Chiến tranh đã lùi xa 40 năm nhưng bao giờ cũng vậy, ngày 30/4 lịch sử luôn là một thời điểm đầy cảm xúc trên mảnh đất hình chữ S, nhất là đối với những người mà “đời lính” được nối dài trong một sứ mệnh khác: doanh nhân – người lính thời bình. Xin giới thiệu cuộc trò chuyện sau đây với cựu chiến binh, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (D2D) Nguyễn Xuân Đình về những trải nghiệm của ông ở cả hai phần đời gian khó nhưng vinh quang và thật đẹp.pẻ
Tổng giám đốc IMC: Thành công không bao giờ xuất phát từ... tự nhiên
- Cập nhật : 27/08/2015
(Tin kinh te)
Thành đạt từ khi còn rất trẻ, những năm 1980, ông Lâm Chí Thiện, khi chưa là Tổng giám đốc Tập đoàn IMC như hiện nay, đã được xem là một trong những triệu phú người Việt đầu tiên trên đất Úc.
Nhiều cơ duyên khiến ông về Việt Nam và sau đó cùng với GS. Trần Văn Khê, TS.Trần Tứ Nghĩa (Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Pháp)… được nhận bằng khen của Ủy ban Nhân dân TP.HCM vì đã đóng góp vào sự phát triển của Thành phố trong 10 năm qua. Tuy nhiên, những thành tích của ông không gây bất ngờ bằng câu chuyện ông rời chiếc ghế Giám đốc Điều hành tập đoàn công nghiệp của chính mình để "tả xung hữu đột" với IMC khi doanh nghiệp này đang ngập trong nợ nần. Càng bất ngờ hơn khi ông chỉ mất một thời gian ngắn để vực dậy IMC…
U60 phong độ
Tôi gặp ông Lâm Chí Thiện ở TP.HCM vào những ngày IMC chuẩn bị đại hội cổ đông. Công việc và các khoản chuẩn bị kéo ông vào guồng làm việc từ sáng sớm đến 6 giờ tối vẫn chưa thể rời văn phòng nhưng chẳng thấy ông mệt mỏi chút nào.
Đã bước vào hàng U60 nhưng ông vẫn giữ được sự tráng kiện của một vận động viên võ thuật và giọng hát trầm ấm trời phú. Hỏi bí quyết, ông trả lời là chẳng có gì ngoài việc giữ tinh thần thoải mái. Để làm được điều đó, ông chỉ cần hết mình với công việc, trọn vẹn với đam mê và sống thanh thản.
* Mất hơn 5 năm để IMC từ con số 0 thành một tập đoàn truyền thông như hiện nay nhưng trong thời gian ấy, ông xuất hiện đúng vào giai đoạn IMC đi ngược về mức âm. Điều gì khiến ông quyết định "xắn tay" vào lĩnh vực mình không có chuyên môn như vậy?
- Dù đã từng tham gia một ban nhạc, đi biểu diễn như một nghệ sĩ thực thụ nhưng với việc kinh doanh trong lĩnh vực truyền hình, giải trí, đúng là tôi chẳng có chuyên môn. Đó là lý do vì sao khi quyết định sẽ điều hành IMC, tôi bị nhiều cổ đông phản đối. Tuy nhiên, bối cảnh ngày đó khiến tôi chẳng thể quyết định khác.
Năm 2008, tôi cùng vài cổ đông thành lập IMC, đầu tư cho kênh truyền hình TodayTV. Tham gia IMC, chính tôi là người tuyển chọn người điều hành cho Tập đoàn. Anh ấy là người có nghề và khá thành công ở Singpapore.
Đáng tiếc, chưa am tường văn hóa bản địa, lại làm việc trong bối cảnh xã hội hóa truyền hình ở Việt Nam mới chỉ bắt đầu, nhân lực làm truyền hình chưa được đào tạo... nên việc điều hành IMC của anh ấy không thành công. Lúc đó tôi nghĩ mình có trách nhiệm phải sửa chữa sai lầm.
Thực sự đó là một quyết định không dễ dàng. Tôi phải tuyển chọn và trả lương khá cao mới tìm được người thay tôi điều hành "con đẻ” là Carnaud Metal Box Saigon để có thời gian chăm "con chung" IMC.
Mà còn làm việc không lương, không trợ cấp nữa đấy! Bởi, không những 160 tỷ đồng vốn huy động ban đầu để nuôi IMC đã mất sạch mà IMC còn lổ đến 140 tỷ đồng và gánh rất nhiều nợ. Đến mức có nhân viên IMC "bỏ của chạy lấy người" vì sợ các chủ nợ đến gây áp lực. Trong hoàn cảnh đó, tìm ra người dám gánh vác cũng khó nên tôi đành "xắn tay" vào làm.
