Việc con cháu của những tỷ phú Hồng Kông có phá vỡ được lời nguyền ba thế hệ hay không là thách thức cực kỳ lớn mà các tập đoàn gia đình này phải đương đầu.
Vua xe điện Vương Truyền Phúc
- Cập nhật : 16/11/2017
Một doanh nhân đi tiên phong trong lĩnh vực công nghệ xanh, sẽ biến giấc mơ xe điện trở thành hiện thực.
Một doanh nhân đi tiên phong trong lĩnh vực công nghệ xanh, sẽ biến giấc mơ xe điện trở thành hiện thực.
Cách đây 9 năm, nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett đã mua lại 10% cổ phần trong công ty Trung Quốc BYD, với niềm tin rằng BYD dưới sự dẫn dắt của CEO Wang Chuanfu (Vương Truyền Phúc), một doanh nhân đi tiên phong trong lĩnh vực công nghệ xanh, sẽ biến giấc mơ xe điện trở thành hiện thực. Nhưng xe chạy xăng vẫn tiếp tục thống trị thị trường Trung Quốc và thế giới, khiến Wang trở thành cái bóng mờ nhạt bên cạnh các ông chủ tên tuổi trong ngành ô tô như Carlos Ghosn của Renault, Mary Barra của General Motors và Matthias Müller của Volkswagen.
Hiện tại, 22 năm sau khi thành lập Công ty, Wang cuối cùng đã chứng minh được việc ông đặt cược vào tương lai xe điện là hoàn toàn đúng. Giá cổ phiếu của BYD đã quay trở lại mức cao khi các nhà đầu tư tin rằng những quy định mới về môi trường tại Trung Quốc sẽ đẩy mạnh doanh số bán tại BYD, hiện là công ty có doanh số bán xe điện cao nhất Trung Quốc. Chính phủ nước này hồi tháng 9 vừa qua cho biết đang nghiên cứu đưa ra lộ trình chấm dứt việc sản xuất và bán ô tô chạy nhiên liệu hóa thạch tại đại lục và đã ra mắt một chương trình mua bán phát thải carbon, theo đó buộc các nhà sản xuất ô tô chạy xăng phải mua tín chỉ phát thải từ các hãng sản xuất xe điện, nếu không họ sẽ buộc phải tăng tốc trong nỗ lực sản xuất xe xanh. Dù họ lựa chọn như thế nào thì kết quả đều có lợi cho BYD.
Wang dự kiến Trung Quốc sẽ yêu cầu những xe công ích như xe bus, taxi, ô tô trong lĩnh vực logistics và xe tải làm vệ sinh đều phải chạy điện đến năm 2025 và ra lệnh chấm dứt hoạt động bán ra tất cả các loại xe “xả khói” vào năm 2030. Động thái này cũng ráo riết không kém gì những cam kết xe xanh của các quốc gia như Anh và Pháp. “Mùa gặt sắp đến. Lộ trình của Trung Quốc sẽ không thua các nước châu Âu”, Wang nói.
Các nhà đầu tư cũng đồng tình với nhận định của Wang. Kể từ tháng 8, cổ phiếu của BYD (được giao dịch trên sàn Hồng Kông) đã tăng mạnh tới 44% và Nick Lai, chuyên gia phân tích ngành ô tô thuộc JPMorgan Chase & Co., cho rằng cổ phiếu của hãng xe này có thể tăng thêm gần 40% nữa, đạt đến mức cao của năm 2009 sau thông tin Buffett đầu tư vào BYD.
BYD là một nhà cải tiến phần cứng, xoay quanh công nghệ lõi về pin và vì là một công ty Trung Quốc, hãng xe này có thể sở hữu một lợi thế “độc nhất vô nhị” để sản xuất ra những chiếc xe điện có giá phải chăng, theo Bill Russo, nhà sáng lập hãng tư vấn đầu tư Automobility Ltd. “Là nhà sản xuất xe điện dẫn đầu về lượng bán ra ở Trung Quốc, BYD hiện tại dường như ở vị thế tốt hơn rất nhiều so với bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử doanh nghiệp mình”, ông nói.
Mặc dù Wang vẫn thường được ví là Elon Musk của Trung Quốc (tỉ phú Elon Musk là nhà sáng lập hãng xe điện Mỹ Tesla), nhưng nói Musk là Wang Chuanfu của Mỹ thì đúng hơn. Cả hai đều nổi tiếng nhờ đặt cược vào khả năng của pin lithum-ion dùng trong ngành ô tô và phá vỡ gọng kìm một thế kỷ nay của động cơ đốt trong. Nhưng Wang lại đi trước nhà cải tiến người Mỹ Elon Musk, khi bắt đầu khởi nghiệp là một nhà sản xuất pin điện thoại và xây dựng nhà máy pin cho ô tô quy mô lớn đầu tiên của mình vào năm 2003. Wang đã bán chiếc xe điện cho thị trường đại chúng đầu tiên vào năm 2008, xây dựng nhà máy tấm pin năng lượng mặt trời đầu tiên của ông trong cùng năm và đã bắt đầu sản xuất xe bus chạy điện thương mại vào năm 2009. Tesla Inc., vốn cho ra mắt chiếc xe điện đầu tiên vào năm 2008, thì bước vào lĩnh vực tấm pin năng lượng mặt trời vào năm 2016.
Hơn nữa, không thể phủ nhận Wang lại dẫn đầu ở 2 thước đo quan trọng: lượng xe bán ra và lợi nhuận. Năm ngoái tại Trung Quốc, BYD đã bán được 100.183 xe năng lượng mới (thuật ngữ của Trung Quốc chỉ cả xe điện lẫn xe lai) và xe bus chạy điện của BYD hiện hoạt động ở 200 thành phố trên khắp thế giới. Tesla đã bán ra 76.230 ô tô điện trên toàn cầu và vẫn chưa bán xe tải hay xe bus năng lượng mới. BYD đã tăng lãi ròng tới 79% đạt 5,1 tỉ nhân dân tệ (tương đương 768 triệu USD) vào năm ngoái và chưa bao giờ ghi nhận mức lỗ nào kể từ khi lên sàn vào năm 2002. Trong khi đó, Tesla, có tuổi đời 14 năm, đến nay vẫn chưa có lãi khi chi mạnh tay vào hoạt động phát triển sản phẩm.
Trong khi Musk đã nhảy vào lĩnh vực tên lửa vũ trụ và phương thức vận tải của tương lai, thì các mảng kinh doanh của Wang vẫn xoay quanh pin có thể sạc lại được và năng lượng mặt trời dành cho điện thoại, ô tô, nguồn cung cấp điện và gần đây nhất là tàu điện một ray. Siêu nhà máy Gigafactory của Tesla ở Nevada, Mỹ đã bắt đầu sản xuất pin trong năm nay và dự kiến sẽ đạt công suất 35 gigawat giờ mỗi năm vào năm 2018. Nhưng BYD đã có công suất sản xuất pin cho ô tô lên tới 16 gigawatt giờ và đang đàm phán với các hãng xe khác để cung cấp pin cho xe họ, theo Wang.
BYD, viết tắt của Build Your Dreams, đang theo đuổi cái mà Wang gọi là 3 giấc mơ xanh của ông: các trang trại năng lượng mặt trời, các trạm lưu trữ năng lượng và xe điện mà chúng có thể mang đến một thế giới phát triển bền vững. Nhưng cũng có không ít người hoài nghi. Khi Wang tuyên bố công ty pin điện thoại của ông sẽ thâu tóm một hãng ô tô vào năm 2003, các nhà đầu tư đã quay lưng và giá cổ phiếu đã giảm tới 31% chỉ trong 3 ngày. Năm năm sau đó, chiếc compact F3 của BYD trở thành mẫu xe bán chạy nhất Trung Quốc và Công ty đã bắt đầu bán ra những chiếc xe cắm sạc chạy chế độ Dual-Mode (cho phép người lái chuyển từ chế độ hoàn toàn chạy điện sang cơ chế xe lai cắm sạc). Đó cũng là năm mà MidAmerican Energy Holdings Co. của Buffett, giờ gọi là Berkshire Hathaway Co., đã ký kết thỏa thuận mua lại 10% cổ phần của BYD với giá 1,8 tỉ đô la Hồng Kông (tương đương 232 triệu USD vào thời điểm đó). Khoản đầu tư của Buffett hiện trị giá lên tới 16 tỉ đô la Hồng Kông. Wang “là một người cực kỳ thông minh. Khi chúng tôi đến bất cứ chỗ nào của BYD để xem cơ sở vật chất, Wang luôn cho thấy từng chi tiết cụ thể”, theo nhận xét của David Sokol, cựu nhà điều hành Berkshire Hathaway đã đi sang Trung Quốc vào năm 2008 để “điều tra” khoản đầu tư vào BYD cho Buffett (sau đó Sokol cũng ngồi trong Hội đồng Quản trị của BYD).
Tổng số xe năng lượng mới bán ra của Trung Quốc chỉ là 24.000 chiếc vào năm 2008, nhưng đến năm 2015, BYD đã là nhà sản xuất ô tô chạy điện lớn nhất thế giới và đã bành trướng vào các phân khúc khác như xe bus, xe tải nâng hàng hóa, xe quét dọn đường và xe tải nhẹ chạy bằng điện. Một năm sau đó, tập đoàn Hàn Quốc Samsung Electrics Co. cũng hứng thú với BYD khi trả 3 tỉ nhân dân tệ (449 triệu USD) để sở hữu 2% BYD, gần gấp đôi số tiền Buffett đã bỏ ra cách đây 9 năm nhưng số cổ phần Samsung sở hữu ở công ty Trung Quốc này lại chỉ bằng 1/5 của Buffett. Ai bảo Buffett đánh hơi quá tốt “mỏ vàng” BYD!
NGÔ NGỌC CHÂU
Theo Nhipcaudautu.vn