Kinh doanh bất động sản đang là một trong những lĩnh vực có sức hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Trong 8 tháng đầu năm đã có 18 dự án đăng ký mới và 7 lượt dự án tăng vốn vào lĩnh vực này với tổng vốn đạt 1,82 tỷ USD, chiếm 13,7% tổng vốn đầu tư
Dòng vốn tỷ đô la vào Thủ Thiêm: Cần cởi nút thắt này như thế nào?
- Cập nhật : 20/09/2015
(Tin kinh te)
Một số chuyên gia nhận định Chính phủ cần tạo cho Thủ Thiêm một cơ chế đặc thù thì mới có đủ lực biến nơi đây trở thành “hòn ngọc” có khả năng cạnh tranh với Singapore, Seoul (Hàn Quốc), Phố Đông (Trung Quốc) như kỳ vọng.
Tóm tắt
Trong tình hình khó khăn hiện nay, để đưa Khu đô thị mới Thủ Thiêm trở thành vị trí đẹp và phát triển nhất khu vực Đông Nam Á thì phải cần một nguồn vốn đầu tư khổng lồ, trước hết là cho công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cơ bản.
Tp.HCM trước hết cần bỏ một khoản tiền, chấp nhận là không nhỏ, để thuê các tập đoàn quy hoạch hàng đầu trên thế giới như từ Pháp, Ý, Mỹ… để xây dựng một bản đồ quy hoạch tổng quan cho toàn khu Thủ Thiêm 50 năm, thậm chí 100 tới.
Nhà đầu tư vẫn nhòm ngó nhau
Theo quy hoạch, Khu đô thị mới Thủ Thiêm không chỉ là một khu dân cư thông thường như các đô thị vệ tinh của thành phố như Nam Sài Gòn, khu đô thị Tây Bắc Củ Chi, hay các đô thị lân cận Bình Dương, Đồng Nai, mà Thủ Thiêm là một phần mở rộng của trung tâm Tp.HCM. Ở một góc độ nào đó, Thủ Thiêm như là một khu kinh tế đặc biệt, hội đủ những yếu tố cần thiết nhất để phát triển.
Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Bộ phận Đầu tư công ty TNHH Savills Việt Nam, cho rằng trong thời gian qua, thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp khác nhau để kích thích dòng vốn đầu tư vào Thủ Thiêm, nhiều dự án đầu tư hạ tầng quy mô lớn đã được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư.
Tuy nhiên, trong tình hình khó khăn hiện nay, để đưa Khu đô thị mới Thủ Thiêm trở thành vị trí đẹp và phát triển nhất khu vực Đông Nam Á thì phải cần một nguồn vốn đầu tư khổng lồ, trước hết là cho công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cơ bản.
“Nói Thủ Thiêm khó thu hút đầu tư là không đúng, bởi vì thực tế chứng minh hiện khu này đang có nhiều nhà đầu tư lớn với một vài dự án tỷ đô có thể sẽ thực hiện nay mai. Thành phố đã đầu tư cho khu vực này một loạt hạ tầng giao thông trục chính. Nhưng, hệ thống giao thông trục phụ để kết nối thống suốt vẫn còn thiếu, sẽ làm cho các nhà đầu tư vẫn tiếp tục chờ đợi”, ông Khương nói.
Một lý do khác, theo ông Khương, các nhà đầu tư luôn có tâm lý nhòm ngó lẫn nhau về tiến độ đầu tư dự án. Theo đó, nếu một dự án BĐS được đầu tư hoàn chỉnh nhưng hạ tầng và tiện ích kết nối không có thì không khách hàng nào tìm đến. Ngoài ra, thị trường BĐS Việt Nam đã trải qua gần 5 năm chìm trong khủng hoảng. Do vậy, mỗi nhà đầu tư đều có một chiến lược khác nhau để đón đầu thị trường một cách tốt nhất nên chuyện các dự án không xây dựng đồng loạt là điều dễ hiểu.
