Trao đổi với chúng tôi, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM cho rằng, thị trường 2015 đã ấm dần song vẫn còn tiềm ẩn yếu điểm, sẵn sàng hình thành nguy cơ vỡ trận nếu có tác động.
"Không nên để thị trường bất động sản phát triển quá nóng"
- Cập nhật : 16/12/2015
(Bat dong san)
Sau cuộc khủng hoảng vừa qua, các DN đã có những bài học kinh nghiệm để sàng lọc trong tích lũy và đầu tư vào bất động sản (BĐS), tuy nhiên chúng ta vẫn phải hết sức cảnh giác để kiểm soát rủi ro, không để lặp lại tình hình trước đây. Đây là chia sẻ của chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực bên lề hội thảo “Dự báo xu hướng BĐS năm 2016" mới được tổ chức.
Xin cho biết đánh giá chung của ông về thị trường BĐS trong năm 2015?
Trong năm 2015, tín dụng đổ vào BĐS tăng 15-16%, dòng vốn FDIvào BĐS 11 tháng đầu năm khoảng 2,3 tỷ USD, gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, có một điểm cần lưu ý, việc BĐS phát triển bền vững hay không là điều rất quan trọng, do đó không nên chủ quan với sự phát triển nóng, với việc đầu cơ quay trở lại. Tất nhiên hiện nay Chính phủ, các bộ, ngành liên quan rất quan tâm đến vấn đề này. Các định chế ngân hàng đã rút bài học kinh nghiệm từ trước đây nên hy vọng rằng với những cải tiến mới, thị trường BĐS phát triển bền vững hơn.
Ông dự báo như thế nào về xu hướng thị trường BĐS năm 2016?
Kinh tế thế giới năm 2016 được dự báo sẽ phục hồi tốt hơn năm nay một chút, cùng với đó, Việt Nam đang hội nhập sâu, có những dòng vốn đầu tư đang quay trở lại Việt Nam. Như vậy, năm 2016 là năm của nhiều cơ hội, vấn đề là chúng ta sẽ nắm bắt cơ hội như thế nào.
Năm 2016 cũng là năm của tăng trưởng nhưng hy vọng mức tăng trưởng sẽ không bị nóng quá. Trong bối cảnh đó, BĐS sẽ ấm hơn, có những cú sàng lọc mạnh hơn, thí dụ Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở (có hiệu lực từ 1-7-2015) là những cú hích liên quan đến dòng vốn đầu tư nước ngoài, người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam. Tôi cho rằng BĐS Việt Nam năm 2016 sẽ ấm lên nhưng chúng ta không thể chủ quan, không nên để thị trường phát triển quá nóng và luôn phải cảnh tỉnh điều đó.
Các luật liên quan mới được ban hành có tác động như thế nào đến thị trường BĐS, thưa ông?
Luật Kinh doanh BĐS và Luật Nhà ở 2014 (sửa đổi) là những luật “mở” so với trước đây. Luật Nhà ở cho phép người nước ngoài mua nhà, Luật Kinh doanh BĐS về cơ bản mong muốn quản lý BĐS bài bản hơn, hướng tới thông lệ quốc tế. Theo đó, các luật này đã và đang sàng lọc các DN BĐS về vốn, sự minh bạch trong sản xuất kinh doanh để hoạt động chuyên nghiệp hơn, không đầu cơ lướt sóng. Thời gian qua, một số văn bản hướng dẫn thi hành luật đã được ban hành, trong quá trình thực thi cũng phát sinh những vướng mắc, rất mong các cơ quan chức năng sớm tháo gỡ để thị trường BĐS sớm đi vào guồng quỹ đạo tốt hơn.
Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ cho vay mua nhà ở sắp hết thời hạn giải ngân. Theo ông, gói tín dụng này đã có tác động như thế nào đến thị trường trong thời gian qua?
Gói 30.000 tỷ là một cú hích đối với thị trường BĐS trong bối cảnh thị trường BĐS đi xuống vào năm 2013. Bên cạnh vai trò thúc đẩy thị trường thì trong bối cảnh dòng vốn vào BĐS khó khăn, nợ xấu cao… gói tín dụng 30.000 tỷ là một sáng kiến quan trọng thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đến an sinh xã hội.
Thời gian qua các cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng để tăng tốc độ giải ngân, đạt ngưỡng gần như kỳ vọng. Cụ thể, đến nay cam kết cho vay của gói tín dụng này đã đạt tỷ lệ khoảng 75%, trong đó đã giải ngân được khoảng 45%. Tuy nhiên, do đây là lần đầu tiên chúng ta có gói tín dụng hỗ trợ nhà ở nên trong quá trình thực hiện còn nhiều vướng mắc và hy vọng những vướng mắc sẽ được tháo gỡ trong thời gian tới để gói tín dụng này là cú hích trọn vẹn đối với thị trường BĐS.
Ông nhận định như thế nào về khả năng bong bóng BĐS quay trở lại?
Việc cảnh báo để kiểm soát rủi ro không bao giờ là thừa. Tuy nhiên, nhìn về những thông số thị trường hiện nay cho thấy chưa thấy dấu hiệu bong bóng. Theo tôi, có một số tín hiệu quan trọng để có thể dẫn đến tình trạng bong bóng trong thị trường BĐS. Trước hết, khi giá BĐS nhảy vọt, tăng lên khoảng 30-40% và tăng với tốc độ cực kỳ nhanh. Thứ hai là dòng vốn đổ vào BĐS. Hiện nay tín dụng đổ vào BĐS tăng khoảng 14-15% nhưng tỷ trọng cho vay BĐS ở mức khoảng 8% tổng dư nợ hiện nay, đây không phải là mức quá lớn so với thời điểm cao điểm (khoảng 14-15% tổng dư nợ). Sau cuộc khủng hoảng khó khăn vừa qua cả DN cũng như các định chế tài chính cũng đã có những bài học kinh nghiệm để sàng lọc trong tích lũy và đầu tư vào BĐS, tất nhiên chúng ta vẫn phải hết sức cảnh giác để kiểm soát rủi ro, không để lặp lại tình hình trước đây.
Đánh giá của ông về các phân khúc nhà ở trên thị trường hiện nay?
Hiện nay thị trường BĐS có 5 phân khúc cơ bản: căn hộ để bán, nhà cho thuê, biệt thự, bán lẻ, nhà cao cấp. Về cơ bản tất cả các phân khúc đều có những phục hồi nhất định, tuy nhiên mức độ khác nhau. Hiện nay phân khúc nhà ở trung bình và thấp còn nhiều nhu cầu, bán hàng khá chạy còn phân khúc ở mức độ cao cấp hơn bán hàng chưa tốt vì cung cầu chưa gặp nhau. Phân khúc villa, nhà liền kề cũng bán chạy hơn ở quý III nhưng cần phải theo dõi tiếp tục vì nhiều khi chỉ là thời điểm nhất định. Tuy nhiên, đánh giá chung 2016 tiếp tục là một năm BĐS ấm lên và chúng ta cũng tiếp tục cần theo dõi để không xảy ra bong bóng BĐS.
Xin cảm ơn ông!