tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tuyệt chiêu của "vua bất động sản" Lý Gia Thành

  • Cập nhật : 26/08/2015

(Tin kinh te)

Lý Gia Thành, được mệnh danh là "siêu nhân kiếm tiền" của mảnh đất giao thoa Đông – Tây, Hong Kong, là con trai một nhà giáo nghèo, giờ là một trong mười người giàu nhất thế giới.

tuyet chieu cua "vua bat dong san" ly gia thanh

Tuyệt chiêu của "vua bất động sản" Lý Gia Thành

 

Là người con của quê hương Triều Châu – thành phố nằm cách Hong Kong khoảng 300 km về phía Đông Bắc, ông là người Trung Quốc đầu tiên phá vỡ vòng kiềm tỏa gắt gao lên các tập đoàn thương mại Hong Kong của thực dân Anh, đồng thời cũng là người giữ vị trí quan trọng trong ngành thương mại vận tải biển.

 

Bạn bè, đồng nghiệp gọi ông là Gia Thành. Báo chí gọi ông là “Mr. Money” (tạm dịch là “Ông lắm tiền”), “Siêu nhân”. Đôi khi gặp ông Lý trên một con đường náo nhiệt ở Hong Kong, người ta cúi đầu chào theo kiểu hành lễ dành cho bậc vương quyền: “Chào ngài, Lý đại gia”.

Lý Gia Thành nổi tiếng là ông vua bất động sản. Ở Hong Kong, những gia đình tham vọng nhất cũng chỉ cầu mong con em mình tiếp bước theo con đường vinh quang của Lý Gia Thành.

Sau đây là 3 bí quyết thành công của Lý Gia Thành trong lĩnh vực bất động sản:

1. Tôn trọng chủ đất như người bạn

Ông từng nói: “Vào thời điểm thị trường giữ giá cao nhất, tôi tính toán rất kỹ về ngân sách trước khi tham dự các phiên đấu giá đất. Tuy nhiên, một số người lại không hề cân nhắc ngân sách mà chỉ biết đặt hết giá này đến giá khác”.

Chiến lược của ông Lý trong đầu tư bất động sản khá đơn giản. Thay vì đóng băng tất cả vốn cố định, ông luôn tìm kiếm và đầu tư vào những khu đất đẹp, có vị trí chiến lược.

Ông có cách đề nghị mà không người bán nào có thể từ chối. Trên khu đất mua được, ông sẽ xây nhà ở cho công nhân và tầng lớp hạ - trung lưu, xây văn phòng cho các doanh nghiệp nhỏ. Và kết quả là ông bán mọi thứ hết sức chóng vánh.

Lý Gia Thành không phải là người liều lĩnh trong cuộc chơi bất động sản. Ông thường chia sẻ kinh phí và lợi nhuận khi làm ăn với đối tác, người chủ đất. Bằng cách này, người chủ đất có thể nhận được nhiều hơn số tiền bán đất ban đầu.

Ông Lý không bao giờ đặt tiền trước nhằm giảm thiểu rủi ro. Trong kinh doanh bất động sản, những mối quan hệ làm ăn và quan hệ bạn bè được ông coi trọng ngang nhau.

Cuối thập niên 1980, trong thương vụ mua đất khu Expo ’86 tại Vancouver, một trong những thỏa thuận bất động sản lớn nhất, Lý Gia Thành đã phát biểu: “Tôi thích những thỏa thuận thân thiện. Đó là triết lý của tôi. Và tôi thường dạy hai cậu con trai không bao giờ được lợi dụng một ai. Ngay cả khi hoạt động kinh doanh còn chưa phát triển, tôi vẫn coi danh tiếng là của cải quan trọng nhất. Nếu anh có danh tiếng, chăm chỉ, tử tế với mọi người, luôn giữ lời hứa, việc kinh doanh của anh sẽ trở nên dễ dàng. Vì vậy, nhiều cơ hội đã đến với tôi. Tôi phải gây dựng danh tiếng để mọi người có thể tin tưởng mình… Bất cứ điều gì tôi nói, tôi sẽ làm. Tôi không chỉ nghĩ đến lợi nhuận của cá nhân mình mà còn nghĩ đến cả phần của đối tác”.

Thực tế, ông đã mua được khu đất Vancouver với giá hời và giành được sự chấp thuận cho thay đổi diện mạo của khu cảng thành phố. Ngoài ra, ông còn những hợp đồng béo bở với các đối tác lâu năm đầy tin tưởng là Trịnh Dụ Đồng của New World Development, Lý Triệu Cơ của Henderson Land và Ngân hàng CIBC.

Trong giai đoạn 1966-1967, ở Hong Kong, nền chính trị đầy biến động đã tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực kinh tế. Nhiều người dân và thương nhân đã bỏ trốn khỏi vùng thuộc địa tới những nước xa xôi và an toàn như Canada, Australia và Mỹ.

Kết quả là thương trường nơi đây trở nên bất ổn, các nhà đầu tư lo sợ sẽ mất mọi thứ. Với những nhà kinh doanh bất động sản như Lý Gia Thành, tình trạng này đã gây nên những ảnh hưởng nghiêm trọng tới giá bất động sản. Ngay cả ông cũng bắt đầu phải tìm kiếm các nguồn đầu tư nước ngoài như một bước đệm để giảm bớt ảnh hưởng của khủng hoảng. Và thương vụ đầu tiên là trung tâm mua sắm Vancouver, Canada, ngay khi bất ổn chính trị tại Hong Kong kết thúc.

2. Nắm bắt cơ hội khi kinh tế khủng hoảng

Khi bất ổn chính xảy ra, Lý Gia Thành không rút hết vốn tại Hong Kong. Thực tế, ông đã có ý định tận dụng một số cơ hội mà cuộc cách mạng mang tới.

Khi vội vã rời khỏi Hong Kong, người ta đã bỏ lại sau lưng tất cả nhà xưởng, cửa hàng, khách sạn và nhà ở, tất cả đều được bán giá rẻ mạt. Đối với Lý Gia Thành, người luôn tin rằng cuộc cách mạng sẽ chỉ như một đốm sáng trên màn hình ra-đa chính trị của Trung Quốc và Hong Kong, và đây chính là cơ hội để xem xét và lựa chọn cả một danh sách những gì ông cho rằng sẽ mang lại lợi nhuận cao nhất sau khi trật tự trở về với vùng thuộc địa, và thị trường lại hứa hẹn như trước.

Ông Lý đã xúc tiến việc mua bán bất động sản trong suốt thời gian cuộc cách mạng bùng nổ. Nhờ đó, ông trở thành một trong những đại gia bất động sản hàng đầu Hong Kong, đến mức vào năm 1973 – bốn năm sau khi cuộc cách mạng kết thúc – Tập đoàn Trường Giang của Lý Gia Thành đã nắm trong tay 40 khu đất trong danh mục đầu tư bất động sản thực tế của mình.

Một ủy viên ban quản trị tại Hong Kong đã nói về những ngày tháng của Lý Gia Thành khi cuộc cách mạng diễn ra như sau: “Ông Lý hiểu rất rõ về thị trường bất động sản. Ông ấy đã mua lại mọi thứ trước khi giá cả bùng nổ”.

3. Lòng kiên định

Ông nói: “Một người cần nhiều phẩm chất quan trọng để thành công, như khả năng làm việc chăm chỉ, lòng trung thành đối với những người làm việc cùng mình và với công việc đang làm, khả năng phán đoán tốt và cả một chút may mắn nữa. Tất cả những phẩm chất này phải kết hợp với điều quan trọng nhất là lòng kiên định, bởi nếu bạn không có lòng kiên định, bạn có thể sẽ đi sang phía Đông theo lời khuyên của người này, rồi lại sang phía Tây vì lời khuyên của người khác. Và nếu như bạn nghe theo cả hai, thì dứt khoát là bạn gặp rắc rối rồi đấy”.

Ông cũng chia sẻ: “Theo cách nói của người Trung Quốc, tôi phải công nhận mình may mắn. Tuy nhiên, trong khi đưa ra quyết định cuối cùng, bao giờ tôi cũng nghiên cứu mọi việc rất kỹ, từ nguồn cung, cầu cho đến tình hình chính trị. Môt khi đã quyết định, tôi sẽ tiến hành rất nhanh để thâu tóm thị trường vào đúng thời điểm. Các bạn thấy đấy, tôi luôn đeo đồng hồ bấm giờ. Cho dù một cơ hội trông có vẻ tuyệt vời đến đâu thì tôi vẫn luôn chuẩn bị sẵn sàng cho những rủi ro có thể gặp phải”.

(Theo Doanh Nhân Sài Gòn)

Trở về

Bài cùng chuyên mục