tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Đủ chiêu 'thổi giá' đất

  • Cập nhật : 18/05/2017

Nhiều khu vực ở TP.HCM giá đất tăng đột biến. Thông qua các “cò đất” thổ địa, chúng tôi biết những chiêu thức “hô giá” của giới đầu tư và dân môi giới như ém hàng tạo khan hiếm, đưa người vào tung hỏa mù giá...

khach hang nghe moi gioi gioi thieu cac du an dat nen tren duong nguyen duy trinh, q9, tp.hcm

Khách hàng nghe môi giới giới thiệu các dự án đất nền trên đường Nguyễn Duy Trinh, Q9, TP.HCM

“Thường chủ đất cho môi giới ăn hoa hồng 30 triệu đồng/lô đất, nhưng không môi giới nào thật thà, bán đúng giá. Khi chủ đất tăng lên một giá, môi giới lại tăng thêm một giá nữa khi bán cho khách để hưởng tiền chênh lệch
Lời thú nhận của môi giới tên Khanh

Theo các chuyên gia bất động sản, đợt “sốt” giá đất tại các quận ven và huyện ngoại thành vừa qua đều do giới đầu nậu và cò đất làm giá, thổi giá đất nền với nhiều thủ đoạn. Có những khu vực giá đất tăng lên hằng ngày. Từ những khu đất không ai ngó ngàng, giá đất chỉ 3-4 triệu đồng/m2, nhưng ít ngày làm giá, đất bỗng chốc đội giá lên 10-12 triệu đồng/m2...

Đủ chiêu “kích giá”

Trong đợt sốt đất lần này, một trong những khu vực “nóng” là trục đường Nguyễn Duy Trinh - Nguyễn Xiển, chạy dọc từ Q.2 đến Q.9. Trên trục đường này, hiện các dự án vẫn treo bảng mở bán rầm rộ. Thực chất những dự án này đã triển khai từ cách đây 1-2 năm và giới đầu tư đã thâu tóm hết đất. Đến thời điểm này, họ lợi dụng một số thông tin quy hoạch, kết nối hạ tầng trong khu vực để “bung hàng”.

Anh T.C., một nhân viên môi giới ở Q.9, dẫn chúng tôi đi xem nhiều dự án ở quận 2, 9. Anh kể: “Không chỉ có cò mới thổi giá, mà chủ đất cũng có lắm chiêu trò. Hai bên đó tự hô giá lên với nhau”. Anh C. kể một vố bị lừa để giải thích cặn kẽ chiêu thức làm giá của chủ đất: Một chủ đất có hai lô đất trong dự án ở đường Nguyễn Xiển (Q.9) gửi anh bán với giá 16 triệu đồng/m2. Tiền hoa hồng anh C. được hưởng là 30 triệu đồng/lô. Hai ngày sau, chủ đất nhờ một người thân xuống gặp anh C. hỏi mua hai lô đất, với giá 17 triệu đồng/m2.

Chưa kịp ký hợp đồng mua bán, một người quen khác của chủ đất lại xuống “đôn” giá lên 18 triệu đồng/m2. Sau đó, môi giới đi giới thiệu cho một khách hàng thật với giá 20-21 triệu đồng/m2 để “ăn” chênh lệch. Vậy là thay vì bán giá 16 triệu đồng/m2 (đã có lời), chủ đất đã “thổi giá” thêm được 4-5 triệu đồng/m2.

Sau này qua mấy nhân viên khác, anh C. biết được chủ đất này có sáu lô đất trong dự án, gửi chia cho năm nhân viên môi giới khác nhau để bán và cùng thực hiện một chiêu trò “kích giá”. Lúc đó, anh C. mới biết mình “tiếp tay” cho chủ đất nâng giá lên.

Chủ đất còn làm nhiều “chiêu trò” khác để tạo cơn sốt ảo. Bà Hằng, một “cò đất” lâu năm ở H.Bình Chánh, kể chủ đất sau khi nhận cọc của khách hàng mua thật, lại cho 2-3 người thân nhảy vào cùng đặt cọc mua đất. Đến khi ra công chứng chuyển nhượng, hai “khách quen” này dàn cảnh giành giật nhau mua lô đất.

