Thị trường chứng khoán toàn cầu đã mất hơn 10 nghìn tỷ USD trong quý III/2015, trong khi nhà đầu tư đã rút ròng 40 tỷ USD khỏi các thị trường mới nổi trong cùng giai đoạn.
Cổ phiếu săm lốp vì sao không nóng?
- Cập nhật : 07/11/2015
(Kinh te)
Trước khá nhiều thông tin hỗ trợ như tăng trưởng mạnh từ doanh số xe tải, đà giảm từ giá nguyên liệu cao su, nhưng các CP ngành săm lốp vẫn giao dịch không mấy tích cực trong khoảng 2 tháng trở lại đây, thậm chí nhiều mã còn giảm giá.
Cụ thể, CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC) giảm 8%, CTCP Công nghiệp cao su Miền Nam (CSM) giảm 13,3%.
Theo phân tích của CTCK Rồng Việt (VDSC), giá nguyên liệu đầu vào giảm không còn nhiều tác động đến KQKD của các doanh nghiệp săm lốp trong năm nay. Những nguyên liệu chiếm tỷ trọng lớn trong giá vốn như cao su tự nhiên, cao su nhân tạo (50% COGS) và than đen (13%) đều giảm khá mạnh từ đầu năm đến nay.
Tuy nhiên, thực tế biên gộp của các doanh nghiệp săm lốp không tăng, thậm chí còn giảm so với cùng kỳ. Nguyên nhân do giá bán giảm để tăng sức cạnh tranh với sản phẩm Trung Quốc. Điển hình CSM phải giảm giá 5% trong quý I.
Bên cạnh đó, tác động của Thông tư 06 của Bộ GTVT về hạn chế tải trọng chưa thật sự mạnh đến nhu cầu săm lốp nội địa. Về bản chất, việc hạn chế tải trọng buộc các doanh nghiệp gia tăng số lượng đầu xe. Do vậy, nhu cầu săm lốp trong phân khúc các nhà sản xuất sẽ được đẩy mạnh.
Tuy vậy, số liệu thống kê về lượng xe tải trong 6 tháng đầu năm cho thấy đột biến lại diễn ra tại dòng xe nhập khẩu khi chiếm đến 58% tổng số tiêu thụ và tăng 116% so với cùng kỳ. Trong khi đó, DRC và CSM chủ yếu cung cấp sản phẩm cho các dòng xe tải nội địa. Vì thế, hưởng lợi nhiều nhất từ thông tư này lại là các doanh nghiệp săm lốp ngoại hơn là doanh nghiệp nội.
Đối với sản phẩm chiến lược Radial, trong nửa đầu năm 2015, CSM và DRC chỉ mới tiêu thụ lần lượt 40.000 lốp và 85.000 lốp. Con số này là khá thấp so với công suất giai đoạn 1 của 2 doanh nghiệp là 350.000 và 300.000 lốp/năm.
Thêm vào đó, kỳ vọng đẩy mạnh xuất khẩu sang Hoa Kỳ lại không đơn thuần đến từ việc đạt được các chứng nhận chất lượng từ thị trường này. Theo phân tích giá bán lốp Radial tại Hoa Kỳ thấp hơn khoảng 20% so với giá bán trong nước hiện nay.
Vì vậy, xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể chỉ là câu chuyện để nâng tầm thương hiệu, chuẩn bị xâm nhập vào các thị trường thấp hơn. Cũng vì lý do này, các doanh nghiệp săm lốp rất khó để ghi nhận kết quả đột biến trong tương lai gần dựa vào kỳ vọng xuất khẩu.
Đối với thị trường trong nước, lượng tiêu thụ cũng khó tăng nhanh vì cần thời gian để các doanh nghiệp vận tải chấp nhận thay thế lốp Bias sang Radial để nâng dần hiệu quả hoạt động vận tải và phù hợp với đường sá ngày càng được cao tốc hóa.
Theo VDSC, với P/E năm 2015 (xét riêng thu nhập từ hoạt động kinh doanh cốt lõi) của 2 doanh nghiệp này hiện đang dao động quanh vùng 10-11x trong khi triển vọng tăng trưởng trong năm tới cũng chưa thật sự rõ ràng. Đây không phải là mức định giá hấp dẫn trong ngắn hạn và NĐT cần theo dõi tiến triển trong việc tiêu thụ sản phẩm của dự án Radial.
(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)