Cựu cố vấn Glenn Hutchins của cựu Tổng thống Mỹ Bill Cliton cho rằng ông Donald Trump đã đánh trúng tâm lý của người dân Mỹ nhưng ứng của viên của Đảng Cộng hòa lại không có phương thuốc phù hợp để giải quyết các vấn đề của nền kinh tế số 1 thế giới.
Chính sách đối ngoại của Hillary và Trump khác nhau ra sao?
- Cập nhật : 05/06/2016
Trung Quốc
Donald Trump: tỉ phú Trump thường xuyên đề cập đến Trung Quốctrong các bài diễn văn, đôi khi mô tả nước này là đồng minh của Mỹ nhưng cũng thường xuyên cho rằng Trung Quốc là kẻ thù lớn nhất, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế.
Ông Trump cũng dán cho Trung Quốc cái mác chi phối tiền tệ, làm ngơ trước nạn tin tặc và đe dọa đánh thuế nhập khẩu của Trung Quốc nếu nước này không ký lại các thỏa thuận thương mại.
Tỉ phú Trump cũng muốn tăng cường sự hiện diện của Mỹ tại Biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền một số đảo tại đây.
Trong nỗ lực kéo các nhà máy sản xuất trở lại Mỹ, ông Trump hứa cắt giảm thuế đến 15%. Ông cũng hứa sẽ phạt nặng tội ăn cắp trí tuệ và tăng trợ cấp để nâng cao năng lực xuất khẩu.
Ông Trump phản đối Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bao gồm Mỹ, Nhật và 10 nước khác.
Hillary Clinton: cựu ngoại trưởng Mỹ nhiều lần chỉ trích vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc. Bà thường xuyên gọi quan hệ Mỹ - Trung là "một trong những mối quan hệ tạo thách thức nhất", nhưng cũng đồng thời nói hai nước chia sẻ "mối quan hệ tích cực, hợp tác và toàn diện".
Trong giai đoạn làm ngoại trưởng Mỹ trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Obama, bà Clinton tự nhận đã có nhiều thúc đẩy buộc Trung Quốc thỏa thuận tiêu chuẩn khí thải nhà kính mới. Trong năm 2010, bà Cliton có bài diễn văn tập trung vào vấn đề tự do mạng đồng thời chỉ trích Trung Quốc, Tunisia và Uzbekistan "đẩy mạnh kiểm duyệt mạng", trong đó Trung Quốc bị nhắc đến 10 lần.
Dù đã từng ủng hộ các cuộc đàm phán của Hiệp định TPP nhưng giờ đây bà Clinton lại đưa ý kiến chống hiệp định. Trong năm 2009, bà là một trong các quan chức Mỹ phát động cuộc gặp thường niên Mỹ - Trung bàn về chiến lược và kinh tế.
Châu Âu
Donald Trump: Nhiều lần chỉ trích dữ dội lãnh đạo các nước châu Âu không có biện pháp đủ mạnh để ngăn khủng bố xâm nhập. Ông Trump đặc biệt chỉ trích Pháp, Bỉ có những điều luật gây khó khăn cho nhân viên an ninh chống các đợt khủng bố. Tỉ phú Trump cũng khẳng định các luật khắt khe cấm sở hữu vũ khí của châu Âu khiến người dân vô tội không thể tự vệ trước khủng bố.
Tờ Hollywood Reporter dẫn lời ông Trump rằng Anh nên rời khỏi EU. Rộng hơn, ông còn nói Đức và nhiều nước khác cần phải trả phí quân sự cho Mỹ, nếu không sẽ mất sự ủng hộ của Mỹ.
Hillary Clinton: Thường xuyên nói về việc ủng hộ đồng minh Mỹ tại châu Âu. Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh châu Âu phải kiểm soát chặt chẽ hơn dòng người nhập cư từ Iraq và Syria. Đặc biệt, bà Clinton cảnh báo Anh không được rời EU và thực hiện chiến dịch kêu gọi châu Âu phải đoàn kết, trong đó tiếng nói của Anh là một phần của EU.