Khi đó, chủ đất ra mặt nói hiện nay miếng đất đã có 3-4 người quan tâm, nên để mua được đất các bên phải tự thương lượng. Thay vì giá 16 triệu đồng/m2, các bên ngồi “đấu giá” trả lên đến 18-19 triệu đồng/m2. Sau đó, những người thân quen của chủ đất đồng loạt rút lui, còn người mua thật “dính bẫy” mua đất giá cao.

Tại một dự án khác trên đường Võ Văn Hát (Q.9) có khoảng 300 lô đất với diện tích từ 52 - 62m2/lô. Khi chúng tôi hỏi mua đất đầu tư, nhân viên môi giới tên Hải cho biết dự án đã có khách vào mua hết, chỉ còn hai lô chào bán với giá 21 triệu đồng/m2. Nhưng sau đó chúng tôi gặp nhân viên môi giới khác tên Khanh, hỏi mua đất cùng một dự án, Khanh lại chỉ hai lô khác với lời chào mời y như Hải trước đó...

Giao dịch thực 
không nhiều

Tìm hiểu tại một số văn phòng công chứng ở những nơi đang được cho là “sốt” giá đất, chúng tôi thấy số lượng giao dịch thực không nhiều. Ông Đặng Toại Tâm - trưởng Văn phòng công chứng Thủ Đức (Q.9) - cho biết so với trước tết, giao dịch liên quan đến đất nền thời gian qua không nhiều.

Tương tự, ông Đào Xuân Tùng - trưởng Phòng công chứng Cần Giờ (H.Cần Giờ) - cho biết so với những năm trước, số người vào văn phòng giao dịch đất nền tăng khoảng 20%. “Không đến nỗi “sốt” như thông tin hiện nay” - ông Tùng nhận định.

Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), trong vòng một năm qua, giá đất nền đã tăng trên dưới 30%, cá biệt có khu vực giá tăng đến trên dưới 70%. Đất nền tại một số khu vực phân lô ở Q.9, Q.Thủ Đức, H.Bình Chánh đã lên đến trên dưới 20 triệu đồng/m2. Tương tự, giá đất nền tại thị trấn Cần Thạnh, xã Long Hòa (H.Cần Giờ) có vị trí đã lên đến 10-12 triệu đồng/m2, giá đất nông nghiệp một số khu vực tại H.Hóc Môn, H.Củ Chi đã tăng đến trên dưới 50% trong bốn tháng đầu năm 2017...

Theo nhận định của HoREA, đây là giá ảo và cơn “sốt giá ảo” đất nền rất nguy hiểm, tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản, làm méo mó thị trường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, xảy ra vỡ “bong bóng” gây thiệt hại dây chuyền.

Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch HoREA, cho rằng ngoài việc cần công bố thông tin quy hoạch cho dân biết, UBND TP nên chỉ đạo nghiên cứu cơ chế, chính sách để quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản của giới đầu nậu, cò đất hiện đang hoạt động với tư cách cá nhân không có đăng ký kinh doanh.

“Hiện nay có trường hợp núp bóng chủ đất hoặc doanh nghiệp để kinh doanh bất động sản với nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm trốn thuế. Trong lúc theo quy định của luật thì hoạt động mua bán đất nền cũng phải có đăng ký kinh doanh, phải có vốn pháp định” - ông Châu nói.

Tìm hiểu thông tin để tránh 
“sập bẫy” giá ảo
Ông Nguyễn Duy Thanh, tổng giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ bất động sản Phúc Hưng (TP.HCM), cho rằng để tránh “sập bẫy” giá ảo, người mua cần tìm một công ty môi giới uy tín để hỏi thông tin. Người dân cũng phải tự trang bị cho mình những thông tin về quy hoạch và tiềm năng khai thác của khu vực đất dự định mua. Đồng thời, tham khảo thông tin quy hoạch hoặc giá cả khu vực muốn mua đất từ những đơn vị quản lý nhà nước. Ngoài ra, người dân phải tìm hiểu kỹ giá đất ở khu vực xung quanh trong bán kính từ 3-5km để so sánh giá.

 

TIẾN LONG, tienlong@tuoitre.com.vn
Theo Tuoitre.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục