Wang Jing mất gần 9 tỷ USD trong đợt lao dốc của thị trường Trung Quốc năm 2015, dự án kênh đào Nicaragua và cảng biển ở Crimea cũng đổ bể.
4 đặc điểm giúp Bill Gates, Elon Musk và Jeff Bezos thành công
- Cập nhật : 21/10/2017
3 người đều có một tầm nhìn độc đáo và đều kiên trì theo đuổi mục tiêu cho đến khi đạt được kết quả.
Tổng tài sản của Bill Gates, Elon Musk và Jeff Bezos vào khoảng 195 tỷ USD, nhiều hơn GDP của Hy Lạp, Hungary hoặc Algeria.
Dù mỗi người có một nét tính cách riêng, 3 ông lớn công nghệ này cũng có một vài điểm chung giúp họ xây dựng những đế chế hùng mạnh nhất thung lũng Sillicon.
Từ trái qua phải: Jeff Bezos, Elon Musk và Bill Gates có 4 điểm chung giúp họ thành công như ngày hôm nay
1. Khả năng dự đoán xu hướng
Năm 1975, Bill Gates rời Harvard chỉ sau 2 năm học. Ông thậm chí dành nhiều thời gian dùng máy tính trong phòng thí nghiệm hơn là học ôn cho các kỳ thi. Cùng với đồng sáng lập Microsoft Paul Allen, vị tỷ phú giàu nhất thế giới nhận ra rằng máy tính cá nhân sẽ cần phần mềm để chạy. Sau khi mua một máy tính Altair 8800, 2 người tin rằng máy tính cuối cùng sẽ là thứ nhìn thấy trong bất cứ gia đình nào ở Mỹ.
Năm 2004, đồng sáng lập Tesla khi đó là Martin Eberhard gửi email cho Elon Musk để thảo luận về một khoản đầu tư vào công ty xe điện rất mới này. Ngay từ 10 năm trước, Musk đã luôn tin tưởng vào sức mạnh của những chiếc xe điện nên ngay lập tức đồng ý đầu tư. Cuối cùng ông còn trở thành chủ tịch kiêm CEO của hãng, một trong những nhà sản xuất ô tô có giá trị nhất thế giới.
Jeff Bezos thành lập Amazon như một "hiệu sách" online
Jeff Bezos thành lập Amazon vào năm 1995 và chỉ bán sách. Tuy nhiên, ngay từ đầu ông đã biết rằng nền tảng thương mại điện tử sẽ trở thành "cửa hàng bán mọi thứ". Đến nay, Amazon là một công ty trị giá gần 500 tỷ USD.
2. Niềm tin vào bản thân và nhóm sáng lập
Gates, Bezos và Musk đều có niềm tin sâu sắc về khả năng của bản thân và của các thành viên trong nhóm sáng lập. Tuy nhiên có ý tưởng là một chuyện, bỏ Harvard, đầu tư hàng triệu USD vào một công ty xe điện nhỏ và chấp nhận rủi ro nợ nần lại là chuyện khác.
Sau khi tốt nghiệp Princeton, Jeff Bezos từng là phó chủ tịch của công ty đầu tư DE Shaw. Giữa năm 1994, ông xin nghỉ việc khi nảy ra ý tưởng mở một cửa hàng sách trực tuyến. Nếu không có niềm tin, chắc một người không thể bỏ đi khoản tiền thưởng khổng lồ cuối năm để đi thành lập một công ty nhỏ ở ngay gara nhà mình.
3. Dám chấp nhận rủi ro
Khởi nghiệp là một quyết định vô cùng rủi ro. Một nghiên cứu cho thấy sau 10 năm hoạt động kinh doanh, 96% các công ty khởi nghiệp đều thất bại.
Vậy mà Musk khởi nghiệp không chỉ một mà vài lần liên tiếp. Đầu tiên, ông rời chương trình tiến sĩ tại đại học Stanford để thành lập một công ty tên là Zip2 với anh trai. Sau đó công ty được bán cho Compaq và Musk bỏ túi hơn 20 triệu USD.
Elon Musk liên tục "khởi nghiệp" khi thành lập hàng loạt công ty mới
Có lẽ không "an phận" với danh xưng triệu phú, Musk một lần nữa lại đánh cược hàng triệu USD khi sáng lập một công ty tên là X.com (sau đó hợp nhất với một công ty khác để thành lập PayPal).
4. "Cứng đầu"
Cả 3 vị tỷ phú đều rất bướng bỉnh và kiên nhẫn khi khăng khăng theo đuổi đam mê chứ không bằng lòng với một công việc bình thường. Từ khi còn đi học, Bezos đã nói với giáo viên rằng "tương lai của nhân loại không phải là trên hành tinh này". Và sau khi đạt được thành công với Amazon, ông tiếp tục sáng lập Blue Origin, công ty khám phá vũ trụ.
Gates tỏ ra say mê vi tính kể từ khi còn là một cậu bé học tại trường Lakeside School. Ông dành nhiều thời gian trong phòng máy đến nỗi nhiều lần bị giáo viên khiển trách. Như đã nhắc đến ở trên, đến khi theo học Harvard ông cũng bỏ bê học hành để mày mò với máy tính. Rồi ông còn bỏ học để tiếp tục theo đuổi niềm đam mê của mình.
Từ khi là sinh viên, Bill Gates đã luôn vùi đầu trong phòng máy
Về phần Musk, ông được ví như "người sắt" trong đời thực vì ước mơ giải cứu thế giới của mình. Ông trùm này không ngừng đầu tư vào hàng chục dự án để thực hiện tham vọng này. Ví dụ, 3 công ty nổi bật nhất của ông là Tesla sản xuất xe điện để thay thế xe chạy xăng, giúp bảo vệ môi trường; SpaceX khám phá vũ trụ và tìm cách đưa người lên sao Hỏa sống; Neuralink nghiên cứu cách liên kết não người với máy tính với mục đích nâng cấp bộ não, giúp con người chống được mối đe dọa từ AI (trí tuệ nhân tạo) và siêu máy tính.
Trang Hồ/ Theo Entrepreneur, Quartz, NDH.VN