tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

IPO và thâu tóm “đất vàng”: Lộ diện những “tay chơi” mới đang nổi (kỳ 2)

  • Cập nhật : 08/12/2015

(Bat dong san)

Nhờ thâu tóm dự án bất động sản trong những năm gần đây, một thế hệ nhà đầu tư mới nổi đang dần lộ diện, làm cho thị trường bất động sản thêm sôi động.

Tóm tắt

Như chúng tôi đã có bài viết kỳ trước về những thương vụ đình đám trong M&A địa ốc, gần như những khu “đất vàng” còn sót lại ở trung tâm thành phố Sài Gòn hay Hà Nội đều về tay các “ông lớn” bất động sản.

Sự thanh lọc khắc nghiệt của thị trường mấy năm qua dẫn đến một thực trạng, đó là những “ông lớn” tiềm lực mạnh vẫn tiếp tục gia tăng sức mạnh, chiếm lĩnh thị trường, mở rộng đầu tư. Tham gia IPO các doanh nghiệp nhà nước, mua lại các công ty bất động sản khác để gia tăng quỹ đất, có thể kể tới như Vingroup, Novaland, BRG,…

Nối gót ông lớn, nhiều “tay chơi” mới nổi cũng đang rót tiền vào bất động sản. Cơ hội đến khi thị trường địa ốc phục hồi, những tân binh này nhanh chóng tạo dựng được tên tuổi làm lu mờ nhiều cựu binh.

Thực tế không thể phủ nhận đó là hệ lụy của khủng hoảng bất động sản 5 năm trước vẫn còn dai dẳng, để lại nhiều bài học quý giá cho các nhà phát triển địa ốc. Vẫn còn đó không ít chủ đầu tư đang vật lộn với thị trường, chưa hẹn ngày trở lại. Đó là những công ty dòng họ Vinaconex, Sudico, HUD, Az Land, những công ty ngành dầu khí,…một thời “nổi sóng” trên thị trường địa ốc, thì nay vắng bóng.

Sông Đà Thăng Long phải chuyển nhượng lại một tòa tháp tại dự án Usilk City cho Hải Phát, AZ Land tham vọng một thời nay vẫn vật lộn với khó khăn, trong đó, may mắn có một dự án đổi tên và được thị trường chấp nhận, còn lại AZ Sky Định Công tái khởi động với sự tham gia của công ty BID và một số ngân hàng, Az Lâm Viên sau khi khởi động và xây thêm được vài tầng nay lại “đắp chiếu”…

Thay vào đó, một vài cái tên mới lại nổi lên nhờ chiến lược M&A, thâu tóm quỹ đất, phát hành cổ phiếu, trái phiếu huy động nguồn vốn…rót tiền mua và triển khai dự án cùng sự “hậu thuẫn” của ngân hàng.

Nổi bật trong số đó là FLC Group, bằng chiến lược thâu tóm cổ phần ở một số công ty, danh mục dự án của FLC đang gia tăng nhanh chóng. Đơn cử như FLC Garden City mua lại từ Alaska Land, chung cư FLC 36 Phạm Hùng mua lại từ Hải Phát, thâu tóm khu đất 265 Cầu Giấy, dự án The Lavender…

Một “ông lớn” khác cũng đã tái cấu trúc kinh doanh đó là VID Group (nay là TNG Holdings), chuyên phát triển khu công nghiệp cũng đã bắt đầu thâu tóm nhiều dự án nhà ở. Đơn cử là sự tham gia ở dự án 136 Hồ Tùng Mậu (Goldmark City) từ Việt Hân, nắm 60% cổ phần Công ty Hanovid –chủ dự án Goldsilk Complex (Hà Đông), thâu tóm dự án The Goldview (Sài Gòn)…

Hiện nay, dưới cái tên một công ty thành viên của TNG Holdings là TNR Holdings (với vai trò là đơn vị quản lý và phát triển dự án), được nhắc đến nhiều trong năm qua với một loạt dự án chung cư cao cấp. Đó là Goldmark City và Goldsilk Complex tại Hà Nội và The GoldView tại TP.HCM. Quy mô của những dự án này lên tới gần 8.000 căn hộ. Với việc sở hữu gần 40% tại Công ty TNHH Thương mại – Quảng cáo – Xây dựng – Địa ốc Việt Hân (chủ đầu tư khá nhiều dự án BĐS), danh mục dự án của đại gia mới nổi này sẽ còn gia tăng.

Một loạt các DN địa ốc khác cũng gia tăng chiến lược thâu tóm đất vàng như Văn Phú Invest dự kiến sẽ bỏ ra 643 tỷ đồng làm dự án BT đổi lấy khu đất vàng tại Giảng Võ, mới đây công ty này cũng quan tâm đến IPO tại khu đất khách sạn Kim Liên; Hay GP-Invest cũng đã mua lại lô đất rộng 2,6 ha địa chỉ số 1 Phùng Chí Kiên, quận Cầu Giấy để thực hiện tổ hợp Tràng An Complex,…

Có khá nhiều DN địa ốc mới đang tạo nên một cuộc đua thú vị trên thị trường, những đơn vị này đang tỏ rõ tham vọng của mình-một điều cũng chẳng khác là bao thời kỳ “đỉnh điểm”. Có những đơn vị có thực lực thật sự, nhưng cũng có những công ty với bất động sản chỉ là “tay trái”.

Những “tay chơi” này đang từ những lĩnh vực khác, phần lớn là xây lắp hoặc lĩnh vực không liên quan chuyển hướng sang đầu tư dự án. Đơn cử như BID Việt Nam, công ty thành lập 2006 với vốn điều lệ 20 tỷ đồng, chủ yếu xây dựng công trình dân dụng như thủy điện, hạ tầng giao thông thì mới đây bất ngờ công bố kế hoạch đầy tham vọng, với mục tiêu đầu tư 2.000-3.000 căn hộ giá rẻ trong 3 năm tới tại TP.HCM. Đồng thời công bố đầu tư 2 dự án mới The Garden Hill trên đường Trần Bình (Hà Nội) với 375 căn hộ, và dự án BIDhomes Golden South với 874 căn hộ tại khu đô thị Định Công.

Trường hợp khác là chủ đầu tư dự án HD Mon City có số vốn đầu tư lên tới gần 6.000 tỷ, công ty mới được thành lập với số vốn điều lệ 1.260 tỷ-là một công ty con của HD Mon Holdings, tiền thân là Công ty TNHH xây dựng công trình Hải Đăng, công ty cũng chuyên về lĩnh vực xây dựng dân dụng.

Cuộc đua càng thêm gay cấn khi nhiều chủ dự án bất động sản mới nổi hình thành. Thủ Đô JSC sau khi hoàn thành dự án nhà giá rẻ Ecohome 1 cũng đã lấn sân sang căn hộ cao cấp bằng việc chào bán 760 căn hộ EcoLife Capital đang được xây dựng ở phía Tây Hà Nội. Gần đó, HBI Group cũng đang mở bán tổ hợp chung cư cao cấp Imperia Garden với hơn 1.600 căn…

Sự tham gia của các “tân binh” khiến thị trường sôi động. Đó là cơ hội cũng là thách thức lớn cho những tân binh này, khi bài học đắt giá của nhiều đại gia địa ốc vẫn còn đó.  Đơn cử như từng “làm mưa làm gió” thị trường như ông chủ tòa tháp Tricon Towers đầy tham vọng, nay đã mất tăm tích mấy năm nay để lại phần móng heo gỉ của dự án, gây thiệt hại cho hàng trăm khách hàng khi đã thu khoảng 400 tỷ đồng từ họ.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục