùng nổ mới lại đến. Trong cuộc sống cũng thế, nỗi đau của những đổ vỡ rồi sẽ nhạt phai, sau đó là cơ hội cho những điều mới tốt đẹp hơn. Bước tiếp theo cần làm là đặt ra mục tiêu thay đổi hoàn cảnh hiện tại. Hãy đưa ra những đích đến mới sau những đau thương đã trải qua. Cùng với đó là một kế hoạch giúp NĐT vượt qua nghịch cảnh mà thị trường vừa dành tặng chính ta. Hãy chia sẻ những khó khăn đã trải qua với mọi người, và tham vấn ý kiến từ họ, có thể họ đã từng trải qua như bạn, và biết đâu kinh nghiệm đi trước của họ sẽ là liều thuốc bổ cho bạn.

Qua những biến cố, khi mọi thứ trở nên tồi tệ nhất, đó thường là dấu hiệu cho thấy gió sắp đổi chiều. Thực tế, vào thời khắc mặt trời sắp xuất hiện là lúc màn đêm trở nên đen tối nhất. Khi mọi nhà đầu tư bán sạch cổ phiếu trong cơn khủng hoảng thì một kỳ tích nào đó sẽ xuất hiện và đẩy giá lên cao. Trong một bộ phim, trước cái kết có hậu, người anh hùng thường phải trải qua một giai đoạn vô vọng. Đó chính là cuộc sống. Vấn đề là rất nhiều người từ bỏ ở ngay điểm đen tối nhất nên không bao giờ có cơ hội ngắm nhìn bình minh.

Thứ năm: Thành công chỉ đến với những người không ngừng học hỏi. Khi thị trường quá khó khăn, hãy ngừng nhìn bảng điện để đi làm việc khác hoặc đọc sách.

Thiên tài Soros cũng từng chia sẻ trong một buổi chia sẻ về kinh nghiệm & phương pháp đầu tư, ông tin rằng lợi thế lớn nhất của một người thành công trên thị trường không phải nằm ở tài năng, học vấn mà ở chỗ không ngừng học hỏi dù họ thành công hay thất bại.

Là một trong những người giàu nhất trên thị trường chứng khoán nhưng ông chưa bao giờ xem đó là điểm dừng. Mỗi cuối tuần rảnh rỗi, Soros vẫn thường dành thói quen chọn lựa và đọc dần những cuốn sách kinh điển về đầu tư trong thư viện của gia đình. "Những cuốn sách ta đọc, những người thầy ta học là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng tới cuộc sống của ta. Đó là cách rút ngắn con đường đi tới thành công của mình nhờ ngồi trên vai của người khổng lồ - những người đã thành công lớn và thất bại lớn". 

 

Hoa Lê
Theo Trí thức trẻ, CafeF

Trở về

Bài cùng chuyên mục