Được Hiệp hội BĐS TP.HCM đề nghị xếp vào nhóm khu vực đất giá trị nhất từ tháng 3/2015, Quận 2 đang thu hút các nhà đầu tư BĐS tìm kiếm cơ hội đón đầu thị trường.
Có gì lạ trên thị trường BĐS TPHCM trong 3 tháng cuối năm?
- Cập nhật : 18/09/2015
(Tin kinh te)
Trong quý cuối của năm 2015, nhiều chuyên gia khẳng định rằng đây là giai đoạn phát triển “cực thịnh” của thị trường BĐS Tp.HCM, thời điểm khi mà các luật và quy định liên quan đến thị trường bắt đầu phát huy tác dụng.
Tóm tắt
Tính từ quý 4/2014 đến hết quý 3/2015, giá nhà ở tại mọi phân khúc trên thị trường hầu như không có sự biến động mạnh, vẫn không vượt qua biên độ từ 3-5%.
Không như trước đây, nhà đầu tư nước ngoài thường tìm kiếm các dự án cao ốc văn phòng, trung tâm bán lẻ, thì nay họ lại tích cực “săn” các dự án khu dân cư đầu tư để đáp ứng nhu cầu nhà ở thật đang tăng cao trong cả nước.
Theo quan sát, từ tháng 9 đến hết tháng 11/2015 thị trường sẽ chứng kiến một cuộc ra quân khá rầm rộ của doanh nghiệp kinh doanh BĐS.
Giá nhà vẫn trong biên độ 3-5%
Về yếu tố vĩ mô, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định rằng so với khu vực, tăng trưởng GDP của Việt Nam khoảng 5-7%. Việt Nam là đất nước trẻ với độ tuổi từ 20-40 tuổi chiếm 60% và nhu cầu nhà ở Việt Nam rất lớn do tình hình nhập cư và quá trình đô thị hóa mạnh mẽ. Vì vậy, nếu không có những khủng hoảng ngoài ý muốn thì thị trường BĐS Việt Nam sẽ phát triển tốt và có nhiều cơ hội so với khu vực.
Kết hợp với đó, thời điểm cuối năm người dân vẫn có tâm lý mua nhà nhiều hơn sau một thời gian dài tích cóp. Quan trọng hơn hết, nguồn kiều hối vào thị trường BĐS sẽ tăng “chóng mặt” do sẽ có một lượng lớn Việt kiều trở về quê hương mua nhà để sinh sống và làm việc vì luật đã cho phép họ sở hữu nhà dài hạn tại Việt Nam.
Còn theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư công ty Savills Việt Nam, giá nhà ở Việt Nam hiện nay tương đối hợp lý so với nhiều thành phố lớn khác trong khu vực Đông Nam Á. Tính từ quý 4/2014 đến hết quý 3/2015, giá nhà ở tại mọi phân khúc trên thị trường hầu như không có sự biến động mạnh, vẫn không vượt qua biên độ từ 3-5%.
“Đây sẽ là một chất xúc tác giúp giữ ổn định tâm lý của người mua. Nhiều dự án chào bán các giai đoạn sau thường có sự tăng giá nhẹ đều là do “kỹ thuật” bán hàng của từng phân kỳ. Qua đó, việc tăng giá này còn cho những người đã mua nhà ở giai đoạn 1 hoặc 2 cảm thấy rằng giá trị gia tăng căn nhà mình đã mua sinh lợi tốt trong một thời gian ngắn. Giá nhà không phải là yếu tố gì lớn lao nếu tính đến mức độ trượt giá của đồng tiền thời gian qua và các yếu tố đầu vào cho một dự án BĐS”, ông Khương phân tích.
Cái quan trọng nữa là, ông Khương cho rằng thị trường BĐS hiện nay mang nhiều yếu tố nước ngoài. Không như trước đây, nhà đầu tư nước ngoài thường tìm kiếm các dự án cao ốc văn phòng, trung tâm bán lẻ, thì nay họ lại tích cực “săn” các dự án khu dân cư đầu tư để đáp ứng nhu cầu nhà ở thật đang tăng cao trong cả nước.