* Việc đầu tiên là "năn nỉ” các chủ nợ chăng?
- Tôi quyết định đưa nhiệm vụ tái cấu trúc IMC lên hàng đầu. Chúng tôi thuê các công ty nghiên cứu thị trường khảo sát để xác định lại đối tượng khán giả của TodayTV, từ đó có những điều chỉnh trong việc sản xuất nội dung theo kiểu "đo ni đóng giày" cho phù hợp.
Với chủ nợ, tôi dùng uy tín của bản thân và một cổ đông chính để thuyết phục họ thông cảm với những công nợ cũ, chấp nhận cho chúng tôi thanh toán tiền mặt để Công ty có điều kiện tiếp tục hoạt động. Cũng nhờ sự thông cảm của đối tác mà IMC mới có thể đi tiếp để vượt qua giai đoạn khó khăn.
* IMC ra đời trong bối cảnh việc xã hội hóa truyền hình đã bắt đầu nở rộ, không phải là những người tiên phong, lại đang ở thế khó, làm cách nào để ông "lật ngược thế cờ"?
- Tôi coi truyền hình như một sản phẩm tiêu dùng. Sản phẩm đưa ra thị trường cần được đầu tư cho thương hiệu hệ thống phân phối và chất lượng. Một mặt, IMC đầu tư làm thương hiệu, đưa ra các chương trình để khán giả phải nhớ đến TodayTV.
Tôi nghĩ, rất ít đơn vị tư nhân đầu tư làm truyền hình dám tổ chức một phòng marketing với mấy chục nhân viên như IMC. Mặt khác, chúng tôi tìm kiếm những chương trình phù hợp với đối tượng khán giả của mình.
Trong quá trình tìm kiếm, tôi phát hiện ra những điểm chênh giữa văn hóa Việt Nam và phim truyền hình các nước như Hàn Quốc, Singapore... Văn hóa Singapore thì nửa Tây, nửa Tàu. Phim Hàn thì quanh đi quẩn lại cũng là chuyện của những gia đình tài phiệt, chuyện người giàu yêu người nghèo...
Mô típ này hoàn toàn không phải những chuyện về đời sống của số đông khán giả Việt Nam. Phim Trung Quốc, Đài Loan thì đã ngập tràn các màn ảnh. Vậy, đáp án của bài toán phim truyền hình cho số đông các bà nội trợ Việt Nam, đối tượng khán giả chính của TodayTV là gì?
Tôi đã tìm hiểu đời sống cũng như phim truyền hình của Philippines, Thái Lan và sung sướng nhận ra có quá nhiều điểm tương đồng. Quyết định nhập khẩu phim Philippines của IMC đã tạo nên một làn sóng mới, giải cơn khát phim truyền hình cho khán giả và giải luôn cả những khó khăn của TodayTV.
Cớ gì lại sợ thần tượng?
Phát hiện và lựa chọn dòng phim Philippines đưa về Việt Nam đã khiến IMC trở nên khác biệt, được chấp nhận và không bị giới hạn bởi yếu tố địa lý như các kênh truyền hình khác.
Theo khảo sát rating từ các công ty nghiên cứu thị trường, hiện TodayTV là kênh truyền hình có lượng khán giả lớn ở các tỉnh phía Bắc, thành phố như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ... lên đến 80%. Xét ở quy mô phát sóng toàn quốc, lượng người xem kênh TodayTV khung giờ vàng chỉ thua mỗi VTV3.
* Nếu dùng từ may mắn để nói về thành công của IMC trong việc "dò trúng sóng" dòng phim Philippines ở Việt Nam, ông có đồng tình?
- Thành công không bao giờ xuất phát từ... tự nhiên. Muốn thành công thì phải tổ chức bài bản ngay từ ban đầu. Nếu không đầu tư khảo sát nghiêm túc và quyết tâm tìm kiếm, tôi không tin IMC có thể chinh phục được khán giả như hôm nay.
Truyền hình là một cuộc chơi vô cùng tốn kém, nếu làm không kỹ, sẽ giống như nuôi một con nghiện trong nhà. 45 phút phát sóng có giá đến hàng nghìn USD. Chi phí sản xuất lớn như thế, không có khán giả đồng nghĩa với việc đốt tiền. Một năm, một kênh truyền hình có thể mất 100 tỷ đồng là chuyện bình thường.
Việc mua phim nước ngoài về chiếu cũng vậy. Phim dài cả trăm tập nhưng người mua chỉ được xem qua 8 tập. Vậy thì làm thế nào để đảm bảo mình đầu tư đúng chỗ là điều cực kỳ quan trọng.
