Nhiều cổ phiếu của doanh nghiệp niêm yết trong các lĩnh vực này được nhà đầu tư săn đón trong những ngày qua, trước kỳ vọng về kết quả kinh doanh khởi sắc khi Việt Nam tham gia TPP.
Chứng khoán Việt Nam bao giờ được nâng hạng vào nhóm mới nổi?
- Cập nhật : 30/04/2016
(Tin kinh te)
Hiện giá trị vốn hóa của TTCK Việt Nam đạt 64 tỷ USD, khá khiêm tốn so với mức 250 tỷ USD của Philippines và 373 tỷ USD của Thái Lan.
Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, ông Nguyễn Sơn – Vụ trưởng Vụ phát triển TTCK trực thuộc Ủy ban chứng khoán Nhà nước – đã chia sẻ rằng Việt Nam đang nỗ lực để đến cuối năm 2016 sẽ được MSCI nâng hạng từ thị trường sơ khai (frontier) lên hạng thị trường mới nổi (emerging market). Ông Sơn cho rằng rào cản lớn nhất là phải thay đổi cơ chế điều hành tỷ giá để cải thiện dòng chảy của vốn.
Tuy nhiên, cũng chính Bloomberg đưa tin giám đốc điều hành bộ phận phân tích chứng khoán của MSCI ở New York là Raman Subramanian cho biết hiện tại MCSI chưa xem xét phân loại thị trường chứng khoán Việt Nam vào nhóm mới nổi.
Dù có được tốc độ tăng trưởng vượt trội so với các nước láng giềng Đông Nam Á trong vài năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam vẫn bị chi phối nhiều bởi các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước trong khi quy mô của thị trường chứng khoán mới chỉ bằng 1/4 thị trường Philippines.
Các tiểu vương quốc Arab (UAE) và Qatar – 2 nước mới nhất được MSCI nâng hạng thành mới nổi – đều đã chứng kiến chỉ số cơ bản tăng ít nhất 30% trong 12 tháng sau khi được nâng hạng hồi tháng 6/2013.
Theo Attila Vajda – lãnh đạo của Project Asia Research & Consulting, công ty tư vấn Singapore có văn phòng ở TP Hồ Chí Minh – nhận định, nếu Việt Nam được nâng hạng, cuộc chơi sẽ thực sự thay đổi. Khi đó Việt Nam sẽ thu hút được một nhóm các nhà đầu tư hoàn toàn mới, những ông lớn.
Theo thông tin trên website của MSCI, một thị trường được xếp vào nhóm mới nổi cần phải rất mở đối với nhà đầu tư nước ngoài và có dòng vốn lưu chuyển dễ dàng cũng như phải đạt được một số tiêu chí về thanh khoán và giá trị thị trường.
Năm ngoái, các doanh nghiệp trong một số ngành (trong đó có các công ty chứng khoán) đã được phép nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 100%. Ngoài ra có 18 ngành (như vận tải, xây dựng và bất động sản) mà nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư nhưng gắn với một số điều kiện nhất định.
Trong khi đó nhiều doanh nghiệp nhà nước cũng đang trong tiến trình cổ phần hóa. Tháng 3, Vissan bán 14% ra công chúng, VinaLines và Mobifone đang lên kế hoạch cổ phần hóa trong năm nay.
Theo dự kiến, quá trình sáp nhập hai sàn chứng khoán Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ hoàn tất vào đầu năm 2017. Theo ông Sơn, một chỉ số tổng hợp sẽ ra đời và các sản phẩm cũng như thị trường phái sinh sẽ được bổ sung trong năm 2017. Chính phủ cũng có kế hoạch thả nổi một phần sàn chứng khoán sau khi sáp nhập, nhưng điều này sẽ không xảy ra trước năm 2020. Đồng thời các công ty cũng như bản thân sàn cũng sẽ cung cấp nhiều thông tin bằng tiếng Anh hơn.
Dù đang bị ảnh hưởng bởi hạn hán và giá dốc lao dốc, kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng 6,7% trong năm nay (tương đương tốc độ năm 2015). Năm ngoái số vốn FDI giải ngân tăng 17,4%, lên mức kỷ lục 14,5 tỷ USD. Các quỹ ngoại mua ròng 100 triệu USD.
Dẫu vậy, tổng khối lượng giao dịch của sàn HOSE chỉ ở mức khiêm tốn 2.260 tỷ đồng (tương đương 101 triệu USD) mỗi ngày, chưa bằng 1/4 chứng khoán Indonesia. Thiếu hụt thanh khoản và tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài bị hạn chế là những điểm mà Việt Nam cần cải thiện rất nhiều, theo Vajda. Với các quy định hiện nay, sẽ rất khó để một quỹ lớn đầu tư 100 – 200 triệu USD vào thị trường Việt Nam nếu họ muốn sự dòng vốn được đổ vào và rút ra một cách linh hoạt.
Kể từ đầu năm đến nay, chỉ số VN Index đã tăng 2,2%, sau khi tăng 6,1% trong năm ngoái. Ông Sơn kỳ vọng thị trường sẽ tăng trưởng tốt hơn trong năm nay nhờ tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng tín dụng và dòng vốn FDI mạnh mẽ.
“Chúng tôi vẫn chưa đạt được một số chỉ tiêu mà MSCI đề ra, nhưng tôi nghĩ 2016 sẽ là 1 năm tích cực đối với thị trường chứng khoán Việt Nam”, ông nói.
Thu Hương
Theo Tri Thức Trẻ/Bizlive