Tại cuộc giao lưu trực tuyến “Tư vấn về Đầu tư và mua nhà” do một báo điện tử tổ chức hôm qua (16/9), ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT công ty địa ốc Nam Long, cho biết theo tổ chức tư vấn xây dựng David Langdon and Seal năm 2015, giá nhà ở vừa túi tiền tại Tp. HCM hiện từ 25.000-60.000 USD/căn hộ 1-2 phòng ngủ. Giá nhà ở BangKok (Thái Lan) cùng phân khúc và khoảng cách vào trung tâm tương đương, từ 70.000-100.000 USD/căn 1-2 phòng ngủ. Tại Singapore, giá nhà từ 350.000-400.000 USD/căn 1-2 phòng ngủ. Ở Sydney căn hộ tương tự lên đến 500.000-600.000 USD.
Doanh nghiệp tranh thủ chiếm lĩnh thị phần
Cũng theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế, thị trường BĐS Tp.HCM chưa bao giờ chứng kiến được mức độ sôi động như hiện nay, từ việc các doanh nghiệp chuẩn bị công bố dự án mới, chiến lược tiếp cận khách hàng đến dùng “chiêu” khuyến mãi mua nhà trúng cả… du thuyền.
Theo quan sát, từ tháng 9 đến hết tháng 11/2015 thị trường sẽ chứng kiến một cuộc ra quân khá rầm rộ của doanh nghiệp kinh doanh BĐS. Mỗi doanh nghiệp đều có những dự án cạnh tranh cao, trong đó những dự án có yếu tố vốn nước ngoài và nhà ở giá trung cấp vẫn là tâm điểm của thị trường.
Làm “khuấy động” thị trường BĐS Tp.HCM mạnh nhất là mới đây, công ty BĐS Novaland “tung” ra thị trường 7 dự án nhà ở nằm tại một số vị trí khá đắc địa như Tân Bình, Phú Nhuận, quận 10, huyện Nhà Bè. Tiếp theo đó, công ty Cổ Phần đầu tư Bất động sản Hưng Lộc Phát đã công bố dự án cao ốc Hưng Phát 2 (Hưng Phát Silver Star) tại huyện Nhà Bè. Tập đoàn C.T. Group vào cuối tuần này sẽ giới thiệu ra thị trường dự án mới có thương hiệu C.T. Plaza Nguyên Hồng với 287 căn hộ tại quận Gò Vấp.
Tuy chỉ là cái tên mới nổi trong làng địa ốc Tp.HCM nhưng Công ty An Gia đã khá nhanh tay trong các thương vụ mua bán dự án và thu hút vốn ngoại. Doanh nghiệp này vừa cho biết vào đầu tháng 10 tới sẽ công bố dự án căn hộ cao cấp ở khu Nam Tp.HCM, trên khu đất được mua lại từ một doanh nghiệp địa ốc khác. Được biết, đây là dự án đầu tiên trong chiến lược hợp tác vốn đầu tư theo tỷ lệ 50/50 giữa An Gia với Quỹ đầu tư Creed Group của Nhật Bản.
Một tên tuổi mới nổi khác, công ty TNHH Đầu tư Địa ốc Tiến Phát (con của công ty Hòa Bình House) dự kiến từ nay đến cuối năm 2015 sẽ cho ra thị trường 2 dự án nhà ở cao cấp mới. Cả hai dự án này đều được đầu tư phát triển tại Bến Vân Đồn, quận 4 – khu vực “nóng” của dòng dự án cao cấp tại Tp.HCM hiên nay.
Công ty Địa ốc Phú Long cũng vừa tiết lộ kế hoạch trong tháng 10 sẽ tung ra thị trường giai đoạn 2 Dự án căn hộ Dragon Hill Residences and Suites 2, dự án thành phần trong Khu đô thị Dragon City. Ngoài dự án này, kế hoạch của Phú Long từ đây đến cuối năm cũng sẽ tung ra thị trường 2 khu biệt thự trong Dự án Dragon City.
Ông Sử Ngọc Khương – Giám đốc Đầu tư công ty Savills Việt Nam:
Nói chung thị trường trong những tháng cuối năm sẽ tốt lên rất nhiều, các giao dịch, mua bán dự án sẽ tăng mạnh. Về nguồn cung, chúng ta không thể nói là phân khúc nào đang cao và phân khúc nào không được chú ý đầu tư. Các chủ đầu tư đều có chiến lược định vị từng phân khúc khách hàng khác nhau, từ đó phát triển dự án BĐS cao hay thấp. Một khi họ định vị sai phân khúc thì tác động đầu tiên luôn thuộc về họ. Kế tiếp, nếu họ sử dụng đòn bẫy tài chính quá lớn từ phía ngân hàng, cả hai đều “kéo” nhau vào khó khăn.
Đăng Khải
Theo Trí thức trẻ, CafeF