tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Thị trường BĐS Phú Quốc: Vì sao khách Hà Nội dè dặt xuống tiền?

  • Cập nhật : 31/08/2015

(Tin kinh te)

Giới kinh doanh BĐS Hà Nội lâu nay vẫn có tiếng là chịu chơi và bạo chi. Với thị trường BĐS tại Phú Quốc - Đảo Ngọc đang được ví như "thỏi nam châm" hút khách hàng, nhưng số lượng "dân chơi" Hà Thành chịu xuống tiền chỉ đếm trên đầu ngón tay.

cong truong xay dung tai khu vuc bai sao, an thoi, phu quoc.

Công trường xây dựng tại khu vực Bãi Sao, An Thới, Phú Quốc.

Chi phí đầu tư quá lớn!

Theo UBND huyện Phú Quốc, đến tháng 8/2015, toàn đảo đã thu hút 203 dự án đầu tư với diện tích 7.914ha, trong đó có 154 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, chiếm diện tích 5.627ha, với tổng vốn đầu tư ước khoảng 106.998 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại mới chỉ có 22 dự án đi vào hoạt động, với diện tích 1.286ha, vốn 25.811 tỷ đồng và 14 dự án đang triển khai xây dựng, diện tích 773ha, tổng vốn khoảng 11.883 tỷ đồng.

Như vậy, tại Phú Quốc hiện đang có hàng trăm dự án BĐS đã đăng ký đầu tư vào hòn đảo này... vẫn nằm trên giấy. Theo ông Thân Thành Vũ - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Du lịch, ở Phú Quốc, chỉ một số nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh hoặc huy động được nguồn vốn tốt thì mới đầu tư nhanh dự án, còn lại vẫn bất động. "Vấn đề tồn tại lớn nhất của các nhà đầu tư là công tác bồi thường, GPMB thực hiện quá chậm” - ông Vũ nói. Tuy vậy, vấn đề ông Thân Thành Vũ nêu ra thực chất chỉ mang tính thủ tục hành chính và hoàn toàn có thể giải quyết được cùng với sự quyết tâm của chính quyền các cấp tại huyện đảo Phú Quốc. Khó khăn thực sự đối với các nhà đầu tư ở đây, ngoài giá đất đang bị thổi “lên giời”, có thể được gói gọn trong 2 chữ: Chi phí.

Thực tế, chi phí đầu tư dự án tại Phú Quốc hiện tại rất lớn, trong đó bao gồm vấn đề nhân lực. Nguồn lao động tại chỗ thiếu trầm trọng, hầu hết công nhân lao động, từ xây dựng đến vận hành dự án đều phải tuyển dụng từ các địa phương khác trong đất liền, chi phí nhân công là hoàn toàn không nhỏ. Tiếp theo là những khó khăn về vật liệu xây dựng, máy móc, trang thiết bị làm việc... chủ yếu được vận chuyển bằng đường biển với giá khá cao. Chưa kể việc các chủ đầu tư phải chịu thêm chi phí cho hạ tầng giao thông, do hệ thống đường bộ trên đảo hiện quá nhỏ hẹp, địa phương không có ngân sách để đầu tư đường giao thông nội bộ mà kêu gọi các nhà đầu tư ứng trước vốn, sau đó khấu trừ vào tiền sử dụng đất đóng hàng năm. Vì vậy, chi phí đầu tư dự án tại Phú Quốc thường cao hơn rất nhiều lần so với tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, thông thường là từ 20 - 25% so với chi phí đầu tư dự án cùng đẳng cấp.

Buồn và “cách trở đò giang”

Từ khoảng tháng 5/2015 đến nay, đã có nhiều tập đoàn BĐS lớn mang dự án tại Phú Quốc ra "chào hàng" trước các nhà đầu tư thứ cấp, đặc biệt là Hà Nội. Nhưng, hiệu quả thu về không được như kỳ vọng - nếu không muốn nói là rất đáng thất vọng. Điển hình, cuối tháng 7/2015, thời điểm thị trường BĐS Phú Quốc đang như "lên đồng" bởi hàng loạt thông tin dự án được tung ra thị trường, chị Minh Thủy - một đại gia trong lĩnh vực kinh doanh ô tô tại Hà Nội rủ thêm vài người bạn cùng bay ra Đảo Ngọc. Mục tiêu của chị Minh Thủy được xác định rất rõ ràng: Hoặc mua biệt thự nghỉ dưỡng ở đây, hoặc mua hẳn một khu đất đủ để kinh doanh khách sạn. Thế nhưng, sau một tuần tham quan, tìm hiểu Đảo Ngọc và nghỉ ngơi tại khách sạn đạt chuẩn 5 sao thuộc Vinpearl Phú Quốc, lần đầu tiên chị chấp nhận đi buôn mà phải ra về tay không. Chị Minh Thủy chia sẻ: "Mình thấy Phú Quốc buồn quá, đìu hiu quá chứ không sầm uất, đông vui như mình tưởng. Biển Phú Quốc đẹp và hoang sơ, nhưng những vị trí đẹp nhất thì các đại gia tầm cỡ "chiếm hữu" hết rồi. BĐS nghỉ dưỡng mà không có biển thì coi như bỏ".

Không chỉ vậy, khoảng cách địa lý và những khó khăn trong việc đi lại (đặc biệt là đường hàng không) cũng là một khó khăn rất lớn đối với Phú Quốc vào lúc này. Cách đây chưa lâu, trong một lần trò chuyện cùng phóng viên, chị Phương Linh - một nhà đầu tư BĐS thuộc diện có máu mặt tại Hà Nội cho biết, khi được chào mời mua biệt thự nghỉ dưỡng trong một dự án lớn nhất nhì Phú Quốc, chị đã trả lời thẳng thắn rằng "không hấp dẫn, bởi quá cách xa về địa lý và giá quá đắt". Theo chị Linh, đầu tư một căn biệt thự tại Flamingo Đại Lải Resort còn hiệu quả vì thỉnh thoảng gia đình còn “phóng về" xem xét. Chứ đầu tư ở Phú Quốc thì quá xa, mỗi lần muốn kiểm tra nhà cửa thường mất mấy ngày và lại rất bất tiện, chưa kể chi phí đi lại cũng đắt đỏ hơn rất nhiều.

Theo nhiều chuyên gia BĐS, cùng với Đề án Khu hành chính – kinh tế đặc biệt trực thuộc T.Ư, trong tương lai, Phú Quốc sẽ trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, tài chính thương mại hiện đại, có thể sánh ngang với Bali (Indonesia) hoặc Phuket (Thái Lan)... Đất đai ở đây có cơ hội "đẻ trứng vàng" cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, "tương lai" đó chỉ có thể đến sau… vài chục năm nữa. Bởi đầu tư vào Phú Quốc lúc này phải xác định là đầu tư cho tương lai. Nếu không vững vàng về tiềm lực tài chính, không "bạo tiền" thì nguy cơ "đắm đò" ở Đảo Ngọc là khó tránh.

(Theo baoxaydung)

Trở về

Bài cùng chuyên mục