tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

CEO D2D và ISO “quân ngũ”

  • Cập nhật : 28/08/2015

(Tin kinh te)

Chiến tranh đã lùi xa 40 năm nhưng bao giờ cũng vậy, ngày 30/4 lịch sử luôn là một thời điểm đầy cảm xúc trên mảnh đất hình chữ S, nhất là đối với những người mà “đời lính” được nối dài trong một sứ mệnh khác: doanh nhân – người lính thời bình. Xin giới thiệu cuộc trò chuyện sau đây với cựu chiến binh, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (D2D) Nguyễn Xuân Đình về những trải nghiệm của ông ở cả hai phần đời gian khó nhưng vinh quang và thật đẹp.pẻ

Trong lần tôn vinh Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu gần đây nhất, TGĐ Nguyễn Xuân Đình là một trong số ít những CEO ngành bất động sản được bước lên bục danh dự để nhận Cúp Thánh Gióng do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trao tặng cùng dòng chữ vinh danh “Doanh nhân – người lính thời bình”. Đây là phần thưởng cho nỗ lực dẫn dắt D2D vươn lên mạnh mẽ ngay trong thời điểm sàng lọc khắc nghiệt nhất của thị trường. Sự ghi nhận ấy còn mang ý nghĩa khẳng định quyết tâm và bản lĩnh người lính trên thương trường suốt 23 năm gắn bó và hết lòng tạo dựng thương hiệu D2D.
 

ceo d2d va iso “quan ngu”

CEO D2D và ISO “quân ngũ”

ISO "quân ngũ"

Sau sáu năm đi bộ đội, năm 1978 ông Nguyễn Xuân Đình buộc phải rời chiến trường vì bị thương. Trở về, ông lao vào học tập và tích lũy kiến thức thuộc nhiều lĩnh vực: quản lý kinh tế, xây dựng, chính trị, đồng thời làm việc tại Ty nhà đất tỉnh Đồng Nai.

Tháng 10/1980 ông làm Trưởng phòng Tổ chức Công ty Sửa chữa nhà cửa cho đến năm 1987 làm Phó giám đốc Công ty Xây lắp 3 rồi giữ chức Phó giám đốc Công ty Xây dựng dân dụng công nghiệp số 2 (tiền thân của D2D) từ năm 1995. Tháng 1/2006, khi công ty chuyển đổi mô hình thành công ty cổ phần, ông làm Phó chủ tịch HĐQT – Phó TGĐ và giữ vai trò thuyền trưởng của D2D từ tháng 4/2009.

Trải qua nhiều vị trí, nhiều đơn vị, 37 năm qua ông luôn nhắc nhớ mình phải giữ vững và phát huy tinh thần quyết thắng, lòng dũng cảm, sự nhạy bén, linh hoạt và khả năng vượt khó được rèn luyện từ môi trường quân ngũ. Và việc kiên trì đào tạo đội ngũ theo chuẩn mực của ISO “quân ngũ” cũng chính là một yếu tố dẫn đến thành công của người lính Nguyễn Xuân Đình trong vai trò thủ lĩnh D2D.

* Dù D2D không phải là một doanh nghiệp quân đội nhưng văn hóa kinh doanh của công ty cho thấy bản sắc quân ngũ khá rõ nét. Ông có thể chia sẻ về điều này?

- Ở vị trí của người đứng đầu doanh nghiệp, tôi xác định việc đầu tiên chính là phải xây dựng được một đội ngũ mạnh cả về năng lực và phẩm chất. Còn với trải nghiệm của một người lính, tôi nhận thấy những bài học quân ngũ là lựa chọn rất tốt để xây dựng đội ngũ nhân sự.

Tôi cho rằng mình đã có quyết định hợp lý khi kết nối hai điều đó với nhau. Bởi bài học quân ngũ không chỉ nâng cao sự nhạy bén, linh hoạt, khả năng thích nghi nhanh chóng với môi trường mà còn đào tạo con người biết trọng dân, có suy nghĩ tích cực, khả năng kiềm chế cảm xúc, đặc biệt là khơi dậy tinh thần, ý chí quyết thắng trong mỗi cá nhân.

Tại D2D, việc vận dụng một cách sáng tạo bài học này vào công tác quản lý, lãnh đạo đã giúp chúng tôi có nội lực mạnh mẽ để vượt qua những khó khăn trong quá trình phát triển vừa qua.