Ông Khương cũng đưa ra ví dụ rằng khu Nam thành phố phải nhất hơn 8 năm mới có được sự phát triển như ngày nay. Đặc điểm phát triển của khu Nam là Tp.HCM đã tín tưởng vào một nhà đầu tư nước ngoài. Họ có tiềm lực tài chính, từ đó sẽ chủ động trong chiến lược đầu tư, chủ động về thiết kế và nguồn sản phẩm ra thị trường. Trong khi đó, Thủ Thiêm vẫn chưa có được một sự chủ động như thế.
Còn theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, tiêu chí sống còn của các nhà đầu tư BĐS luôn là "vị trí, vị trí, và vị trí". Thủ Thiêm là một trong những vị trí mà nhiều nhà đầu tư rất cần nhưng chưa thực sự là điểm đến của họ. Nguyên nhân, một là thiếu vắng hạ tầng giao thông kết nối với trung tâm Tp.HCM hiện hữu và các khu vực kinh tế khác, hai là chính sách thu hút đầu tư vào đây vẫn còn nhiều “cửa”. Do đó, nếu Thành phố giải quyết tốt hai “điểm nghẽn” này thì các dự án đầu tư đang được mời gọi nhà đầu tư sẽ thu hút nguồn vốn đầu tư nhanh chóng hơn.
Chính sách ưu đãi là quan trọng
Dưới góc nhìn của TS. Lê Bá Chí Nhân, tài chính không hẳn là vấn đề khó khăn nhất, quan trọng là cần cho thành phố một cơ chế đặc thù và chính sách tốt thu hút đầu tư tốt nhất. Tức là, thành phố có thể chủ động trong việc chọn lựa nhà đầu tư mà không phải xin và chờ sự phê duyệt của các cấp cao hơn.
Ngoài ra, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là các chính sách ưu đãi đầu tư vào khu đô thị mới Thủ Thiêm nói riêng và Tp.HCM nói chung không cụ thể. Các nhà đầu tư nước ngoài chưa mạnh dạn vào đây còn do tâm lý chờ đợi xem sắp tới sẽ có những chính sách nào thay đổi, hoặc được điều chỉnh và bổ sung. “Chúng ta phải hướng đến một chính sách đầu tư bền vững, ít nhất là 50 năm như các nước phát triển thì nhà đầu tư mới yên tâm bỏ tiền vào đây”, TS. Nhân nói.
Thành phố đang thực hiện chính sách đổi đất lấy hạ tầng là một hướng đi đúng. Tuy nhiên, thành phố phải quy hoạch lại một cách rõ ràng khu đất nào sẽ được giao cho nhà đầu tư phát triển dự án BĐS với một cơ chế định giá đất hợp lý để các nhà đầu tư có lãi.
Song song đó, thành phố phải triệt để công khai lộ trình đổi đất lấy hạ tầng, tạo sự cạnh tranh công bằng cho mọi nhà đầu tư có kinh nghiệm, tiềm lực về tài chính và công nghệ. Thực tế cho thấy đến nay cơ chế, tiêu chí thực hiện việc đổi đất lấy hạ tầng vẫn chưa rõ ràng, còn sự ưu ái nhất định nào đó cho các doanh nghiệp trong nước.
TS. Nhân còn mạnh dạn đề xuất một ý tưởng rằng Tp.HCM trước hết cần bỏ một khoản tiền, chấp nhận là không nhỏ, để thuê các tập đoàn quy hoạch hàng đầu trên thế giới như từ Pháp, Ý, Mỹ… để xây dựng một bản đồ quy hoạch tổng quan cho toàn khu Thủ Thiêm 50 năm, thậm chí 100 tới.
“Sau đó, thành phố có thể mang ra đấu giá bản đồ quy hoạch này để tìm được nhà đầu tư có tiềm lực nhất thực hiện phát triển theo đúng kế hoạch đề ra. Thành phố sẽ lấy tiền đấu giá này trả cho việc thuê đội ngũ chuyên gia kiến trúc và một phần tái đầu tư cho hạ tầng cơ sở. Từ đó, thành phố sẽ có được một bức tranh tổng quan về Thủ Thiêm cho một giai đoạn dài, nhà đầu tư cứ theo đó mà phát triển”, TS. Nhân cho chúng tôi biết vào ngày 15/9.