Theo đồ án quy hoạch mới được đề xuất, vịnh Nha Trang sẽ bị lấn nhiều điểm với lý do để phát triển TP này
TP.HCM: 'Nóng' bất động sản khu Tây
- Cập nhật : 06/04/2017
Dù là “tân binh” nhưng gần đây, khu Tây TP HCM đang trở nên sôi động khi hàng loạt nhà đầu tư uy tín chuyển đến, đặc biệt là tại các quận Tân Phú, 11, Bình Tân…
Thu nhập của người dân tăng khiến sự chuyển dịch về nhu cầu nhà ở cũng thay đổi ít nhiều, tập trung vào phân khúc trung cấp.
Vị trí giàu tiềm năng
Ngày 11-1-2014, siêu thị Aeon Tân Phú Celadon chính thức gia nhập thị trường bán lẻ gây ngạc nhiên cho nhiều người. “Chọn Tân Phú để mở siêu thị là khá lạ và có vẻ mạo hiểm nhưng chắc nhà đầu tư Nhật đã nghiên cứu kỹ” - một chuyên gia bán lẻ nhận định lúc siêu thị này khai trương.
Khách hàng tìm hiểu dự án RichStar nằm mặt tiền đường Hòa Bình, quận Tân Phú, TP HCM với 7 tòa tháp cao 22 tầng do Novaland đầu tư
Hai năm sau, đại gia bán lẻ Nhật mở tiếp siêu thị tại Bình Tân, khu vực khá xa trung tâm TP. Tuy nhiên, sự kiện này không còn gây ngạc nhiên, thay vào đó là sự đánh giá cao dành cho chủ đầu tư khi biết chọn vị trí giàu tiềm năng. Không chỉ nhà đầu tư này, Tân Phú và Bình Tân đã có 3-4 hệ thống bán lẻ chọn địa điểm.
Chuyện phát triển bán lẻ phản ánh nhiều góc độ về khả năng chi tiêu, mức sống, thu nhập của người dân. Thực tế cho thấy với mức thu nhập được cải thiện nhiều, xu hướng sống cũng dần thay đổi. Chính vì thế, hàng loạt nhà đầu tư bất động sản đã lưu tâm đến khu vực phía Tây TP, đặc biệt là quận Tân Phú. Bằng chứng là vài năm trở lại đây, hàng loạt nhà đầu tư lớn đã nhảy vào khu vực này nhằm thu hút đối tượng khách hàng đang có nhu cầu lớn về nhà ở. Chẳng hạn, Novaland - đơn vị danh tiếng về phân khúc căn hộ tầm trung và cao cấp.
Sự lựa chọn tối ưu
Khảo sát hàng loạt sàn giao dịch bất động sản trong thời gian gần đây tại khu vực Tân Phú cho thấy lượng người quan tâm luôn đông đúc, thời gian từ tìm hiểu đến quyết định đầu tư được rút ngắn nhiều.
Sau khi tìm hiểu nhiều dự án, anh Đỗ Văn Chinh (ngụ quận Tân Phú) phân tích sở dĩ anh chọn căn hộ ở khu vực này bởi nhiều yếu tố, ngoài an ninh, an toàn thì tính đồng bộ, từ đi lại, giải trí, mua sắm đến môi trường xung quanh đều tối ưu. “Giờ cuộc sống khác xưa nhiều, có điều kiện hơn chút thì cũng muốn con cái được tiếp cận môi trường sống tốt hơn” - anh Chinh tâm sự.
Theo một khảo sát tại khu Tây, hiện chi phí mua căn hộ tầm trung thường thấp hơn 30%-50% nhà phố ở cùng vị trí. Với cùng số tiền bỏ ra, nếu mua nhà phố chỉ sở hữu một căn bình thường, trong khi căn hộ chung cư được trang bị nội thất khá tốt. Số tiền dư, gia đình có thể nâng chất lượng sống theo tiêu chuẩn hiện đại.
Bên cạnh đó, yếu tố hạ tầng xoay trục, tạo ra sự đa dạng trong giao thông khiến một bộ phận lớn người dân hướng về phía Tây tìm mua bất động sản. Hiện các quận phía Tây như Bình Tân, Tân Phú… là cửa ngõ, điểm đón sự giao thương giữa TP HCM và các tỉnh Tây Nam Bộ. Chính vị trí quan trọng này đã khiến sự đầu tư về hạ tầng trong thời gian gần đây diễn ra mạnh mẽ ở đây. Đặc biệt là các tuyến metro huyết mạch đang được thi công như metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương khởi công vào năm 2010 và dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2019), metro số 6 Bình Phú (Tân Bình - Phú Lâm) kết nối giữa tuyến metro 3A (Bến Thành - Bến xe miền Tây) tại vòng xoay Phú Lâm và tuyến metro số 2 tại Bà Quẹo.
Ngoài ra, các tuyến đường Vành đai 3 cũng sẽ giúp giao thông khu Tây kết nối thuận tiện hơn với các khu vực khác trong TP cũng như Bình Dương, Đồng Nai, Long An.
Cần quan tâm an toàn tài sản
Dù được đánh giá là khu vực đang được đầu tư sôi động, mức sống dân cư tăng nhanh nhưng thị trường bất động sản khu vực phía Tây vẫn còn khá mới mẻ, dễ gặp rủi ro. Chính vì thế, theo nhiều chuyên gia, để bảo đảm lợi ích, khách hàng nên cẩn trọng trong chọn lựa chủ dự án. “Căn hộ dù có đẹp, có ưng ý nhưng người đầu tư cũng nên hiểu biết thêm về chủ dự án để tránh rủi ro trong việc bảo vệ tài sản” - chuyên gia Vũ Thành Sinh lưu ý.
Bài và ảnh: Cao Thảo
Theo Nld.com.vn