Thực tế, đó cũng không phải là cách làm riêng có ở D2D mà trở thành một hướng đi của rất nhiều doanh nghiệp trong nước và nước ngoài hiện nay. Ở những nước có nền công nghiệp tiên tiến, để đào tạo một doanh nhân phải qua hai giai đoạn.

Giai đoạn đầu là rèn luyện tính kỷ luật, nhân cách, tác phong cũng giống như việc huấn luyện tân binh. Giai đoạn hai mới bắt đầu trang bị các kiến thức về kinh doanh.

Và cũng không phải là ngẫu nhiên khi mà gần đây nhiều sách quản lý của phương Tây cũng tìm tòi vận dụng các mưu kế của Binh pháp Tôn Tử cho kinh doanh. Thiết nghĩ, ở Việt Nam cũng cần phải có những trường, lớp, giáo trình như vậy thay vì chỉ dừng lại ở cách làm riêng lẻ của các doanh nghiệp như hiện nay.

* Một cuộc nghiên cứu nhỏ về những doanh nhân từng gia nhập quân đội cho thấy một điểm chung là đời lính đã giúp họ thành công từ góc độ cá nhân đến công việc. Ông có thể lý giải về điều này từ trải nghiệm của bản thân?

- Tôi cho rằng phẩm chất, năng lực cần có của doanh nhân Việt Nam ngày nay cũng giống như phẩm chất, năng lực cần có của một sĩ quan quân đội. Để thành đạt, doanh nhân không thể không có TRÍ để hiểu biết thị trường, nắm được khoa học công nghệ tiên tiến; không thể không có DŨNG để dám dấn thân vào thương trường và quyết thắng. Doanh nhân cũng phải có NHÂN để lập thân, khẳng định nhân cách của mình qua kinh doanh.

Và Trí, Dũng, Nhân cũng chính là những phẩm chất, năng lực cần có của người cán bộ trong quân đội. Do đó, với những doanh nhân đã từng được rèn giũa trong môi trường quân đội sẽ có những thuận lợi nhất định khi tham gia vào thương trường.

Còn ở góc độ cá nhân tôi thì phải khẳng định ngay rằng những năm tháng gắn bó với đời lính, được rèn luyện về khả năng chiến thắng bản thân, kiên trì vượt khó; bình tĩnh, bản lĩnh để nhận định tình hình, tìm cách vượt qua và đặc biệt là không bao giờ bỏ cuộc… đã giúp tôi rất nhiều trong vai trò của một doanh nhân hôm nay.

Bên cạnh đó, những doanh nhân từng mặc áo lính luôn có một nguồn năng lượng đặc biệt từ những kỷ niệm, khoảnh khắc không thể quên về nghĩa tình đồng đội. Với tôi, đó là những cái ôm siết, ánh mắt đau đớn của đồng đội khi tôi bị kẻ thù bắn xuyên đùi và ngất lịm đi trên tay họ; đó là khi chúng tôi phải gạt nước mắt tiễn đưa chiến hữu hôm qua còn chia nhau củ khoai, miếng sắn mà sáng nay đã đột ngột hy sinh…

Sáu năm tham gia chiến trường, tôi đã rất nhiều lần chứng kiến đồng đội bị chôn vùi dưới bom đạn. Mỗi lần vuốt mắt tiễn đưa người anh em là một lần tôi khắc sâu lời hứa sẽ sống, chiến đấu và làm việc thay cho cả những người không may đã ngã xuống để đất nước có niềm vui chiến thắng…

Đó chính là những động lực giúp tôi quyết tâm vượt qua mọi khó khăn trong kinh doanh để thực hiện trọn vẹn lời hứa và cũng là để trả nợ ân tình với đồng đội đã vĩnh viễn không còn. Vì thế, trong hơn 30 năm qua, tôi từng trải qua những giờ phút cực kỳ khắc nghiệt trên thương trường, không ít lần cảm thấy áp lực nặng nề hay làm việc không kể giới hạn ngày đêm, nhưng rồi tự nhủ, dù mệt mỏi, truân chuyên cũng không thể bỏ cuộc vì sự dấn thân này đâu chỉ bởi riêng mình.

