"Điểm chưa tích cực của thị trường bất động sản là môi trường đầu tư chưa minh bạch, nhiều nhà đầu tư muốn tìm hiểu thủ tục đầu tư, sở hữu… nhưng không được tiếp cận dễ dàng".
Dòng tiền đổ vào bất động sản có thể giảm
- Cập nhật : 18/05/2016
(Tin kinh te)
Đó là nhận định của Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành khi bàn về “Kịch bản và hành động của thị trường bất động sản năm 2016”. Ông cho rằng năm 2016 lạm phát có khuynh hướng gia tăng sẽ tác động đến dòng vốn đổ vào bất động sản.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế và chính sách Trung ương (VEPR), năm 2015 thị trường bất động sản tại Việt Nam tăng trưởng nhanh với tổng nguồn cung sơ cấp tại hai thị trường lớn Hà Nội và TP.HCM đều tăng mạnh. Tín dụng bất động sản tăng cao, đạt 25,7%. Tính tổng dư nợ toàn thị trường, dư nợ của bất động sản chiếm 10%.
TS Thành đánh giá bất động sản đóng vai trò quan trọng trong kinh tế vĩ mô, khi thị trường này trầm lắng sẽ kéo theo nợ xấu, tín dụng trên thị trường cũng bị đóng băng, kinh tế khó khăn. Nhưng khi thị trường sôi động trở lại sẽ kích hoạt các dòng vốn tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế. “Thị trường bất động sản đi lên, đóng góp phần không nhỏ giúp nền kinh tế phục hồi dần”, ông Thành nhận định.
Phân tích về tình hình kinh tế vĩ mô, TS Thành cho biết, bối cảnh chung từ 2015 đến nay cho thấy, kinh tế toàn cầu đang có phục hồi trở lại nhưng tăng trưởng vẫn thấp. Trong đó, tăng trưởng của các nước đang phát triển lại có xu hướng đuối dần. Việt Nam có tăng trưởng trên 6% là điểm tích cực và đáng mừng. Kinh tế Việt Nam phục hồi trong năm 2015 nhưng đến quý I năm 2016 có sự suy giảm và khả năng tăng trưởng kinh tế năm nay không được cao như năm ngoái và sẽ ảnh hưởng tới sức mua cũng như kỳ vọng. Mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam đề ra 6,5-7% nhưng VEPR tính toán khả năng có thể đạt được ở mức 6,3%.
“Lạm phát có khuynh hướng nhích lên ở nửa cuối năm 2016, có thể ở mức khoảng 5%. Điều này khiến giới kinh doanh và người mua bất động sản đặc biệt quan tâm vì Ngân hàng Nhà nước sẽ thận trọng hơn trong chính sách tiền tệ để kiểm soát và theo đó lãi suất sẽ tăng lên, dòng vốn chảy vào nền kinh tế bị hạn chế hơn”, TS Thành nhận định.
Sau một thời gian dài kiểm soát lạm phát đi xuống ổn định, lạm phát hiện đang có khuynh hướng nhích lên. Lạm phát chịu ảnh hưởng bởi chính sách tiền tệ vẫn ổn định do chính sách tiền tệ vẫn đang rất chủ động và kiểm soát được lạm phát lõi.
Lạm phát có khuynh hướng nhích lên do giá nguyên liệu, giá dầu, giá lương thực, dự báo nửa cuối năm sẽ lạm phát tăng.
Điều này ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước cũng như lãi suất danh nghĩa có thể tăng. Qua đó tác động tới tâm lý của người đầu tư khi giá vốn đắt lên, dòng chảy vào bất động sản sẽ bị cân nhắc.
“Tăng trưởng và lạm phát như hai lưỡi kéo cắt vào thị trường trong tương lai”, ông Thành phân tích.
Một số rủi ro của thị trường bất động sản trong năm 2016 được VEPR chỉ ra đó là lãi suất huy động đang được các ngân hàng đẩy lên, chi phí vốn theo đó sẽ tăng khiến lãi suất cho vay ra sẽ tăng.
“Lãi suất và lạm phát có xu hướng rục rịch tăng trở lại thì khả năng thắt chặt hơn tín dụng có thể xảy ra. Dòng vốn chảy vào thị trường bất động sản có thể giảm”, TS Thành nhận định.
Bất động sản hướng biển lên ngôi
Nắm bắt xu hướng của thế giới, đặc biệt là bài học thành công của Thái Lan, nhiều chủ đầu tư đổ tiền vào bất động sản hướng biển.
Ông Nguyễn Nam Sơn, Chủ tịch Tanzanite International cho biết nhu cầu của khách hàng về căn hộ nghỉ dưỡng ven biển ngày càng gia tăng, đầu tư về bất động sản hướng biển đang là một xu hướng mới.
Ông Nam Sơn nhận định có ba lý do để khách hàng mua phân khúc này là để sử dụng, cho thuê, tăng vốn tăng giá trị (chờ lên giá).
Mua nhà hướng biển cách nơi ở khoảng 2 giờ đi đường bộ đang là một xu hướng được ưa chuộng. Ở Việt Nam nổi lên là các dự án tại Mũi Né, Hồ Tràm (Vũng Tàu) đều cách TP.HCM chừng 2 tiếng đi đường bộ, ông Nam Sơn nhận định. Điều này thuận tiện cho khách hàng sinh hoạt và nghỉ dưỡng.
Ở Việt Nam 10 năm qua tăng trưởng du khách nước ngoài từ 2,9 triệu lượt khách đến 7,9 triệu lượt khách. Khách nội địa tăng trưởng gấp 8 lần so với khách quốc tế. Điều đáng nói, chi tiêu của khách trong nước đến 2020 khoảng 86 usd/ngày nhu cầu sử dụng khu nghỉ dưỡng, khách sạn 4-5 sao của người Việt ngày càng gia tăng. Do đó, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng ngày càng hấp dẫn.
Hải Minh
(Theo Người Đồng Hành)