tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

FLC muốn xây 10 sân golf: Quảng Bình chưa có chủ trương

  • Cập nhật : 20/08/2015

(Tin kinh te)

FLC có ý tưởng xây 10 sân golf liên tiếp tại Quảng Bình, nhưng theo quy hoạch đến năm 2020, Quảng Bình chỉ được quy hoạch 1 sân golf tại dự án Khu nghỉ dưỡng phục hồi chức năng suối nước nóng Bang.

Liên quan đến việc Tập đoàn FLC muốn xây liên tiếp 10 sân golf ven biển với quy mô 3.000ha, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của UBND tỉnh Quảng Bình Trương An Ninh cho biết: "Đây chỉ là ý tưởng của phía tập đoàn FLC, hiện tỉnh chúng tôi chưa có chủ trương hay quyết định nào về vấn đề này."

flc muon xay 10 san golf: quang binh chua co chu truong

FLC muốn xây 10 sân golf: Quảng Bình chưa có chủ trương


Tuy nhiên, ông Trương An Ninh cũng cho rằng tổ hợp sân golf là một trong những ý tưởng mang tính đột phá, có thể tận dụng được diện tích cát trắng hoang hóa, không thể canh tác và tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân lao động quanh khu vực. Ngoài ra có thể kết hợp được với các điểm du lịch tâm linh, tự nhiên mà tỉnh đang sẵn có.

Trao đổi thêm về đề xuất của FLC, ông Ninh cho biết 10 sân golf sẽ xây dựng dọc theo bờ biển từ TP Đồng Hới, qua huyện Quảng Ninh, đến điểm cuối là xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy. Mỗi sân golf 18 lỗ, diện tích đất dành cho tổ hợp này khoảng 1.000ha, tổng vốn đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng.

Trước đó, trong quyết định của UBND tỉnh Quảng Bình kêu gọi đầu tư 34 dự án du lịch giai đoạn 2015-2020, cũng đã có danh mục một dự án đầu tư sân golf 18 lỗ tại xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, với diện tích đất sử dụng khoảng 200ha, tổng vốn đầu tư dự kiến là 1.000 tỷ đồng.

Quy hoạch tới năm 2020: Quảng Bình chỉ có 1 sân golf

Theo quy định hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu mọi quy hoạch về sân golf đều do Thủ tướng quyết định, không thuộc thẩm quyền của các tỉnh, thành phố. Bởi lẽ, xây dựng một sân golf sẽ vấp phải nhiều vấn đề.

Thứ nhất, về vấn đề quỹ đất, đất canh tác nông nghiệp, đất trồng lúa sẽ bị sử dụng để làm sân golf. Đặc biệt ở một số thành phố lớn, quỹ đất còn rất thiếu cho các vấn đề an sinh xã hội.

Thứ hai, xét về góc độ môi trường, để duy trì loại cỏ của sân golf cần dùng một lượng hóa chất rất lớn, vì thế đất làm sân golf ô nhiễm gấp 5 - 8 lần so với đất nông nghiệp.

Thứ ba, các chủ đầu tư ở Việt Nam không đơn thuần làm sân golf mà còn tiện tay vẽ thêm các dự án bất động sản, khu du lịch. Ngay như với trường hợp của tập đoàn FLC, tại dự án FLC Samson Beach & Golf Resort của họ tại Thanh Hóa, tiếp giáp khu du lịch Sầm Sơn, sân golf chỉ mang tính chất đi kèm, song song với một loạt bất động sản bán và cho thuê.


Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2013, chỉ có 21 dự án là kinh doanh sân golf thuần túy, 69 dự án khác kết hợp kinh doanh sân golf với bất động sản, khu du lịch, trong đó sân golf chỉ là một dự án thành phần.

Vì vậy, theo Quyết định số 795/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ra ngày 26/5/2014 về việc điều chỉnh, bổ sung danh mục các sân golf dự kiến phát triển đến năm 2020 thì cả nước có 96 dự án sân golf được cấp phép trên 36 tỉnh thành phố.

Trong đó, Quảng Bình chỉ có duy nhất 1 dự án sân golf được quy hoạch trong Khu nghỉ dưỡng phục hồi chức năng suối nước nóng Bang do tập đoàn Indochina làm chủ đầu tư.

(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)

Trở về

Bài cùng chuyên mục