Thị trường bất động sản từ đầu năm đến nay đang có những diễn biến đáng chú ý, khi hàng loạt các dự án bất động sản được "hồi sinh" và đặc biệt mức giá được nhận định là về bằng mức giá năm 2010 - thời điểm "sốt đất" của thị trường bất động sản.
Ngành bất động sản: 80% doanh thu và lợi nhuận trong tay 10 “ông lớn”
- Cập nhật : 30/11/2015
(Bat dong san)
Thống kê 56 doanh nghiệp bất động sản niêm yết cho thấy 9 tháng đầu năm nhóm doanh nghiệp này tạo ra 5.278 tỷ đồng lợi nhuận ròng, giảm 8% so với 9 tháng đầu 2014. Tuy nhiên, loại trừ VIC, lợi nhuận của 55 doanh nghiệp còn lại đạt 4.306 tỷ đồng, tăng 176%.
Thống kê kết quả kinh doanh của 56 doanh nghiệp đang niêm yết trên 2 Sở cho thấy, trong quý III/2015 vẫn còn 9/56 doanh nghiệp khảo sát có kết quả kinh doanh bị lỗ, với tổng lỗ lên đến 41,5 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ năm trước có 7/56 doanh nghiệp bị lỗ.
Có 2 doanh nghiệp cải thiện tình hình kinh doanh khi chuyển từ lỗ năm trước sang có lãi trong quý II, quý III/2015 là CTCP Đệ Tam (mã DTA) và CTCP Đầu tư PV2 (mã PV2). 4 doanh nghiệp quý III/2014 có lãi nhưng quý III/2015 bị lỗ gồm CTCP Đầu tư Kinh doanh Nhà (mã ITC), CTCP Địa ốc Dầu khí (mã PVL), Công ty Petrolands (mã PTL), CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay (mã NVT).
Quý III tổng doanh thu của nhóm 56 doanh nghiệp này tăng 28,2%; nhưng lợi nhuận giảm đến 24,4% so với quý III/2014. Lũy kế 9 tháng đầu năm nhóm các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản tạo ra 1,88 tỷ USD, tương đương 42.272,5 tỷ đồng, tăng 21,7%; lợi nhuận ròng (lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ) đạt 5.278 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2014. Quý III/2015 đóng góp 35% lợi nhuận của 9 tháng.
Nếu loại trừ VIC với những giao dịch lớn trong kỳ của năm 2014, mức tăng trưởng doanh thu của nhóm 55 doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm lên đến 71% và lợi nhuận ròng tăng đến 175,6% so với cùng kỳ năm trước.
Xét về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bình quân 9 tháng đầu năm 2015 PXL, HAC, PDR, SCR, PXA, DXG, SJS, TIG, BCI, FLC là những doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận nhanh nhất trong 56 công ty khảo sát.
10 doanh nghiệp có doanh thu lớn nhất ngành đóng góp đến hơn 80% doanh thu của toàn nhóm gồm VIC, HAG, FLC, KBC, HDG, DXG, HQC, KDH, ADM, ITA.
10 doanh nghiệp có lợi nhuận ròng lớn nhất đóng góp hơn 81% tổng lợi nhuận của nhóm gồm HAG, VIC, FLC, KBC, DXG, BCI, ITA, KDH, SCR, SJS. Nếu loại trừ các doanh nghiệp bị lỗ, nhóm 10 doanh nghiệp này đóng góp 78% giá trị lãi của ngành.
Nếu loại trừ VIC, 10 doanh nghiệp có lợi nhuận lớn nhất đóng góp 68% doanh thu và 77% lợi nhuận ròng 9 tháng đầu 2015.
Theo phân tích của chuyên viên ngành của CTCP Chứng khoán Rồng Việt, việc bàn giao những sản phẩm đã kinh doanh từ năm 2014 cộng với kết quả kinh doanh cùng kỳ không cao là các nguyên nhân chính giúp các công ty như SJS, HQC, DXG, KDH, PDR và CTCP Đầu tư Nam Long (mã NLG) có mức tăng trưởng tốt về kết quả kinh doanh trong 3 quý đầu năm.
Cụ thể, việc bàn giao gần 300 căn hộ đầu tiên của dự án Sunview Town (Thủ Đức, TP.HCM) giúp CTCP Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh (mã DXG) ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu hơn 9 lần trong quý III. Tương tự, doanh thu của SJS trong quý vừa rồi chủ yếu đến từ việc ghi nhận doanh thu bán sỉ ở dự án Nam An Khánh (Hà Nội); quý III/2014, doanh thu của SJS chỉ đạt hơn 37 tỷ đồng.
Trong khi đó, lợi nhuận đột biến từ các giao dịch lớn vẫn là “cứu tinh” của những doanh nghiệp bất động sản không có sản phẩm sẵn sàng để ghi nhận doanh thu. CTCP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (mã BCI) ghi nhận mức tăng trưởng thấp về doanh số nhưng việc thanh lý khu đất gần 1ha trên đại lộ Võ Văn Kiệt và ghi nhận giảm giá vốn (chủ yếu là tiền đất) cho dự án Phong Phú 4 (84ha) lại giúp doanh nghiệp này có sự đột phá về lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm.
Tương tự, theo Rồng Việt, thu nhập từ việc chuyển nhượng cổ phần tại công ty thành viên Khoáng sản Năm Bảy Bảy Quảng Ngãi cho CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (mã CII) trong quý II không chỉ giúp CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (mã NBB) tránh được việc ghi nhận lợi nhuận sau thuế sụt giảm khi mà các dự án bất động sản của NBB như City Gate Towers và KDC Sơn Tịnh – Quảng Ngãi chưa thể đem lại doanh thu.
Bùng nổ hoạt động M&A
Trong quý III, thị trường bất động sản chứng kiến sự bùng nổ về hoạt động M&A. Trong đó, CTCP Đầu tư Kinh doanh Nhà Khang Điền (mã KDH) thâu tóm hơn 20,4% của BCI để trở thành cổ đông lớn của công ty này trong tháng 10 vừa rồi. Theo dự kiến, BCI sẽ trình Đại hội đồng cổ đông để cho phép KDH sở hữu lên tới 25% cổ phần vào cuối tháng 11.
Trước đó, hàng loạt thương vụ M&A cũng được công bố như việc CII chào mua cổ phiếu NBB, quỹ đầu tư BĐS Nhật Bản Creed Group đầu tư 200 triệu USD để mua lại 20% cổ phần của CTCP Bất động sản An Gia, Ibeworth Pte. Ltd., công ty con của tập đoàn Keppel Land (Singapore) mua hơn 7 triệu cổ phiếu NLG…
Theo Chứng khoán Rồng Việt, hiện tại, P/B trung bình của ngành bất động sản vào khoảng 2,5x, nếu loại trừ VIC còn khoảng 0,9x, tức chỉ hơn một nửa mức P/B của VNIndex là 1,8x. Điều này cho thấy, cổ phiếu bất động sản đang giao dịch ở mức thấp so với giá trị tài sản thuần của các doanh nghiệp.