Thật lạ lùng khi Sabeco dễ dàng từ bỏ "món ngon" trị giá hàng ngàn tỉ đồng ở khu đất vàng số 2-4-6 Hai Bà Trưng khi quyết định bán 26% cổ phần của mình.
Gần 40ha 'đất vàng' Hà Nội trả cho CĐT làm 3km đường nối Lê Trọng Tấn - Vành đai 3 trị giá bao nhiêu?
- Cập nhật : 21/06/2018
Theo ước tính của Gachvang, lô đất rộng 39,8 ha tại Đại Mỗ mà Hà Nội dùng để trả cho CĐT làm gần 3 km đường có giá trị khoảng 32.915 tỷ đồng. CĐT thực hiện dự án làm đường là Liên danh CTCP Phát triển nguồn nhân lực LOD và Công ty TNHH Phát triển Bắc Việt.
Gần 40 ha đất Đại Mỗ trị giá đến gần 33.000 tỷ đồng
Như chúng tôi đã thông tin, mới đây UBND TP Hà Nội đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư cho dự án Xây dựng tuyến đường nối Lê Trọng Tấn và Vành đai 3 (quận Thanh Xuân) theo hình thức Hợp đồng BT. Đổi lại việc xây dựng tuyến đường dài 2,85 km nói trên, chủ đầu tư (CĐT) được thành phố Hà Nội trả cho quỹ đất rộng 39,8 ha thuộc phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm.
Theo ước tính của Gachvang, cả lô đất rộng 39,8 ha tại Đại Mỗ sẽ có giá trị rơi vào khoảng 32.915 tỷ đồng. (Ảnh minh họa đường Vành đai 3)
Quỹ đất rộng gần 40 ha tại phường Đại Mỗ nói trên được đánh giá là “đất vàng” Hà Nội khi giá trị cả khu đất ước tính lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Vị trí phân khu đô thị S4 thuộc chuỗi đô thị phía Đông đường Vành đai IV thuộc địa giới hành chính các phường Yết Kiêu, Quang Trung, Nguyễn Trãi, Phúc La, Vạn Phúc... Đây đang được coi là điểm “nóng” phát triển đô thị của Hà Nội thời gian qua.
Công cụ đo giá đất của Công ty TNHH Gạch vàng cho biết, giá đất trung bình của phường Đại Mỗ từ đầu năm 2018 đến nay cơ bản không có nhiều biến động, hiện đang ở mức 82,7 triệu đồng/m2. Mức giá này cao ngang với thời điểm tháng 1/2018, tuy nhiên lại thấp hơn một chút so với mức 84,7 triệu đồng/m2 vào tháng 3. Giá đất trung bình của phường Đại Mỗ được tính dựa theo giá trung bình tại các tuyến đường Tây Mỗ, Đại lộ Thăng Long, đường Cầu Đôi, đường Tố Hữu, đường Ngọc Trục
Như vậy, theo ước tính của Gachvang, cả lô đất rộng 39,8 ha tại Đại Mỗ sẽ có giá trị rơi vào khoảng 32.915 tỷ đồng.
Tuyến đường nối đường Lê Trọng Tấn đến Vành đai 3 Hà Nội dài 2,85 km, mặt cắt ngang 30m. Trong tổng kinh phí 1.412 tỷ đồng có đến 967,6 tỷ đồng là chi phí giải phóng mặt bằng, 274,8 tỷ đồng là chi phí xây dựng, còn lại là các chi phí khác... Dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2018 – 2020.
Dự kiến, quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư sau khi thực hiện dự án đường này là khoảng 39,8 ha đất ở phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, gồm các ô quy hoạch 3 – 1, 3 – 2, 4 – 1, 4 – 2 thuộc Quy hoạch phân khu S4.
Liên danh chủ đầu tư dự án BT làm đường Lê Trọng Tấn đến Vành đai 3 là ai?
Báo chí thông tin, dự án do Liên danh CTCP Phát triển nguồn nhân lực LOD và Công ty TNHH Phát triển Bắc Việt đầu tư với tổng kinh phí dự kiến là 1.412 tỷ đồng. Tuy nhiên, cả hai công ty trong liên danh CĐT này đều là các doanh nghiệp còn khá mới mẻ trong lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng và chưa có dự án nào nổi bật trước đó.
Cụ thể theo website doanh nghiệp, CTCP Phát triển nguồn nhân lực LOD (LOD Corp) trước đây là Cổ phần Hợp tác lao động nước ngoài – LOD) ra đời năm 1992, quy mô thành lập ban đầu chỉ có 10 cán bộ công nhân viên. Công ty hoạt động trong nhiều lĩnh vực như xuất khẩu lao động; xuất nhập khẩu hàng hóa; kinh doanh nhà, vật tư, vật liệu xây dựng phương tiện và thiết bị vận tải; kinh doanh bất động sản (BĐS); xây dựng công trình giao thông công nghiệp và dân dụng... Trong đó, nội dung được giới thiệu nhiều nhất trên website là lĩnh vực xuất khẩu lao động.
Trụ sở CTCP Phát triển nguồn nhân lực LOD. (Ảnh: Website doanh nghiệp)
Trong khi đó, theo Cổng đăng ký doanh nghiệp quốc gia, LOD Corp chính thức thành lập CTCP năm 2005, địa chỉ trụ sở chính là số 294, đường Bạch Đằng, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, người đại diện theo pháp luật là bà Đặng Thu Hà. Công ty đăng ký 32 ngành, nghề kinh doanh chính thức, trong đó có ngành xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác (Chi tiết: Xây dựng công trình giao thông, công nghiệp và dân dụng).
Chiến lược phát triển của công ty được vạch ra là “mở rộng thị phần và thị trường xuất khẩu lao động, đa dạng hóa các loại hình đào tạo. Xây dựng Công ty LOD trở thành một trong những công ty hàng đầu của cả nước về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước. Đầu tư có hiệu quả vào các lĩnh vực kinh doanh khác như du lịch, dịch vụ thương mại, kinh doanh BĐS. Xây dựng Công ty LOD đa ngành nghề...”. Những lĩnh vực nêu trên không hề dính dáng đến lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng.
Được biết, tại mảng BĐS, doanh nghiệp có đầu tư một số dự án như khu nhà ở quận Hoàng Mai, tòa nhà văn phòng Trần Thái Tông, khách sạn Hạ Long Deam nhưng các dự án này đều đã triển khai từ nhiều năm trước (thông tin trên website cập nhật đến năm 2014) và đều có quy mô không lớn...
Theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của công ty – đăng ký thay đổi lần thứ 10 vào tháng 7/2014, công ty có vốn điều lệ là gần 41 tỷ đồng với danh sách cổ đông sáng lập chỉ có Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước. Công ty có ba chi nhánh tại Hà Nội, TP HCM và Hải Phòng.
Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 mới đây của công ty cho biết, năm 2017 công ty có tổng doanh thu gần 94 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là hơn 6 tỷ đồng và đã nộp ngân sách hơn 1 tỷ đồng...
Đối tác còn lại trong liên danh là Công ty TNHH Phát triển Bắc Việt thậm chí không có website riêng. Theo thông tin từ Cổng đăng ký doanh nghiệp quốc gia, công ty này chính thức thành lập tháng 10/2008, địa chỉ trụ sở chính tại số 5, lô 15A, đường Trung Yên 3, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, người đại diện theo pháp luật là ông Vũ Hùng Lân.
Công ty Bắc Việt chỉ đăng ký 12 ngành, nghề kinh doanh, trong đó ngành chính là kinh doanh BĐS, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê (Chi tiết: Kinh doanh BĐS).
Theo nội dung đăng ký thay đổi của doanh nghiệp vào tháng 5/2018, công ty có tổng vốn 400 tỷ đồng, danh sách thành viên góp vốn ban đầu gồm Công ty TNHH Đầu tư Nguyễn gia góp 60 tỷ đồng (chiếm 15% tổng vốn), Công ty Đại Hoàng Long – (TNHH) góp 280 tỷ đồng (chiếm 70%) và cá nhân ông Trần Quang Anh góp 60 tỷ đồng (chiếm 15% còn lại). Sau đó, danh sách thành viên đã thay đổi chỉ còn Công ty Đại Hoàng Long – (TNHH) góp 280 tỷ đồng (chiếm 70% tổng vốn) và cá nhân ông Trần Nam Trung góp 120 tỷ đồng (chiếm 30% còn lại).
Đến tháng 5/2018, số vốn điều lệ của công ty đã tăng từ 400 tỷ đồng lên đến 1.100 tỷ đồng. Hai thành viên góp vốn cũng tăng vốn góp nhưng vẫn giữ nguyên tỷ lệ sở hữu vốn của mình. Cụ thể, Công ty Đại Hoàng Long góp 770 tỷ đồng và ông Trần Nam Trung góp 330 tỷ đồng.
Theo N.Lê - Vietnambiz