Ở IMC, hội đồng đánh giá phim được huấn luyện bởi các chuyên gia truyền hình quốc tế. Và, như đã nói, tôi là người của công nghiệp nên việc đánh giá phim cũng được quy trình hóa, thống nhất các tiêu chí cụ thể chứ không phải đánh giá theo cảm quan của người chọn phim.
Điều có thể coi là may mắn cho IMC thời điểm đó là chưa có đơn vị nào ở Việt Nam khai thác dòng phim Philippines nên chúng tôi chọn được những phim tốt mà giá cũng mềm.
* Trong một lần giao lưu với khán giả, diễn viên mà IMC mời sang Việt Nam có nói rằng, họ bất ngờ vì được khán giả đón tiếp, hâm mộ còn hơn ở Philippines. Ông có nghĩ IMC đã hơi quá tay khi gây dựng làn sóng hâm mộ mới cho khán giả?
- Nhiều người đánh giá giới trẻ Việt Nam thần tượng các diễn viên, ca sĩ ngoại quốc quá đà. Tôi lại nghĩ, những biểu hiện của các bạn ấy cũng là chuyện bình thường.
Những ngôi sao ngoại quốc vốn lung linh trong mắt họ, họ yêu mến người đó và đâu phải lúc nào cũng có thể gặp nên khi được tiếp xúc với thần tượng ở cự ly gần, họ không ngăn được cảm xúc cũng là chuyện phù hợp với diễn biến tâm lý. Còn vấn đề lựa chọn thần tượng là ai thì phải bàn đến bối cảnh xã hội.
* Nếu so sánh, sự hâm mộ dành cho diễn viên truyền hình Việt Nam chắc hẳn bị "lép vế”. Bụt nhà không thiêng chăng?
- Ở các nước, người ta quản lý các "ngôi sao" rất chặt chẽ, không phải muốn xuất hiện ở đâu cũng được. Tạo ra khoảng cách với đời sống thường nhật nên khán giả nhìn về diễn viên, ca sĩ... như là những tượng đài và khao khát hướng tới họ, vì vậy mới tạo nên được sự hâm mộ.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, đó cũng là nguyên nhân khiến nghệ sĩ ở nước ngoài, Hàn Quốc chẳng hạn, dễ rơi vào trầm cảm vì họ chẳng còn có đời sống đúng nghĩa.
Ở Việt Nam, ngành giải trí vẫn chưa phát triển đến mức đó. Ca sĩ, diễn viên xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ rạp chiếu phim đến quán trà sữa, quán ốc bình dân... Đã gần gũi như thế thì làm sao khán giả có thể khát khao như một thần tượng dù họ rất yêu mến phim Việt, nhạc Việt?
Trách nhiệm lớn
Sau làn sóng phim Philippines, IMC tiếp tục gây "bão" với dòng phim Ấn Độ mà điển hình là bộ phim thu hút sự chú ý của khán giả cả nước: Cô dâu 8 tuổi. Không dừng lại ở việc nhập khẩu phim, IMC còn sản xuất các chương trình truyền hình.
Sau TodayTV, IMC đã có thêm kênh truyền hình SNTV, YouTV..., sáp nhập thêm Công ty CP Truyền thông AMI, sản xuất và khai thác, kinh doanh hai ấn phẩm Mẹ Yêu Bé và Thế Giới Điện Ảnh. Năm 2013, Rail TV, kênh truyền hình trên hệ thống đường sắt Việt Nam, cũng về tay IMC.
Và đến 2015 thì MTV, kênh truyền hình chuyên về âm nhạc, cũng đã là thành viên trong "đại gia đình" IMC. Theo tiết lộ từ Tổng giám đốc, IMC đang trông đợi ngày "tổng hành dinh" của mình hình thành. Đó là một tòa nhà có 6 rạp chiếu, một phim trường và một nhà hát. Tất cả nhằm phục vụ cho một IMC sẽ hoàn thiện mình thành một tập đoàn công nghiệp giải trí ở Việt Nam.
* Ở lĩnh vực phim Việt, Lâm Chí Thiện gây ấn tượng khi quyết định phim do IMC đầu tư, diễn viên phải thuộc thoại và kịch bản. Ông có thấy mình đòi hỏi cao ở diễn viên, những người đang phải chạy sô mới kịp lịch quay của rất nhiều hãng phim?
- Có chiếu bao nhiêu phim Tây, phim Tàu... đi chăng nữa thì khán giả trong nước vẫn yêu mến phim Việt hơn cả. Họ dành nhiều tình cảm và nhà đài cũng dành thời lượng phát sóng phim Việt rất nhiều nhưng kết quả vẫn không như ý.
