tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

CEO POPS Worldwide: Không muốn làm "người đi sau"

  • Cập nhật : 26/08/2015

(Tin kinh te)

Chỉ hai ngày sau khi quyết định trở về Việt Nam để "làm cái gì đó”, Esther Nguyễn, người phụ nữ mang dòng máu Việt lớn lên trên đất Mỹ, đã bước lên máy bay. Hành trang của Esther khi ấy là một lô ý tưởng nhưng chẳng cái nào ra cái nào, bởi lần nào về thăm quê Esther cũng cảm thấy có nhiều thứ để làm. Bà biết và tin mảnh đất chứa rất nhiều cơ hội này sẽ định đoạt tương lai lẫn vận mệnh của mình.

Esther Nguyễn từng sáng lập và gặt hái thành công với một số công ty khởi nghiệp ở Mỹ. Năm 1998, công ty đầu tiên của bà ra đời, hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử về chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp. Đến năm 2001, bà bán công ty này, chuyển sang lĩnh vực công nghệ xanh và bắt đầu về Việt Nam làm việc từ năm 2004.
 

ceo pops worldwide: khong muon lam "nguoi di sau"

CEO POPS Worldwide: Không muốn làm "người đi sau"

Tám năm sau cái ngày "xách ba lô lên và đi", để lại sau lưng nhiều dự định ở Mỹ, Esther Nguyễn đã là CEO của POPS Worldwide, đối tác YouTube được chứng nhận tại Việt Nam và là doanh nghiệp (DN) Việt đầu tiên trong ngành giải trí bước chân ra thế giới với văn phòng đại diện tại Thái Lan và sắp tới là Indonesia và Philippines.

Duyên nợ với internet

* Sinh ra và lớn lên ở thủ phủ của công nghệ internet, khi quyết định về Việt Nam lập nghiệp, sự phát triển của POPS hiện nay đã nằm trong dự đoán của bà?

- Thú thật là hoàn toàn không. Khi chia sẻ với mẹ ý định về nước lập nghiệp và nhận được sự cổ vũ của bà, tôi lên đường nhưng vẫn chưa biết mình sẽ làm gì và sẽ đồng hành cùng ai, tất cả đều chưa được định hình. Cái "có” trong tôi lúc ấy là cảm nhận về một Việt Nam trẻ trung, giàu năng lượng và cực kỳ năng động.

Tôi cho rằng yếu tố này sẽ thúc đẩy nhiều ngành nghề phát triển. Tuy nhiên, nhờ biết được tiện ích của internet nên trong đầu tôi hình thành ý tưởng sẽ khởi phát một dịch vụ gì đó liên quan đến internet tại Việt Nam.

Khi bắt tay vào làm việc gì, tôi ít nghĩ đến mình sẽ thành công như thế nào mà quan tâm hơn đến việc mình sẽ làm ra sao. Tôi nghĩ, tương lai nằm ngay trong chính hành trình mình sẽ đi.

* Dù thời điểm bà trở về, internet ở Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn đầu tiên?

- Không chỉ internet mà dịch vụ nghe nhạc bản quyền trực tuyến POPS Worldwide đưa ra lúc ấy cũng rất ít người hiểu. Sở hữu trí tuệ, bản quyền... là điều quá mới mẻ. Các đối tác gặp tôi cứ tròn mắt: "Vì sao phải nghe nhạc bản quyền? Chẳng phải nghe nhạc là miễn phí à?...".

Rất may là càng về sau những câu hỏi ấy càng ít đi. Đến bây giờ, khi nói đến kinh doanh các dịch vụ liên quan đến nghệ thuật, âm nhạc... thì câu hỏi đầu tiên lại là: Có bản quyền chứ?

Rõ ràng, nhận thức của mọi người thay đổi rất nhanh. Với một thị trường hoàn toàn mới như Việt Nam, chỉ cần chịu khó học hỏi và cố gắng tạo sự khác biệt thì không khó nắm bắt cơ hội dẫn đầu ngành.

* Nhưng thay đổi nhận thức của cả cộng đồng là chuyện không đơn giản?

- Không chỉ POPS Worldwide mà rất nhiều đơn vị đều chung tay truyền thông cho việc thay đổi nhận thức của mọi người về sở hữu trí tuệ. Bản thân YouTube đến tận bây giờ cũng vẫn không ngừng tuyên truyền cho người dùng thế giới hiểu về các vấn đề bản quyền. Dù đã có nhiều người hiểu về sở hữu trí tuệ hơn trước nhưng không phải là tất cả.

