Nếu như trước đây bất động sản cao cấp là món hàng xa xỉ trong giới đầu tư thì hiện nay, theo nhận định của giới chuyên gia, địa ốc hạng sang là kênh sinh lời hấp dẫn và an toàn hơn cả.
Bùng nổ tranh chấp chung cư: Điêu đứng vì chờ nhà
- Cập nhật : 01/10/2015
(Bat dong san)
Hàng trăm người mua căn hộ tại dự án Petrovietnam Landmark (Q.2, TP.HCM) từ 6 năm nay đã trông đứng trông ngồi ngày giao nhà, nhưng đến nay dự án chỉ mới xây xong phần thô.
Mua từ khi sinh, con đi học vẫn chưa nhận được nhà
Dự án Petrovietnam Landmark được giới thiệu là tổ hợp khu chung cư cao cấp, trung tâm thương mại, văn phòng do Công ty CP bất động sản xây lắp dầu khí Việt Nam (PVCLand) làm chủ đầu tư. Dự án xây dựng 4 block căn hộ cao từ 17 - 21 tầng, giá bán ban đầu khoảng 23,8 triệu/m2. Tuy nhiên, thời điểm mở bán dự án rơi vào ngay lúc thị trường bất động sản đóng băng, nên đến khoảng năm 2009 chủ đầu tư đã làm “cuộc cách mạng” khi đại hạ giá còn khoảng 15,5 triệu/m2, đã thu hút rất đông khách hàng. Hàng trăm căn hộ đã được bán hết. Theo hợp đồng, đến tháng 12.2011 chủ đầu tư phải bàn giao xong nhà cho khách hàng. Nhưng theo chị Yến, một người mua căn hộ tại đây, hiện phần lớn khách hàng đã đóng đến 80% tiền mua, thậm chí có người đóng 102% (bao gồm 2% phí bảo trì)... mà dự án mới làm xong phần xây thô rồi dừng lại từ 4 năm nay. Trong khi đó, rất nhiều lãnh đạo công ty này đã vào “khám” vì dính líu đến những bê bối, làm thất thu vốn tại dự án. Điều này khiến hàng trăm khách hàng như ngồi trên đống lửa khi dự án ngưng trệ, còn chủ đầu tư thì… lẩn tránh.
Trong lần kéo đến vây công ty để đòi nhà mới đây, một khách hàng cho biết khi chị mua căn hộ con chị mới sinh, còn bây giờ bé đã bắt đầu đi học mà chị chưa nhận được nhà. “Tôi mua căn hộ 70 m2 giá 1,6 tỉ đồng. Đến nay nhà chưa thấy đâu, gia đình vẫn phải đi ở trọ. Mỗi lần nghĩ đến dự án này tôi lại ấm ức khóc”, chị nói.
Nhiều người mua nhà tại dự án đã lâm vào cảnh nợ nần, gia đình “xào xáo” khi nhà nhận không được còn tiền lãi ngân hàng vẫn ngày ngày phải đóng. “Tôi vay gần 800 triệu đồng để mua căn hộ này, tháng nào cũng đóng lãi ngân hàng suốt mấy năm nay mà nhà không thấy đâu, đã vậy còn mất tiền thuê nhà. Hai vợ chồng suốt ngày cãi nhau cũng liên quan đến căn nhà. Chính vì căn nhà này đã làm gia đình tôi bất ổn mấy năm nay”, chị Hạnh, một khách mua căn hộ, bức xúc. Tương tự, một khách hàng tên Thanh nói: “Để mua được căn hộ hơn 1,5 tỉ đồng ở đây, gia đình tôi phải đi vay cả ngân hàng và bên ngoài 1 tỉ đồng. Mỗi tháng gia đình tôi phải còng lưng trả lãi ngân hàng hơn 13 triệu đồng mà nhà thì không có. Chúng tôi đã chờ đợi mấy năm trời, nhưng chủ đầu tư lẩn tránh trách nhiệm”.
Chủ đầu tư hứa và… hứa
Trong mấy năm qua, chúng tôi đã nhiều lần theo chân khách hàng đến văn phòng chủ đầu tư để làm việc nhưng họa hoằn lắm mới gặp được người đứng đầu công ty. Trong những lần đó, chủ đầu tư đều hứa sẽ tiếp tục thi công dự án trở lại. Thế nhưng đến nay nhà vẫn không thấy đâu và chủ đầu tư cũng liên tục thất hứa, thậm chí “phủi” trách nhiệm. Quá bức xúc, khách hàng đã kéo đến “quậy tưng” trụ sở Tập đoàn dầu khí VN nhưng cũng vô vọng.
Quá mệt mỏi vì gánh nặng lãi, vì phải đi thuê nhà, vì lục đục gia đình, nhiều khách hàng của dự án này đều cho biết họ sẵn sàng đóng tiền thêm để chủ đầu tư hoàn thiện dự án, thậm chí sẵn sàng nhận nhà thô, tự góp tiền thuê nhà thầu để làm dự án. Nhưng chủ đầu tư đều “lắc đầu”. “Chúng tôi chỉ muốn gặp chủ đầu tư để bàn cách giải quyết. Khách hàng sẵn sàng đóng thêm tiền để chủ đầu tư hoàn thiện dự án hoặc chủ đầu tư có thể giao hiện trạng nhà hiện nay xây thô cho khách hàng để chúng tôi huy động vốn từ các nguồn khác nhau tự hoàn thiện căn hộ và các tiện ích. Đã đến mức như vậy mà họ vẫn liên tục lẩn tránh”, một khách hàng tên Thảo bức xúc.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thùy My, đại diện nhiều khách hàng tại Petrovietnam Landmark, cho biết: “Chúng tôi đã làm đơn kêu cứu lên lãnh đạo UBND TP, Công an TP và các bộ ngành để vào cuộc giải cứu cư dân chứ để chủ đầu tư họ cứ lần lữa mãi”.
Trao đổi với PV Thanh Niên, một lãnh đạo PVCLand nói “đã cố gắng hết sức” nhưng không thể giải quyết vì thuộc thẩm quyền xử lý của PVC là công ty mẹ và Tập đoàn dầu khí.
(Theo Báo Thanh Nien)