Ngày 30/8, Văn phòng UBND TP.HCM cho biết UBND TP đã ban hành Quyết định số 3408/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa.
“Ngó nghiêng” các thành phố thông minh Hàn Quốc
- Cập nhật : 31/08/2015
(Tin kinh te)
Dự án thành phố “mọi nơi” (Ubiquitous City) đã được triển khai tại 50/163 thành phố tại Hàn Quốc.
Dự án U-City đã được triển khai tại 50/163 thành phố tại Hàn Quốc.
Theo Luật về thành phố “mọi nơi” (U-City) 2008 của Hàn Quốc, U-City là một thành phố tương lai nơi mà ở đó công nghệ thông tin truyền thông tiên tiến được kết hợp vào cơ sở hạ tầng đô thị, như đường giao thông, cầu đường, trường học và một số lĩnh vực khác để cung cấp các dịch vụ phổ biến như giao thông vận tải, môi trường và phúc lợi xã hội ở bất cứ thời gian và địa điểm nào.
Dự án U-City đã được triển khai tại 50/163 thành phố ở nước này. Trong đó, 57% đô thị ở khu vực thủ đô Seoul (19/33 thành phố) và 23% ở khu vực khác (31/130 thành phố) đã xây dựng thành phố “mọi nơi”.
U-City được xây dựng trên cơ sở 3 thành phần gồm cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin và dịch vụ. Dựa trên cơ sở hạ tầng gồm các công trình thông minh, mạng lưới, trung tâm điều khiển và tích hợp hoạt động, sử dụng công nghệ thông tin, viễn thông cũng như công nghệ xây dựng, U-City sẽ cung cấp các dịch vụ thông minh trong quản trị, giao thông, chăm sóc sức khỏe. giáo dục…
Tại Hội thảo “Đô thị thông minh: Thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế, triển vọng tại Việt Nam” được tổ chức sáng nay, 28/8, tại Hà Nội, tiến sĩ Lee Yae Yong, Ủy Viên Ban Dự án thành phố thông minh (Hàn Quốc) cho biết, xuất phát từ cơ sở hạ tầng sẵn có, khi được kết nối với công nghệ thông tin thì có thể trở thành cơ sở hạ tầng thông minh. Sự khác biệt giữa cơ sở hạ tầng đô thị và đô thị thông minh là sự tương tác. Khi đó, những con đường và cả thành phố có thể “nói chuyện”, có thể tương tác với lái xe mỗi khi giao thông bị tắc nghẽn
Dựa trên hệ thống camera quan sát tự động phát hiện các phương tiện tại các giao điểm, một bộ điều khiển sẽ hiệu chỉnh hoạt động của đèn tín hiệu theo tình trạng giao thông tại đây. Ngoài ra, thông tin về tình hình giao thông cũng sẽ được gửi về trung tâm tích hợp hoạt động và điều khiển (IOCC).
Tương tự như vậy, thông qua hệ thống định vị, thông tin về xe bus cũng được theo dõi theo thời gian thực, gửi về IOCC để cung cấp tới người sử dụng qua website, hệ thống báo hiệu tại điểm chờ cũng như qua điện thoại thông minh.
Không phát triển riêng rẽ, các hệ thống này và những hệ thống khác nữa được thiết kế dựa trên nguyên tắc tích hợp. Theo đó, các hệ thống thu thập những thông tin khác nhau, được chuyển về IOCC phân tích, sử dụng theo những mục đích, cho những đối tượng khác nhau. Nhờ có sự tích hợp này, những trung tâm điều khiển tích hợp có thể sử dụng thông tin về tình hình giao thông trong việc kiểm soát tình trạng và ngăn chặn tội phạm.
Theo ông Lee Yae Yong, việc xây dựng U-City tại Hàn Quốc không sử dụng tới nguồn ngân sách từ Trung ương mà sử dụng nguồn lực từ việc phát triển đô thị. Khi xây dựng những đô thị mới, một phần lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ được sử dụng tái đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị, trong đó có đô thị thông minh. Ông Lee cũng cho biết, chi phí đầu tư cho độ thị thông minh chỉ chiếm khoảng 3% chi phí xây dựng một đô thị mới- “Chỉ thêm một chút thôi để có đô thị thông minh”.
Bên cạnh công nghệ cao, một khía cạnh khác cũng quan trọng không kém là vấn đề quản lý, kế hoạch và khung pháp lý cho đô thị thông minh. Tại Hàn Quốc, từ năm 2008, nước này đã có một luật riêng về đô thị thông minh.
Ngoài ra, bởi khái niệm về đô thị thông minh không thực sự đồng nhất giữa các quốc gia do mục đích và ưu tiên khác nhau, mỗi nước và mỗi đô thị sẽ có những câu chuyện, những hướng và ưu tiên phát triển của riêng mình.
Hàn Quốc đặt ra 2 mục tiêu khi xây dựng đô thị thông minh là quản lý đô thị hiệu quả và nâng cao chất lượng đời sống người dân. Dựa trên 2 mục tiêu đó, nước này xây dựng quy hoạch phát triển đô thị thông minh. Hơn nữa, một cơ quan thực thi cấp quốc gia đã được thành lập để xử lý những trùng lắp khi triển khai.
Hàn Quốc không phát triển các U-City của mình một cách đồng loạt. Đầu tiên, nước này bắt đầu bằng các dự án kiểu mẫu tại các thị trấn, đô thị vệ tinh xung quanh thủ đô Seoul. Sau khi đạt được sự thống nhất về mô hình, mới áp dụng trên diện rộng.
Sự phát triển đô thị thông minh tại Hàn Quốc đã tạo ra những hiệu quả bước đầu. Ví dụ như dịch vụ phòng ngừa thiên tai tại thành phố Busan với camera giám sát, cảm biến lượng mưa, cảm biến đo lường mức độ ngập lụt… đã giúp giảm thiểu thiệt hại cho thành phố này. Những báo hiệu ban đầu thông qua hệ thống báo lũ giúp giảm thương vong (16 người), giảm thiệt hại tài sản (35 tỉ won) và thậm chí là giảm diện tích lũ lụt.