(Tin kinh te)
Giá cổ phiếu tăng phi mã lên gấp 4,5 lần chỉ trong một thời gian ngắn dù công ty chỉ đạt được lợi nhuận khiêm tốn. Nhiều nhà đầu tư cá nhân cho biết đó là nhờ bàn tay của “đội lái”.
Những ngày đầu tháng 4, Sang - một nhà đầu tư (NĐT) cá nhân - thầm thì bật mí rằng anh đang gom mua gần 200.000 cổ phiếu (CP) S., một công ty địa ốc, vì sẽ có một nhóm đẩy giá CP này trong thời gian tới.
“Bàn tay vô hình”
Trên diễn đàn chuyên về chứng khoán F319.com, nhiều NĐT cũng khoe đã thu được lợi nhuận khủng từ SP., một công ty chuyên khai thác đá niêm yết trên sàn Hà Nội. CP này đã tăng thẳng đứng từ mức 2.000 đồng/CP lên đến 7.800 đồng/CP vào cuối tháng 3, tương ứng mức tăng hơn 270% và cũng là CP có mức tăng cao nhất trong 3 tháng đầu năm nay trên thị trường chứng khoán VN. Sau mức đỉnh đạt được, những ngày qua CP này bắt đầu suy giảm nhưng vẫn có nhiều NĐT hô hào là “ôm chặt SP. vì sẽ có sóng tiếp tục”. Thậm chí có nickname vào diễn đàn này khẳng định “SP. sẽ lên 12 (là 12.000 đồng/CP - PV)”. Trong lịch sử của mình, SP. từng bị làm giá tăng một mạch từ 8.000 đồng/CP lên trên 20.000 đồng/CP từ tháng 9.2012 - 2.2013. Sau đó, giá CP này tụt dốc không phanh và chìm sâu ở đáy. Xét về kết quả hoạt động, thì doanh nghiệp này hoạt động trong ngành khai khoáng nhưng doanh thu cùng lợi nhuận luôn ở mức thấp. Năm 2014, doanh thu sụt giảm 22% còn 9,7 tỉ đồng và lợi nhuận ròng gần 670 triệu đồng. Năm 2015 vừa qua dù doanh thu tăng đột biến 10 lần nhưng lợi nhuận lại sụt giảm và chỉ còn 591 triệu đồng.
Vì vậy, theo ông Huỳnh Anh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty chứng khoán SJC, việc tăng giá đột biến của SP. nói riêng và một số CP khác chỉ có thể giải thích là “có bàn tay vô hình” đẩy giá tăng lên. Còn theo một số nhân viên môi giới chứng khoán, dù không rầm rộ như thời kỳ chứng khoán đang sôi động trước đây, nhưng các “đội lái” vẫn âm thầm kiếm lợi nhuận khủng.
Một môi giới ví dụ như CP H., một công ty ô tô, trong năm 2015 đã tăng mạnh từ hơn 23.000 đồng lên 144.000 đồng. Sau đó là chuỗi ngày giảm liên tục của H. về giá 66.000 đồng vào giữa tháng 3 vừa qua…
Thua đau hết tiền
Thông thường, để có thể làm giá thành công, các “đội lái” (một nhóm NĐT bắt tay nhau để cùng mua, cùng bán nhằm thao túng giá một CP) chỉ chọn những CP có giá thấp dưới mức 20.000 đồng. Đôi khi nhờ mối thân quen với thành viên hội đồng quản trị công ty, để họ không bán ra CP, sau đó bắt đầu quá trình “đè” giá nhằm gom hàng. Khi đủ lượng CP cần thiết, “đội lái” sẽ dùng các tài khoản khác nhau để đặt lệnh mua và lệnh bán nhằm tạo cung cầu đẩy giá. Khi giá tăng đạt mục tiêu đặt ra, nhóm này xả hàng. Để tránh bị phát hiện, quá trình gom và xả có thể diễn ra trong cùng một phiên giao dịch.
Tuy nhiên, rất nhiều NĐT chỉ biết thông tin sau khi “đội lái” đã mua xong, và bán sau khi “đội lái” đã xả hàng nên dễ bị thua lỗ. Theo bà Nguyễn Thị Ngân Tuyền, Trưởng phòng Phân tích Công ty chứng khoán Maybank - Kim Eng, kinh nghiệm nhiều năm qua cho thấy số NĐT cá nhân đi theo những con sóng như vậy thu được thắng lợi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đặc biệt bài học kinh điển là sau khi bán xong CP, thấy giá vẫn tiếp tục tăng thì các NĐT rất sốt ruột và chỉ cần CP điều chỉnh giảm 1 - 2 phiên là nhào vô mua lại. Giai đoạn sau mới khiến các NĐT bị mất nhiều tiền hơn.
Hiểu được tâm lý đó, các nhóm thao túng giá CP luôn tổ chức một quá trình đẩy giá rồi ngưng lại, rồi đẩy và xả CP ngay đỉnh, khiến rất nhiều NĐT dính bẫy. “Chỉ những NĐT nhỏ lẻ luôn là đối tượng bị lôi kéo và sẽ gánh chịu rủi ro cao trong những chiêu trò này. Thật sự tâm lý của nhiều NĐT là thắng thì khoe, còn thua thì không nói nên không ai biết”, bà Nguyễn Thị Ngân Tuyền nói.
Tương tự theo ông Huỳnh Anh Tuấn, những CP sau đợt tăng mạnh sẽ có đợt suy giảm sâu, đặc biệt khả năng bị mất thanh khoản rất lớn và bản thân NĐT đu theo các “đội lái” đôi khi phải ôm hàng vì không bán ra được. Do đó mức thua lỗ sẽ càng lớn, thậm chí mất gần hết số tiền bỏ ra đầu tư.
Mai Phương
Theo Báo Thanh Niên