* Từ “Bộ đội Cụ Hồ” trở thành doanh nhân, bên cạnh những lợi thế về phẩm chất, ông có cảm thấy áp lực gì so với những doanh nhân không xuất thân từ quân ngũ?

- “Bộ đội Cụ Hồ” không chỉ là kiểu mẫu, là sản phẩm đẹp của quá khứ mà là một thương hiệu! Điều đó là lợi thế, là niềm tự hào luôn nhắc chúng tôi phải giữ gìn hình ảnh và có trách nhiệm nhân lên niềm tự hào về danh xưng ấy trong thời bình. Cụ thể là phải làm tốt trọng trách của một doanh nhân bởi cũng như sự thắng bại của một người lính, tầm ảnh hưởng của doanh nhân đối với xã hội, thương hiệu, cán bộ, nhân viên, gia đình là rất lớn.

Ý chí của trăm người một hướng

Khởi nghiệp với số vốn hơn nửa tỉ đồng và một tên công ty được khai sinh lại sau sáp nhập hai doanh nghiệp non yếu rồi trở thành thương hiệu gắn liền với thành công ở nhiều loại hình sản phẩm như khu công nghiệp, khu dân cư, đường, chợ, căn hộ cao cấp… chính là câu chuyện về D2D. Đó cũng là câu chuyện của một đội hình đã chọn cách đi lên bằng chiến lược “đánh chắc, thắng chắc” và tinh thần “trăm người một hướng” trên “cỗ xe tăng” D2D.

* Có người ví những khó khăn, thách thức trong kinh doanh như “những trận B52 hiện đại” và giai đoạn khủng hoảng vừa qua có thể được xem là “trận B52” khốc liệt nhất đối với cộng đồng DN. Điều gì giúp D2D vẫn tiếp tục vững tiến và không ngừng mở rộng hoạt động kinh doanh trong bối cảnh này, thưa ông?

- Có thể nói, thị trường bất động sản vừa trải qua thời kỳ sàng lọc khắc nghiệt nhất, bộc lộ rất nhiều vấn đề phức tạp. Đặc biệt là ba năm qua, phần tối nhất của thị trường đã được phơi bày. Nhiều dự án đã phải sang tay cho chủ mới, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp phải vướng vòng lao lý. Không ít doanh nghiệp đầu tư theo “phong trào”, đầu tư tràn lan đã phải trả giá bằng số phận của mình.

 

khu pho cho va cho moi long thanh – du an giup d2d tao buoc dot pha moi trong giai doan 2009-2014

Khu phố chợ và Chợ mới Long Thành – dự án giúp D2D tạo bước đột phá mới trong giai đoạn 2009-2014

Với D2D, sự kiên định đi theo phương châm tiến chậm mà chắc, làm ít mà có “chất”, khả năng tài chính đến đâu thì làm đến đó đã giúp chúng tôi may mắn đứng ngoài vòng xoáy đổ vỡ của thị trường.

 

Ngay từ khi mới khởi nghiệp, chúng tôi xác định lấy phát triển bền vững làm mục tiêu hàng đầu để đảm bảo cho con đường lâu dài, không ôm đồm nhiều dự án và đầu tư dàn trải. Do đó, ở mỗi giai đoạn, D2D chỉ tập trung đầu tư vào một vài dự án khả thi.

Trong vòng 10 năm trở lại đây, chúng tôi chỉ làm năm dự án trọng tâm là khu công nghiệp Nhơn Trạch 2, khu dân cư Đường 5 và Đường 5 nối dài, chung cư A1, khu căn hộ cao cấp Amber Court, khu phố chợ và chợ Quản Thủ Long Thành.

Với chiến lược đầu tư theo trọng điểm, dựa trên thực lực và ít lệ thuộc vào vốn vay ngân hàng, hiện D2D đang có trong tay nguồn thu ổn định, lâu dài từ nhiều dự án cũng như khá chủ động về nguồn tài chính và luôn trong tư thế sẵn sàng tái đầu tư vào các dự án mới khả thi.

* Cũng cùng môi trường như các doanh nghiệp khác, vậy điều gì khiến ông và D2D kiềm chế được để không chạy theo những xu thế ngắn hạn?

- Điều đó bắt nguồn từ trách nhiệm phải khai thác nguồn lực của Nhà nước, đồng vốn của cổ đông một cách hiệu quả nhất. Nếu không, có lẽ chúng tôi cũng sẽ bị “thôi miên” trước những mục tiêu ngắn hạn.

