tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Thị trường bất động sản mất cân đối cung cầu

  • Cập nhật : 05/04/2017

Theo nhận định của ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, cơ cấu hàng hóa có sự mất cân đối giữa phân khúc nhà ở xã hội và phân khúc cao cấp. Số lượng căn hộ chung cư có giá bán dưới 20 triệu đồng/m2 còn quá ít.  

Theo ông Nguyễn Trần Nam, thị trường bất động sản 2016 đã vượt qua giai đoạn khó khăn và bước vào giai đoạn phục hồi với nhịp cung cầu có dấu hiệu khởi sắc. Hoạt động kinh doanh bất động sản được cải thiện hơn với mức tăng 4% cao hơn mức tăng 2,96% của năm 2016. Theo thống kê chưa đầy đủ, lượng giao dịch nhà ở trung bình hàng tháng của năm 2016 vào khoảng 1.300 - 1.500 giao dịch ở mỗi thành phố trong đó Hà Nội và TP. HCM là 2 thị trường lớn nhất cả nước.

Đây là thống kê những giao dịch lần đầu tại các dự án mới mở bán, không kể các giao dịch mua đi bán lại, hoặc các giao dịch nhà ở cũ. 

Tồn kho bất động sản 2016 cũng giảm mạnh. Tính đến cuối tháng 12 giá trị hàng tồn kho bất động sản còn khoảng 31.842 tỷ đồng, so với quý I/2013 giảm 96.706 tỷ đồng (giảm 75,23%) so với tháng 12/2015 giảm 19.047 tỷ đồng (giảm 37,43%). 

Đầu tư nước ngoài vào bất động sản vẫn tăng trưởng tốt, dòng vốn này đạt khoảng 1,3 tỷ USD, chiếm 10% tổng vốn FDI. 

Thị trường BĐS nghỉ dưỡng có bước phát triển đột phá, nhất là mô hình timeshare. “Có thể nói năm 2016 là năm của bất động sản nghỉ dưỡng. Đặc biệt là khu vực miền Trung và miền Nam, thị trường có nhiều dự án được triển khai nhận được sự quan tâm lớn của nhiều nhà đầu tư" - ông Nguyễn Trần Nam nhận định.

Bên cạnh những con số ấn tượng đạt được trong năm 2016, Chủ tịch Nguyễn Trần Nam cho rằng thị trường bất động sản 2016 còn bộc lộ một số vấn đề cần được theo dõi, điều chỉnh như: Cơ cấu hàng hóa có sự mất cân đối giữa phân khúc nhà ở xã hội và phân khúc cao cấp. Tại Hà Nội và Hồ Chí Minh có rất ít căn hộ chung cư có giá bán dưới 20 triệu đồng/m2 trong khi nhu cầu của đại bộ phận người dân là nhà ở phân khúc trung bình và thấp (chiếm khoảng 70% tổng nhu cầu). 

Để thị trường tiếp tục phát triển mạnh mẽ và bền vững, tại Hội nghị Ban Chấp hành, VNREA thống nhất đề xuất 5 kiến nghị quan trọng mang tính thời sự đối với thị trường BĐS năm 2017.

Thứ nhất, đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét và thúc đẩy bố trí nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội và kiên trì thực hiện chính sách đã được nêu ra tại luật Nhà ở cũng như các văn bản pháp luật đã ban hành.

Thứ hai, đề nghị Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện một số cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển nhà ở thương mại có diện tích nhỏ (căn hộ chung cư có diện tích dưới 75 m2), giá bán thấp (dưới 15 triệu đồng/m2) như giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, được ưu tiên tiếp cận nguồn vốn đầu tư.

Thứ ba, để điều tiết lượng hàng hóa và cân đối sản phẩm bất động sản phù hợp với nhu cầu của thị trường, chính quyền địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn cần có chương trình kế hoạch, cần xác định rõ tỷ trọng nhà ở xã hội, nhà ở thương mại phân khúc trung bình, thấp và nhà ở cao cấp với diện tích, khu vực cụ thể. Trên cơ sở đó, chỉ đạo thực hiện các thủ tục hành chính, quyết định việc cấp đất dự án, xác định tiến độ của các dự án hợp lý, phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương ở từng thời điểm phát triển.

Thứ tư, có sự phối hợp giữa các bộ, ngành có liên quan và Ngân hàng Nhà nước trong việc điều tiết nguồn tín dụng hợp lý, tránh tập trung tín dụng quá lớn vào một số phân khúc hoặc một số chủ đầu tư cũng như tránh việc thay đổi chính sách một cách đột ngột và thị trường không kịp điều chỉnh cho phù hợp.

Thứ năm, đề nghị Bộ Xây dựng giao cho Hiệp hội Thống kê tình hình thị trường bất động sản và một số đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực này.

Khánh An (Theo VNmedia)

Trở về

Bài cùng chuyên mục