Vì sao? Đó là do chất lượng phim truyền hình Việt Nam vẫn chưa thỏa mãn được khán giả. Diễn viên ít, lại phải chạy theo số lượng phim mới đủ thu nhập nên vai diễn nào cũng làng nhàng như nhau. Tôi không muốn đi theo lối mòn ấy. Diễn viên đã đồng ý tham gia vào phim của IMC đầu tư thì phải thuộc thoại.
Thời gian học thoại chính là lúc họ đầu tư, tìm hiểu và hòa nhập vào nhân vật. Có như vậy, khi vào vai, khán giả mới thấy được nhân vật thay vì chỉ thấy diễn viên. Nếu đài từ diễn viên ấy không tốt, việc lồng tiếng sau này cũng rất dễ dàng.
Tất nhiên, đòi hỏi cao cũng phải đồng hành với trách nhiệm lớn. Chúng tôi đang hướng đến việc xây dựng đội ngũ diễn viên độc quyền như các nước để đào tạo, đầu tư, xây dựng thương hiệu... cho họ. Mỗi năm đảm bảo cho họ số hợp đồng diễn xuất, tần suất xuất hiện tại các sự kiện...
Tôi tin rằng, khi làm được điều này, IMC sẽ tạo ra được một lớp diễn viên thực sự nghiêm túc với nghề. Đó sẽ là nền tảng đầu tiên để cải thiện chất lượng phim Việt. 60% còn lại là kịch bản, IMC cũng sẽ tiến đến đầu tư cho mắt xích này.
Chỉ cần IMC làm tốt thì các hãng phim khác cũng sẽ chú ý đến công thức này. Khi đó sẽ chẳng còn ai nói tôi đòi hỏi cao, mà là đòi hỏi đúng đắn.
* Mới đây, IMC mua lại kênh MTV. Hình như kênh truyền hình này cũng đang trong tình trạng doanh thu không khả quan?
- Tuy chưa thực sự thành công ở Việt Nam nhưng MTV là kênh truyền hình đã có thương hiệu ở tầm quốc tế. Với IMC, MTV là nốt nhạc mà IMC chưa có trong bản hòa tấu của mình. Chúng tôi đang tiến hành làm mới MTV. Tôi tin với kinh nghiệm của dàn nhân sự đã trải qua thăng trầm ở IMC, chúng tôi có thể mang đến đời sống mới cho MTV.
* Trong bối cảnh rất nhiều tạp chí, kênh truyền hình... bị thua lỗ như hiện nay, IMC liệu có còn tiếp tục mua bán và sáp nhập (M&A) trong thời gian tới?
- MTV là mảng cuối cùng IMC còn thiếu, nên với tôi, thương vụ này đã chấm dứt việc phát triển theo diện rộng của IMC. Thời gian tới, chúng tôi sẽ hướng đến đầu tư vào nội dung các chương trình, hoạt động có chiều sâu và tương tác với cộng đồng nhiều hơn nữa, như: Tiếp sức hồi sinh, Ngôi sao xanh, Hoa khôi sinh viên, Vươn đến ước mơ...
Làm truyền hình phải lấy cộng đồng làm gốc vì không được cộng đồng ủng hộ thì sẽ không có khán giả. Do vậy, IMC lấy slogan "Vì lợi ích của cộng đồng" làm tiêu chí để xác quyết các hoạt động.
Chúng tôi xây dựng các chương trình: Như chung tay xây dựng trung tâm hỗ trợ bệnh nhân chất độc màu da cam ở Ninh Thuận, xây nhà bán trú cho trẻ em vùng cao và sắp tới là trung tâm mầm sống ở Đồng Nai nhằm cưu mang những phụ nữ có thai cơ nhỡ..., tất cả đều do slogan ấy chỉ đường.
* Ông muốn con mình hiểu thế nào về các hoạt động ấy?
- Cha mẹ đặt tên tôi là Thiện, tôi muốn con mình cũng hiểu đúng và sống đúng với ý nghĩa của chữ "Thiện" ấy. Ngày các con còn nhỏ, tôi thường đưa chúng đến những chùa có trại từ thiện để vừa vãn cảnh, vừa tìm hiểu, giúp đỡ những người khó khăn. Khi lớn lên, rất mừng là không phải nhắc nhở nhưng chúng đều thích thú với các chương trình thiện nguyện của IMC.
Hễ có thời gian là các con tôi lại rong ruổi cùng đồng nghiệp của ba làm từ thiện. Có lần, tôi vô tình đọc được nhật ký con viết rằng con muốn lớn lên sẽ có điều kiện làm nhiều việc thiện như ba. Tôi vui và có phần hãnh diện vì điều này!
* Cảm ơn ông về những chia sẻ!