Là một công ty cổ phần có vốn Nhà nước chi phối, chúng tôi đặt lên hàng đầu những mục đích chung, không nhìn lợi nhuận tách rời mục tiêu xã hội, luôn nỗ lực đảm bảo được đời sống của cán bộ nhân viên, quyền lợi của cổ đông, khách hàng và sự phát triển chung của cộng đồng.

Như bạn thấy, D2D luôn tập trung vào lĩnh vực cốt lõi. Hướng đi này có thể không đem lại thành công chóng vánh nhưng chắc chắn rất an toàn, bền vững và thực tế đã chứng minh điều đó.

* Đảm nhận vai trò thuyền trưởng D2D trong bối cảnh kinh tế suy thoái, thị trường trầm lắng nhưng có vẻ như ông khá “mát tay” khi nuôi dưỡng thương hiệu này ngày càng phát triển mạnh mẽ?

- Cũng như mọi doanh nghiệp khác, D2D là câu chuyện của cả tập thể, thành hay bại không chỉ phụ thuộc vào một cá nhân. Ở vị trí một CEO, tôi may mắn có được một tập thể tốt, đoàn kết trên dưới một lòng, đồng cam cộng khổ, cùng nhau đối diện khó khăn, thách thức và cùng đón nhận thành công.

Nói cách khác, năng lượng đặc biệt giúp D2D vượt khó, thành công là do ý chí của trăm người như một, trăm người một tên, một hướng. Đúng như lời bài hát “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” vui nhộn nhưng đầy ý nghĩa đối với cả những người lính trong mặt trận kinh tế hôm nay: “…Đã lên xe không còn tên riêng nữa… Đã xung trận cả năm người như một…. Nổ máy lên ta một dạ xung phong… Năm quả tim chung nhịp đập rộn ràng… Một niềm tin quyết thắng trong trận này”.

Tôi tin rằng, ai rồi cũng sẽ cảm thấy hạnh phúc và mạnh mẽ khi được đứng trong một tập thể như thế. Và tôi mong, D2D vẫn mãi là “cỗ xe tăng” có những “chiến binh” yêu đời, lạc quan, đoàn kết và cùng chí hướng.

Thương trường không phải là cuộc đấu sinh tử

* Xã hội hiện nay thường nhắc tới cụm từ “Thương trường là chiến trường”, ông có thể chia sẻ quan điểm về vấn đề này, thưa ông?

- Tôi cho rằng quan niệm này chưa hoàn toàn chính xác bởi vì chiến trường hay là những cuộc chiến tranh khốc liệt chỉ là câu chuyện của từng thời điểm, giai đoạn. Còn thương trường thì diễn ra liên tục, không có điểm dừng, hôm nay anh có thể thành công đấy nhưng chỉ cần sơ sẩy một chút thôi là sẽ thất bại và phải tái khởi nghiệp. Ngoài ra, trong chiến tranh có những cuộc chiến không công bằng nhưng thương trường luôn công bằng với những người biết lao động hết mình bằng cả trái tim và khối óc…

tong giam doc nguyen xuan dinh nhan cup thanh giong do vcci trao tang

Tổng giám đốc Nguyễn Xuân Đình nhận Cúp Thánh Gióng do VCCI trao tặng

Hơn nữa, cạnh tranh trên thị trường không nhất thiết phải là những cuộc đấu trực diện. Tại sao lại cứ phải là kẻ thắng, người bại mà không phải là mọi người cùng thắng?

Giới doanh nhân ngày nay đều chung tâm niệm rằng, hội nhập sẽ thành công với tất cả mọi doanh nghiệp nếu các doanh nghiệp không chọn phương thức đối đầu. Cách mà các doanh nghiệp Việt Nam hãy lựa chọn là đối tác cùng làm ăn và chia sẻ lợi ích trên tinh thần Win – Win. Đó cũng là một thước đo bản lĩnh của doanh nhân – người lính thời bình.

Tuy nhiên, đứng ở góc độ chiến thuật thì có thể ví kinh doanh cũng giống như một trận đánh, “biết địch, biết ta, trăm trận trăm thắng”. Doanh nhân phải đọc được “trận đánh” thì mới có được cả chiến dịch thành công. Mỗi doanh nhân sẽ có một chiến thuật riêng nhưng để thích ứng được với sự thay đổi bất thường trong nền kinh tế thì cần phải có nhiều phương án linh hoạt.

* Vậy ông và D2D đã thành công với chiến thuật gì, thưa ông?

- Tôi cho rằng chiến thuật chỉ là vấn đề của tính toán, kỹ năng và phương pháp. Còn để có được những chiến thuật tốt thì bất kỳ doanh nghiệp nào cũng không thể thiếu được điều quan trọng nhất là chữ tâm, tâm sẽ tạo tầm, tạo thế.

Thành công tuyệt đối không thể xây dựng bằng lối đi tắt và những xảo ngôn. Nếu kinh doanh theo kiểu “ăn xổi” thì sự thành công chỉ nhất thời, không thể lâu bền, như nhặt được một ngọn cỏ nhưng mất đi một rừng cây.

Sự khôn ngoan nhất chính là làm sao dung hòa được lợi ích của doanh nghiệp và các nhóm lợi ích liên quan, luôn giữ chữ tín, sự trung thực như giữ sinh mạng của doanh nghiệp.

Ví như người thợ mộc tài hoa không bao giờ dùng miếng gỗ xấu làm mặt sau chiếc tủ của mình, dù có thể khách hàng không biết hoặc anh ta có thể có đủ cách lấp liếm để biện minh rằng tấm gỗ ấy phù hợp với chiếc tủấy. Nhưng anh ta sẽ biết, nó có thực sự xứng đáng với một chiếc tủ đẹp hay không. Và người tử tế thì sẽ không chấp nhận điều đó, ngay từ khi ý định đó chưa hình thành.

Kiên định với tâm niệm đó, trong suốt 23 năm vừa qua D2D luôn nỗ lực trong từng bước đi, từng dự án để thực hiện trọn vẹn cam kết với khách hàng, cổ đông, địa phương và người dân. Vì vậy, tài sản lớn nhất mà chúng tôi đang có không phải là những khu dân cư, khu công nghiệp đẹp đẽ, hoành tráng mà chính là niềm tin, sự ghi nhận và trân trọng của cộng đồng xã hội.

* Ngoài chữ tâm, chiến lược, các nguồn lực… kinh doanh có lẽ không thể thiếu những nghệ thuật. Theo ông, nghệ thuật nào là quan trọng nhất?

- Có lẽ đó là nghệ thuật của sự trân trọng. Để thành công, bạn phải trân trọng đủ tổ chức, sản phẩm của bạn.

Bạn phải trân trọng đủ từng câu chữ, email, cuộc gọi của bạn. Bạn phải trân trọng đủ người đối diện của bạn: cơ quan ban ngành, đồng nghiệp, khách hàng, cổ đông, đối tác, người dân.

Và hơn thế, bạn phải trân trọng đủ giá trị đầu óc và tâm hồn của bạn vì bạn đại diện cho đầu óc và tâm hồn của cả một tổ chức, đại diện cho tầm nhìn, trách nhiệm và lòng tự hào của cả một thương hiệu, bao gồm hàng trăm con người đã, đang cống hiến và tạo dựng.

* Giữa thương trường khắc nghiệt và đào thải chóng vánh, cuộc sống của một doanh nhân luôn đầy áp lực và thách thức, điều gì giúp ông có thể cân bằng cuộc sống để vượt qua tất cả?

- Có thể đó là một buổi đi dạo quanh khu dân cư Đường 5 nối dài và cảm thấy ấm áp khó tả khi thấy nơi mình góp sức xây từng ngôi nhà, con đường, trồng từng hàng cây… nay đã đón bao người đến an cư, chọn làm nơi gắn bó ổn định cuộc sống.

Trong tương lai, Biên Hòa chắc chắn sẽ có thêm nhiều khu dân cư hình thành nhưng dự án mang ý nghĩa ghi dấu một chặng đường phát triển mới của thành phố như khu dân cư Đường 5 nối dài thì không nhiều. Tôi vui với ý nghĩ rằng mình may mắn có được cơ duyên tham gia vào dự án mang ý nghĩa xã hội sâu sắc, góp phần làm cho vùng đất này thay đổi.

mot goc khu dan cu duong 5 noi dai – du an tieu bieu cua d2d

Một góc khu dân cư Đường 5 nối dài – dự án tiêu biểu của D2D

Đôi lúc tôi cảm thấy lòng thanh thản, bao áp lực như được trút bỏ hết khi ngồi nhâm nhi ly rượu, nói chuyện làm nông, ôn kỷ niệm thời lính với một “ông nông dân” (cũng từng là bộ đội xuất ngũ) trong khu vực dự án của D2D.