Lấy ví dụ từ việc kinh doanh của POPS chẳng hạn. Chúng tôi là đơn vị đại diện cho các ca sĩ trong việc khai thác các sản phẩm trên mạng internet nên phải đảm bảo quyền lợi của họ. Do đó, người dùng chỉ được xem, tải về máy tính của mình những music video của ca sĩ chứ không được tải lên các trang khác.

Khi cứ cố gắng làm việc này, họ nhận được cảnh báo bản quyền từ POPS và cảm thấy khó chịu, phản ánh với chúng tôi rất gay gắt. Đội ngũ của POPS đã phải giải thích cho từng trường hợp người dùng như thế.

Dù kinh doanh các sản phẩm nghệ thuật trực tuyến hiện nay đã rất phát triển nhưng nhận thức của người dùng vẫn là thử thách không đơn giản với những người làm nghề.

* Theo bà, phải bao lâu nữa vấn đề ấy mới được khắc phục?

- Sẽ không lâu đâu. Người dùng internet hiện nay phần lớn là người trẻ, mà giới trẻ Việt Nam thì rất thông minh và cởi mở. Các chuyên gia thế giới khi quan sát thị trường Việt Nam đều đánh giá tiềm năng quảng bá trực tuyến ở Việt Nam rất lớn. Quan trọng hơn, tất cả chỉ mới ở giai đoạn bắt đầu. Ngân sách quảng cáo từ những phương tiện truyền thống đang dần đổ về phương tiện kỹ thuật số.

Ngay cả các đài truyền hình lớn như Vĩnh Long, VTV, VTC, HTV... đều đưa các sản phẩm của mình lên internet ngay sau khi phát sóng để phục vụ khán giả. Người dùng trẻ suy nghĩ rất thoáng, họ muốn tất cả phải nhanh và ngay lập tức nên việc xem video trên mạng khiến họ thích thú hơn xem truyền hình.

Ở khía cạnh khác, khi xu hướng số hóa các nội dung phát triển thì nền nghệ thuật nước nhà cũng sẽ phát triển, vì người làm nội dung sẽ có thêm chi phí để tái đầu tư và sáng tạo. Đó là việc đáng mừng. Trong khu vực, các quốc gia như Thái Lan, Indonesia... đều đang đón đầu làn sóng này.

* Và đó chính là lý do POPS quyết định bước ra thị trường thế giới?

- Khi việc kinh doanh ở Việt Nam bắt đầu ổn định, chúng tôi liền chuẩn bị bước ra thế giới. Thái Lan là bàn đạp đầu tiên bởi đây là thị trường giàu tiềm năng. Ngành giải trí Thái Lan đã có những bước phát triển rất tốt trong thời gian qua.

Tuy đã chuẩn bị rất kỹ nhưng chúng tôi cũng gặp những thử thách khá lớn ở thị trường này. Khi biết chúng tôi là công ty đến từ Việt Nam, những đối tác ở Thái Lan khá e dè. Tôi nghĩ việc này sẽ không chỉ dừng lại ở Thái Lan mà còn nhiều nước khác. Thế nên chúng tôi cố gắng thể hiện sự chuyên nghiệp để thuyết phục đối tác.

Hệ sinh thái video

Đầu tháng 8/2015, nhiều người háo hức trước thông tin ca sĩ Sơn Tùng M-TP biểu diễn "live streaming" (truyền hình trực tiếp trên mạng internet). Dù buổi "live streaming" giới thiệu ca khúc Âm thầm bên em của Sơn Tùng M-TP chỉ vỏn vẹn 20 phút nhưng đã thu hút tới 15.000 lượt xem trực tiếp trên kênh YouTube.

Sau sự kiện của Sơn Tùng M-TP, giới nghệ sĩ nhắc nhiều hơn đến "live streaming", nhưng thật ra công nghệ này đã được POPS ứng dụng từ năm 2014, với các chương trình tiêu biểu như: POPS Award 2014, Elle Show 2014, Lễ trao giải Làn Sóng Xanh 2013 cùng các chương trình giao lưu trực tiếp với các nghệ sĩ nổi tiếng...

Esther Nguyễn cho biết, đây sẽ là xu hướng thịnh hành trong thời gian tới. Việc POPS nhanh chân hơn cả trong thực hiện "live streaming" chứng tỏ sự nhanh nhạy và quyết liệt trong việc thu hút người dùng của đơn vị tiên phong trong lĩnh vực phân phối nội dung số tại Việt Nam.

