Bên cạnh việc ưu đãi lãi suất vay, hỗ trợ xây nhà hay thanh toán linh hoạt, nhiều dự án đất nền còn cam kết lợi nhuận đầu tư tối thiểu cho khách hàng khi mua đất tại dự án.
Địa ốc Sài Gòn rục rịch đổ về khu Nam
- Cập nhật : 25/01/2016
(Bat dong san)
Sau làn sóng bung hàng rầm rộ ở khu Đông năm 2015, một số công ty địa ốc bất ngờ chuyển hướng về phía Nam TP HCM trong năm 2016 khiến thị trường xuất hiện cuộc "so găng" nguồn cung đầy sôi động.
Dẫn đầu trong cuộc đua chuyển hướng về phía Nam Sài Gòn là Thảo Điền Investment. Năm ngoái, doanh nghiệp từng bán thành công dự án Masteri tại quận 2 (thuộc khu Đông) quy mô hơn 3.000 căn. Đầu năm 2016 chủ đầu tư này bất ngờ rời khu Đông chuyển nguồn cung về khu Nam, tung ra dự án mới tại đường Bế Văn Cấm, quận 7 quy mô gần 1.000 căn khiến giới đầu tư xôn xao.
Dự án mới của chủ đầu tư này được công bố kế thừa những ưu điểm của sản phẩm trước đó tại quận 2 và có giá bán cạnh tranh trong khu Nam Sài Gòn, đồng thời tổng giá trị căn hộ "mềm" hơn rất nhiều so với khu Đông.
Một doanh nghiệp khác đang nhập cuộc đua xê dịch này là Kiến Á. Sau hàng loạt sản phẩm: Imperia, Citihome, Citibella xuất hiện ở trục phía Đông thành phố, doanh nghiệp tiếp tục chào bán dòng sản phẩm biệt thự giới hạn số lượng (chỉ có 58 căn) quy mô một trệt, một hầm, một lửng, 2 lầu trị giá chục tỷ đồng trở lên tại khu Nam Sài Gòn.
Công ty Hoàn Cầu một vài năm trước chỉ bán dự án ở các quận Bình Thạnh (phía Đông TP HCM) gồm: căn hộ Saigon Land và Cantavil Hoàn Cầu. Hôm 15/1, tập đoàn này bất ngờ động thổ Khu dân cư Diamond City tọa lạc ngay mặt tiền đường Nguyễn Văn Linh, quận 7, trục giao thông huyết mạch ở phía Nam thành phố.
Dự án mới của đại gia bất động sản này có tổng vốn đầu tư dự kiến 15.000 tỷ đồng, gồm 6 block căn hộ cao cấp cao 27-36 tầng, 2 tháp trung tâm thương mại dịch vụ, 2 tòa tháp cao ốc đa chức năng 20-30 tầng. Giai đoạn một dự án sẽ triển khai xây dựng 2 tòa tháp chung cư 726 căn và 20 căn shophouse.
Nhiều nhà phát triển dự án từng có mặt ở khu Đông TP HCM đã dịch chuyển nguồn cung về phía Nam thành phố. Ảnh: Q.H
Bên cạnh Phú Mỹ Hưng vẫn sẽ tiếp tục chiến lược lấp đầy khu đô thị lớn nhất thành phố bằng nhiều sản phẩm mới như quỹ đạo của 2 thập niên trước, khá nhiều doanh nghiệp địa ốc lên kế hoạch công bố dự án mới tại khu Nam TP HCM năm 2016. Đó là các nhà phát triển dự án khá quen thuộc: Hưng Lộc Phát, An Gia, Sacomreal... và một số đơn vị có quy mô vừa và nhỏ hơn.
Từ quý IV/2015, các chuyên gia bất động sản đã dự báo rằng dù thành phố phát triển đa cực nhưng nguồn cung mới chỉ tập trung vào 3 điểm nhấn phía Đông, Nam và Tây, trong đó trục Đông và Nam sẽ thay phiên nhau dẫn đầu tùy từng chu kỳ.
Theo chuyên gia Phạm Văn Hải, năm 2015 ước tính nguồn cung sơ cấp toàn thị trường khoảng hơn 20.000 sản phẩm nhà ở mới. Xét về nguồn hàng và giá trị vốn hóa, khu Đông dẫn đầu (chiếm 50% nguồn cung toàn thị trường), kế đến là khu Nam (chiếm 25% nguồn cung). Căn cứ vào dữ liệu này, năm 2015 khu Nam lép vế hoàn toàn so với trục phía Đông.
Tuy nhiên ghi nhận của VnExepress, năm 2016 thị trường đang xuất hiện xu hướng dịch chuyển khỏi khu Đông để tiếp cận những địa bàn mới, đặc biệt là khu Nam với tốc độ khá nhanh. Chủ tịch HĐQT một công ty địa ốc có trụ sở tại quận 1, TP HCM đánh giá: "Vì nhu cầu đa dạng hóa sản phẩm, thay đổi khẩu vị cho thị trường, tránh sự dồn ứ nguồn cung cục bộ, các chủ đầu tư đang đi trước một bước là dịch chuyển về khu Nam, nơi không bùng nổ nhưng ổn định hơn để tìm sự cân bằng".
Tổng giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư Nam Phát, Nguyễn Mạc Hoài Nam phân tích, có rất nhiều lý do khiến một số doanh nghiệp bất động sản quyết định dịch chuyển nguồn cung từ khu Đông về khu Nam. Chuyên gia này dự báo: "Đây là chiến lược có toan tính trước". Ông chỉ ra 3 lý do chính dẫn đến sự thay đổi này.
Thứ nhất, giá đất khu Nam còn rẻ, khu Đông đã tăng quá nhanh. So với phần còn lại của thị trường, giá đất khu Đông đã tăng mạnh nhất TP HCM trong năm 2015. Điều này khiến cho chi phí đầu tư vào quỹ đất ở khu Đông tăng lên và khó tiếp cận hơn. Trong khi đó, giá đất khu Nam "mềm" hơn và dễ tiếp cận hơn là một lợi thế rất lớn.
Thứ hai, quỹ đất khu Nam dồi dào hơn khu Đông. Do đặc thù có nhiều kho bãi, trạm chứa hàng diện tích lớn đã di dời và chuyển mục đích sử dụng, cộng thêm giá rẻ hơn, khu Nam trở thành điểm đến cho các nhà phát triển địa ốc muốn xây dựng các công trình nhà ở có quy mô từ trung bình trở lên.
Thứ ba, tiện ích, dịch vụ của khu Nam do Phú Mỹ Hưng phát triển khá đồng bộ, kết nối tốt, hình thành một cộng đồng lớn, kiến tạo hoàn chỉnh các dịch vụ giáo dục, y tế, mua sắm, giải trí sầm uất, sẵn sàng để an cư. Do đó, phát triển dự án mới tại khu vực này dễ bán, dễ cho thuê.
Nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng giảm nhiệt điểm nóng khu Đông bằng các sản phẩm giá cạnh tranh ở khu Nam là chiến lược khôn ngoan. Đầu năm 2016 nhiều doanh nghiệp địa ốc đã thừa nhận nỗi lo thị trường nóng sốt.
"Chính vì vậy, họ có xu hướng tìm kiếm thị trường có giá cả cạnh tranh, ít sôi động hơn để giảm áp lực thừa cung cục bộ. Sự dịch chuyển này không thuần túy thay đổi vị trí mà còn thay đổi cả phân khúc hàng hóa", ông nói.