Người nhập cư
Donald Trump: Kêu gọi lấy tiền từ Mexico để xây dựng một bức tường dài 1.600km bảo vệ biên giới phía nam của Mỹ. Và từ nay cho tới khi bức tường được xây, ông Trump đề nghị tịch thu tất cả tiền người Mexico làm chui kiếm được tại Mỹ gửi về quê nhà. Ông cũng đề nghị trục xuất 11 triệu người nhập cư chưa có giấy tờ tại Mỹ và tăng mức phạt đối với những người quá hạn visa. Đồng thời, tỉ phú Trump cũng kêu gọi chấm dứt luật "công dân khi sinh", trong đó quy định cấp quốc tịch Mỹ cho bất kỳ đứa trẻ nào sinh tại Mỹ.
Hillary Clinton: Kêu gọi một cuộc đại tu toàn diện luật nhập cư, trong đó có lộ trình cấp quyền công dân cho những người đang ở Mỹ bất hợp pháp. Bà ủng hộ việc không trục xuất hàng triệu người nhập cư lậu vào Mỹ.
IS/Syria
Donald Trump: Không đưa ra chi tiết kế hoạch triệt hạ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) vì như vậy sẽ mất đi tính bất ngờ. Ông cho rằng để diệt trừ IS cần 30.000 lính Mỹ nhưng khẳng định sẽ không triển khai một lượng lớn binh lính như vậy. Tỉ phú Trump cũng hứa sẽ tịch thu các mỏ dầu của IS tại Iraq, Syria và Lybia, đồng thời cho rằng Tổng thống Syria Bashar al-Assad là "không tốt".
Để đối phó với các đối tượng tình nghi khủng bố, ông Trump hứa sẽ thay đổi luật quốc tế hiện không cho sử dụng tra tấn. Ông cũng đề nghị xử tử gia quyến của các thành viên khủng bố để tạo tính răn đe.
Hillary Clinton: Lực lượng Hồi giáo Sunni và người Kurd phải đóng vai trò lớn hơn trong việc chống IS. Song song đó, bà cũng kêu gọi tăng cường oanh kích tại Iraq và Syria để diệt trừ IS.
Bà Clinton cũng yêu cầu tăng cường mặt trận an ninh mạng nhằm dập tắt các kế hoạch tuyển hoặc tấn công của IS trên mạng. Tuy nhiên, bà không đưa ra kế hoạch chi tiết. Bà Clinton cũng đề xuất Mỹ phải đóng vai trò lớn hơn trong việc giải quyết khủng hoảng nhân đạo do làn sóng di cư khổng lồ từ Syria.
Điểm khác biệt lớn nhất trong vấn đề IS giữa bà Hillary và ông Trump chính là việc bà Hillary muốn thiết lập vùng cấm bay trên không phận Syria, điều đẩy Mỹ đi đến đối đầu trực tiếp với Nga.
Nga
Donald Trump: Ngài tỉ phú thả nổi ý tưởng "xóa bài làm lại", thành lập một liên minh mới với Nga nhằm xoa dịu căng thẳng ở Syria cũng như nhiều nơi khác. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng dành nhiều lời khen ngợi cho ông Donald Trump.
Hillary Clinton: Từng gọi ông Putin là "kẻ côn đồ" và dùng từ rắc rối để mô tả mối quan hệ Mỹ - Nga. Vào cuối nhiệm kỳ ngoại trưởng, bà từng viết thư riêng cho Tổng thống Obama, mô tả quan hệ Mỹ - Nga đang xuống nốt cực trầm.
Hiện quan hệ Mỹ - Nga vẫn đang căng thẳng và thái độ của các quan chức Nga đối với ông Trump có phần cởi mở hơn so với bà Hillary. Một trong những chính sách đối ngoại táo tợn của Nga những năm gần đây, mà phải kể đến việc sáp nhập Crimea, diễn ra sau khi bà Hillary rời chức vụ.
Triều Tiên
Donald Trump: Ngài tỉ phú tuyên bố sẽ gây áp lực lên Trung Quốc buộc nước này ngăn chặn chương trình phát triển hạt nhân của Triều Tiên và gọi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jung Un là "kẻ rồ".
Ngược lại, truyền thông Triều Tiên lại gọi ông Trump là "chính khách khôn ngoan" khi tỉ phú Trump cho rằng sẽ đối thoại trực tiếp với Kim Jung Un và đe dọa rút quân Mỹ khỏi Hàn Quốc.
Hillary Clinton: Hứa hẹn tăng mức trừng phạt dành cho Triều Tiên nhằm buộc nước này từ bỏ chương trình hạt nhân.
Theo Đ.K.L.
Tuổi Trẻ