Thủ tục lúc nào cũng đúng nhưng thực ra luôn có kẽ hở để những người có quyền lực, bằng tài chính, kinh tế, có thể lách qua...
Bất động sản vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro
- Cập nhật : 01/04/2016
Theo Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, toàn thành phố hiện có 1.409 dự án, nhưng trong đó, đã có đến 190 dự án bị thu hồi, hủy bỏ chủ trương đầu tư hoặc hết hạn đầu tư. Trong 1.219 dự án còn hiệu lực triển khai, lại có đến 405 dự án chưa khởi công; trong số 325 dự án đã khởi công thì có tới 97 dự án đã phải tạm ngưng thi công.
Như vậy, số lượng các dự án bị thu hồi, tạm ngưng thi công và chưa khởi công đã lên đến 692, chiếm 49,1% tổng số dự án. Như vậy, rõ ràng thị trường BĐS phía Nam vẫn chưa thực sự ấm đều, trong khi đã bắt đầu tiềm ẩn những nguy cơ phát triển nóng, không phản ánh đúng với tình hình thực tế.
Điểm mặt chỉ thấy một số dự án của vài công ty BĐS có thương hiệu như NovaLand, Hưng Thịnh, Khang Điền… là chọn đúng được điểm rơi của thị trường, cũng như đưa ra được chiến lược về giá phù hợp nên lượng bán khá tốt. Và nếu nhìn rộng ra toàn cảnh thị trường, thì thậm chí ngay ở khu vực đang có sức hấp dẫn cao như phía Đông và Nam TP. Hồ Chí Minh, thì cũng không nhiều dự án "xuôi chèo mát mái". Thậm chí, một vài dự án phải tìm đối tác khác để bán sang tay do không nhận được sự quan tâm của khách hàng, lượng giao dịch thành công ít dù đã tung ra nhiều hình thức khuyến mại, giảm giá bán.
Theo nhận định của các chuyên gia, thị trường BĐS vừa ấm lên được vài ba năm nay, tuy nhiên không đều. Phần lớn các dự án chung cư, đất nền bán được và khách hàng tìm mua nhiều đều tập trung ở một vài dự án của các chủ đầu tư có uy tín, tiềm lực tài chính mạnh trên thị trường.
Ngoài yếu tố chất lượng công trình đảm bảo, hoàn thành tiến độ theo đúng cam kết ban đầu, giá cả phù hợp, còn phải kể đến sự đồng hành của các tổ chức tín dụng, ngân hàng hướng nguồn tiền cho vay vào khách mua, người có nhu cầu sở hữu căn hộ thực sự.
Theo Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (Horea), năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, thị trường BĐS đã có sự tăng trưởng rất mạnh trên tất cả các phân khúc, quy mô tăng gần gấp đôi so với năm 2014. Trong đó, phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư tăng trưởng khá mạnh; nhà ở thương mại có giá bán vừa túi tiền, trên dưới 1 tỷ đồng/căn hộ là phân khúc "trụ cột" của thị trường, đáp ứng nhu cầu thật sự của phần lớn người tiêu dùng. Quy mô tín dụng vào thị trường BĐS TP. Hồ Chí Minh đạt khoảng 140.000 tỷ đồng, chiếm 12,3% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn, khá cao so với mức 10,3% của cả nước...
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Horea cho biết, bên cạnh mặt tích cực, thị trường BĐS đang tiềm ẩn những yếu tố bất ổn, đáng quan ngại. Cụ thể, thời gian gần đây đã bắt đầu xuất hiện dấu hiệu phát triển nóng, có xu hướng tăng rất mạnh các dự án BĐS cao cấp. Số lượng người kinh doanh thứ cấp, phần lớn nhằm mục đích mua đi bán lại cũng tăng gấp 3 lần, chiếm khoảng 15% giao dịch.
Giá bán BĐS cao cấp tại nhiều dự án cũng tăng từ 5% đến trên dưới 15% so với năm 2014... Đây chính là những yếu tố tiềm ẩn rủi ro, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường. Vì vậy, khách hàng vẫn nên cẩn trọng với các quyết định đầu tư để tránh bị cuốn theo vòng xoáy của thị trường như những năm trước đây.
Minh Tuyết
(Thời báo Ngân hàng)