Cũng có thể đó là niềm vui nhỏ nhưng vô giá khi đi thăm tiểu thương và được chị bán bún bò ở chợ Long Thành cứ nhất quyết mời “ông tổng giám đốc” ăn một tô bún… Tất cả niềm vui giản dị đó như một ly nước xoa dịu, vừa đủ mát vừa đã khát cho tôi sự cân bằng tự nhiên…

Ở một góc độ khác, tôi muốn nói về sự cân bằng trong cách nghĩ, cách làm. Tôi đọc đâu đó rằng “nếu bạn muốn đi thật nhanh thì bạn phải biết cách từ từ”.

Cách sống từ từ chính là cách nhìn nhận mọi thứ chính xác, để không vấp ngã, không thất bại, không phải làm lại, do vậy sẽ cán đích sớm hơn. Tôi nghĩ, đó cũng là một câu chuyện về sự cân bằng. Cân bằng ở trong lòng người, chứ không phải xốc nổi trên bề mặt.

* Nếu được chọn lại, ông có chọn đi con đường doanh nhân nhiều vinh quang nhưng cũng rất nhiều hy sinh, mất mát hay không?

- Rời chiến trường trở về với chiếc balô trên vai và hai bàn tay trắng, những người lính bị thương như tôi hẳn không ai nghĩ ngợi xa xôi về danh xưng doanh nhân nghe còn rất lạ lẫm thời đó, chỉ nghĩ là phải có công ăn việc làm.

Vì vậy, con đường doanh nhân vốn không phải là con đường tôi lựa chọn, nhưng cùng với sự phát triển của bản thân và sự phát triển của thời cuộc, con đường này đã chọn tôi như một sự phân công của xã hội.

Dù vậy, tôi hạnh phúc và tự hào khi được đứng trong hàng ngũ doanh nhân – đội quân chủ lực của nền kinh tế đất nước. Và từ đây, tôi bắt đầu hành trình khám phá một thế giới bận rộn, không an nhàn thậm chí là quá đỗi áp lực nhưng luôn mới mẻ, nhiều màu sắc và cũng rất vinh dự.

Tôi nghĩ, mỗi người, sẽ luôn có một con đường xuất phát từ trong lòng. Đi theo tiếng gọi của đam mê, của lý tưởng một cách nghiêm túc có lẽ là con đường duy nhất để chúng ta thực sự hưởng thụ cuộc đời mình.

Dù là con đường gập ghềnh nhưng khi đã quyết tâm, chắc chắn chúng ta sẽ tìm được đường để đến đích. Và dù dài hay ngắn, thì con đường đó vẫn là con đường đáng giá để tiến lên. Với tôi, con đường doanh nhân là con đường xứng đáng để dấn thân.

Với chiến lược đầu tư hợp lý, khả năng tái cơ cấu tài chính tốt và phương pháp điều hành hiệu quả, TGĐ Nguyễn Xuân Đình đã góp phần quan trọng trong sự lớn mạnh của D2D. Đặc biệt, trong sáu năm qua, bất chấp những khó khăn, khắc nghiệt của thị trường, D2D vẫn triển khai thành công nhiều dự án và đạt được sự tăng trưởng mạnh ở tất cả các chỉ tiêu. Tính đến nay, doanh thu của D2D đã tăng 191%, lợi nhuận tăng 126%, nộp ngân sách tăng 109,4%, thu nhập bình quân đầu người/tháng tăng 196%, tổng giá trị tài sản tăng 182% so với năm 2008 và tỷ lệ chia cổ tức cộng gộp từ 2009 đến nay đạt tới 150%. D2D cũng tích cực đóng góp, tài trợ cho các chương trình từ thiện xã hội với tổng kinh phí khoảng 12 tỉ đồng.

(Theo Doanh Nhân Sài Gòn)

Trở về

Bài cùng chuyên mục