Theo tiết lộ của người đứng đầu POPS, chìa khóa để cạnh tranh trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến là phải có một hệ sinh thái hoàn chỉnh, trong đó người dùng là yếu tố quan trọng nhất.

* Làn sóng video trực tuyến rõ ràng đang đe dọa ngành truyền hình. Vậy phía DN đón nhận xu hướng này thế nào, thưa bà?

- Hiện đã có rất nhiều DN chọn tiếp thị kỹ thuật số (digital marketing) để quảng bá sản phẩm, dịch vụ, nhất là ở khối sản xuất hàng tiêu dùng nhanh. Có thể thấy sự nhanh nhạy của DN trong việc tham gia tài trợ cho những người làm nội dung. Trong lĩnh vực này, POPS như một chiếc cầu nối, chúng tôi làm việc với đội ngũ nghệ sĩ làm nội dung rồi tìm kiếm DN có nhu cầu quảng bá để kết hợp họ với nhau.

Không ít trường hợp DN đồng ý tài trợ toàn bộ cho một số nghệ sĩ làm nội dung, nhưng cũng có trường hợp POPS tài trợ. Thế mạnh của chúng tôi là có sẵn đội ngũ lẫn hạ tầng cần thiết để sản xuất chương trình nên nhiều nghệ sĩ trẻ đã tìm đến chúng tôi. Ngược lại, vì hiểu người dùng internet không chỉ trong nước mà còn cả khu vực nên POPS có thể hỗ trợ tốt cho DN cần quảng bá ra thị trường.

Tuy lượng DN gắn bó, tài trợ cho nghệ sĩ chưa nhiều so với hàng chục ngàn video đang có trên các kênh của POPs nhưng con số này đang tăng không ngừng.

Theo Google, xu hướng xem video ở Việt Nam rất phổ biến. Đơn vị này đo được có 6/10 người trưởng thành ở Việt Nam xem video online; và 8/10 khách hàng người Việt lên mạng ít nhất một lần/ngày, những người trẻ, dưới 34 tuổi, lên mạng thường xuyên hơn.

Hình thức quảng bá lồng vào trong nội dung video (video content marketing) đang được thế giới ưa chuộng sẽ mạnh lên ở Việt Nam trong thời gian tới.

* POPS chắc hẳn phải có sự chuẩn bị về nhân lực để đón đầu sự phát triển của thị trường?

- Ban đầu POPS chỉ có chục người nhưng nay đã có 80 nhân viên và kế hoạch là sẽ tuyển dụng thêm để có hơn 100 nhân viên trong năm nay. Như đã nói, ngành sẽ phát triển nhanh trong thời gian tới nên nhu cầu nhân lực sẽ rất cao, không chỉ với POPS mà còn nhiều đơn vị khác.

* Làm việc với đội ngũ hầu hết là người trẻ, bà có thấy áp lực?

- Ngành trẻ thì đương nhiên cần những người trẻ. Mức độ cạnh tranh của ngành rất lớn nên áp lực tôi chịu không chỉ từ đối thủ cạnh tranh mà còn từ chính nhân viên của mình. Do kỹ thuật thay đổi không ngừng, mình chỉ cần chậm một chút là sẽ trở thành người đi sau. Thế nên tôi học mỗi ngày và cố định thời gian của mình trong việc tiếp cận những công nghệ mới.

Những bạn trẻ ở POPS cũng rất năng động. Ngay trong chuyện làm việc thiện nguyện cũng vậy, các bạn không muốn đến những nơi đã nổi tiếng mà thường xuyên tìm đến những khu vực chưa nhận được nhiều sự chăm sóc từ cộng đồng.

Năm nào cũng vậy, chúng tôi luôn dành thời gian đến với những em nhỏ ở vùng sâu, vùng xa. Sự nỗ lực của các bạn trẻ góp phần chính yếu vào thành công của POPS.

* Vừa làm việc, vừa tranh thủ học hành, bà có còn thời gian dành cho chuyện riêng tư?

- Tôi tin vào khái niệm duyên nợ. Nếu có duyên nợ thì dù mình bận đến mức nào cũng có chuyện đưa đẩy để gặp nhân duyên. Số phận mỗi người hầu như đã được định đoạt từ lúc cất tiếng khóc chào đời, tôi nghĩ vậy!

* Cảm ơn bà về những chia sẻ thú vị.

(Theo Doanh Nhân Sài Gòn)

Trở về

Bài cùng chuyên mục