tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Chủ tịch Hòa Phát: 3 năm tới không đáng lo ngại, về lâu dài phải chuẩn bị cho FTA

  • Cập nhật : 13/08/2015

(Kinh doanh)

15 ngày đầu tháng 7 giá phôi thép giảm 40-50$/tấn khiến DN thép “choáng váng". Mặc dù nhận định từ nay đến cuối năm giá thép thế giới tiếp tục xu hướng giảm, song Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long vẫn tự tin sẽ đạt lợi nhuận ít nhất bằng năm ngoái sau kết quả kinh doanh ấn tượng quý II.

Quý II/2015 “đóng cửa tiền vẫn về

 

Nhận định về thị trường thép cuối năm 2015, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát cho rằng chưa bao giờ ngành thép xấu như hiện nay, thứ nhất là công suất của ngành thép trung Quốc tên tới 1 tỷ tấn, GDP Trung Quốc 7% rất thấp so với trước đây, tiêu thụ thép của Trung Quốc thấp khiến Trung Quốc phải đẩy mạnh xuất khẩu ra bên ngoài.

Ông Long nhận định giá thép từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục theo chiều hướng đi xuống. Người đứng đầu tập đoàn cho rằng chưa bao giờ tiêu thụ thép Trung Quốc giảm như bây giờ, trong 15 ngày đầu tháng 7 giá phôi thép giảm 40-50$/tấn (tính theo tiền Việt Nam giá thép giảm 1 triệu đồng/tấn khiến các doanh nghiệp kinh doanh thép choáng váng.

Tuy vậy, kết quả tiêu thụ thép của Hòa Phát trong 6 tháng đầu năm 2015 rất ấn tượng, sản lượng bán hàng thép xây dựng đạt 675.000 tấn, tăng 52% năm ngoái trong đó tiêu thụ ở miền Bắc 72%, miền trung 13%, miền Nam 12% và xuất khẩu 3%, thị phần thép xây dựng của Hòa Phát đứng đầu thị trường đạt 22%; ống thép tiêu thụ 196.000 tấn, tăng 44% cùng kỳ, thị phần đạt 22%.

Đạt được kết quả này, theo ông Long là nhờ trong quý II/2015 lần đầu tiên toàn bộ ngành thép tăng trưởng ấn tượng 24% khiến Hòa Phát hưởng lợi, chính sách của Hòa Phát “ăn chắc”, cẩn thận, kiên định nên quý II có thể nói vui “đóng cửa tiền vẫn về”.

Theo ông Long, mặc dù ngành thép gặp khó khăn nhưng Hòa Phát vẫn tăng trưởng vì BĐS Việt Nam đang hồi phục trở lại, thứ hai chất lượng của Hòa Phát giữ vững thì khi kinh tế đi lên Hòa Phát được hưởng lợi nhiều hơn các công ty khác. Năm ngoái Hòa Phát đạt 150 triệu USD lợi nhuận sau thuế, năm nay tập đoàn cố gắng phấn đấu không thấp hơn năm ngoái.

Hầu hết sản lượng tiêu thụ của thép xây dựng và ống thép đều vượt sản lượng sản xuất, con số này bao gồm cả tồn kho 2014 chuyển sang, hiện các nhà máy cán đều chạy hết công suất. HPG dự kiến 6 tháng cuối năm bán không dưới 600.000 tấn, nguyên liệu đã chuẩn bị đầy đủ. Theo ông Long, năm 2016 dự kiến bán 1.500.000 tấn khi lò cao số 3 đi vào hoạt động.

3 năm tới chưa có gì đáng ngại, không sợ thép Nga bằng thép Trung Quốc

Đánh giá về khả năng cạnh tranh trước các đối thủ khác như Forrmosa, Vosco hay gần đây nhất là Hoa Sen đang lấy ý kiến cổ đông về việc xây nhà máy thép luyện cán thép Hoa Sen công suất 5-8 triệu tấn, ông Trần Đình Long cho rằng giai đoạn đầu Formosa chưa sản xuất thép xây dựng, và Hòa Phát cũng sẽ là khách hàng tương lai của Formosa về sản phẩm thép cuộn để làm ống thép. Về nhà máy Vosco làm từ phế liệu. Còn về Hoa Sen, ông Long không đưa ra ý kiến vì ông cho rằng “với mỗi nhà sản xuất nào cũng có chính sách riêng nên tôi miễn bình luận. Về phía Hòa Phát làm gì cũng phải xem xét cụ thể, cuộc chơi nào cũng có tranh tranh nên phải tính toán kỹ”.

Theo lộ trình Hiệp định thương mại kinh tế Á-Âu dự kiến 1/1/2016 có hiệu lực thì thép mạ (ảnh hưởng đến Tôn Hoa Sen) thuế nhập khẩu về Việt Nam sẽ xuống 0% sau 7 năm và thép xây dựng (ảnh hưởng đến Hòa Phát) lộ trình giảm thuế về 0% sau 10 năm, tức là phải đến đầu năm 2026.

Ông Long đánh giá trong 3 năm tới không có gì đáng ngại, nhưng về dài hạn khi Việt Nam mở cửa và ký kết nhiều hiệp định FTA thì Hòa Phát cũng phải chuẩn bị thật kỹ để phát huy các mặt mạnh của mình đồng thời tăng năng suất, giảm chi phí và tăng các đại lý để đối phó với các FTA. Ông Long cũng cho rằng thép Nga không đáng ngại bằng thép Trung Quốc.

Vị Chủ tịch Hòa Phát cũng khẳng định việc đầu tư mở rộng phải phụ thuộc yếu tố khách quan, nhu cầu thép như thế nào, “khi mở cửa hội nhập thuế nhập khẩu thép về 0% thì chúng ta phải cạnh tranh trên sân nhà với thép ngoại”.

Cam kết với cổ đông không bị động về nguồn nguyên liệu

Về nguyên liệu quặng để luyện thép, ông Long cho biết khoảng 1-2 tháng nay phòng nhập khẩu của Hòa Phát tiếp nhiều nhà nhập khẩu quặng sắt. Ông khẳng định chắc chắn với cổ đông Hòa Phát sẽ không bị động về nguyên liệu. Hiện giá quặng nhập khẩu nhập tại tàu ở mức 53$/tấn, mua trong nước có lúc lên tới 65-70$/tấn, vừa rồi có hợp đồng mua của một mỏ ở Yên Bái 8 vạn tấn giá 70$/tấn, Hòa Phát có 2 mỏ trên Hà Giang  tạm thời đóng 1 mỏ, 1 mỏ duy trì chất lượng quặng tốt hơn.

Khi được hỏi về mỏ Thạch Khê, Chủ tịch Hòa Phát cho rằng cho dù mỏ Thạch Khê có ưu điểm nhưng cũng có nhược điểm do đó Hòa Phát vẫn phải nhập thêm bên ngoài, cách đây 1 năm Hòa Phát mua thử ở mỏ Thạch Khê nhưng sau đó vẫn phải tính toán lại. Tỷ trọng nhập khẩu bao nhiêu phụ thuộc yêu cầu sản phẩm và chất lượng quặng sắt ra sao.

(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục