tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Từng phải bán công ty với giá 31 USD, vị CEO này đã quay trở lại một cách ngoạn mục

  • Cập nhật : 19/10/2016

(Doanh nhan)

Những tờ tiền mặt có tổng trị giá 3.240 yên (tương đương 31 USD) được đóng khung cẩn thận và đặt trên bàn làm việc của Hideto Fujino là thứ nhắc nhở ông về điều bẽ mặt nhất trong cuộc đời.

31 USD chỉ đủ để trả cho một bữa ăn tối tại nhà hàng Thái Lan nằm ngay dưới chân tòa nhà có văn phòng của Fujino. Tuy nhiên, cách đây 7 năm, đó là số tiền mà ông nhận được sau khi bán công ty quản lý tài sản mà bản thân đã dày công gây dựng từ con số 0. Khi mà khách hàng hối hả ra đi vì khủng hoảng tài chính, Fujino buộc phải rời khỏi Rheos Capital Works, từ bỏ chức Chủ tịch và quay lại làm nhân viên quèn lần đầu tiên sau 6 năm.

Giống như một vị tướng quân nổi tiếng của Nhật Bản mang theo bên mình tấm chân dung sau khi thua trận chiến quan trọng, Fujino muốn những đồng tiền này nhắc nhở ông về những điều không bao giờ được phép quên.

Giờ đây, những tờ tiền cũ kỹ cũng là một trong số những vật tượng trưng cho thời kỳ đen tối nhất của Fujino. Hifumi, quỹ “lá cờ đầu” của Rheos Capital, đang đánh bại 97% các quỹ cùng ngành với tài sản vượt mốc 200 tỷ yên. Fujino cũng trở lại với vị trí Chủ tịch kiêm CEO của quỹ. Ông mua lại 25% cổ phần và đang lên kế hoạch mua lại toàn bộ.

Huyền thoại Nhật Bản

Cựu nhân viên cấp cao của Goldman Sachs Asset Management vốn đã nổi danh ở Nhật Bản (vốn là một thị trường khá e ngại rủi ro so với các thị trường phương Tây) sau khi nghỉ việc để tự lập nên cơ ngơi của riêng mình. Tuy nhiên, con đường trở lại ngoạn mục đã giúp vị CEO 50 tuổi trở thành huyền thoại trong ngành quản lý quỹ ở Nhật Bản, đặc biệt trong bối cảnh ngành này đang chật vật cố gắng quay trở lại thời hoàng kim gần 3 thập kỷ sau khi bong bóng cổ phiếu vỡ tung.

“Ông ấy là một người nghệ sĩ”, Ken Shibusawa, Chủ tịch của Commons Asset Management và đồng thời là hậu duệ của người sáng lập sàn chứng khoán Tokyo nói. “Kể cả nếu như người khác cố gắng làm những gì ông ấy đã làm, chắc họ cũng không làm nổi”.

Theo số liệu của Bloomberg, quỹ Hifumi đã có được mức lợi suất 22% trong 5 năm qua, đánh bại 97% các quỹ tương tự trên thị trường. Năm 2016 quỹ này chỉ lỗ 2,5%, so với mức giảm 11% của chỉ số Nikkei 225. Tính từ khi ra đời năm 2008, quỹ có mức lợi suất 231%.

Trong khi hầu hết các nhà quản lý khác ở Nhật Bản tập trung vào các mã cổ phiếu blue-chip, Fujino nhắm đến những doanh nghiệp nhỏ hơn. Ông chọn những công ty có lợi nhuận tăng trưởng bền vững ở mức 2 con số và giá cổ phiếu ở mức phải chăng.

Những cổ phiếu nhàm chán

“Tôi thích những công ty đơn giản và thậm chí có phần nhàm chán”, Fujino chia sẻ. Theo ông những cái tên “sáng lấp lánh” thường ở mức giá cao hơn giá trị thực.

Cổ phiếu chiếm tỷ trọng nhiều nhất trong danh mục của Hifumi là Ai Holdings, công ty chuyên bán thiết bị văn phòng và camera an ninh. 3 năm qua, tỷ lệ EPS của công ty này đều đặn tăng trưởng 30% mỗi năm trong khi cổ phiếu đã tăng giá gấp 6 lần so với năm 2012. CEO của Ai sở hữu 20% cổ phần của công ty và có cái nhìn dài hạn khi đưa ra quyết định đầu tư hoặc M&A. Theo Fujino, Ai là một ngoại lệ trên thị trường Nhật Bản, nơi đầy rẫy những ông chủ quá sợ rủi ro và không còn thức thời.

Trong khi 2/3 khoản đầu tư của Hifumi đổ vào những cổ phiếu có giá trị vốn hóa nhỏ nhưng tăng trưởng tốt, phần còn lại của danh mục gắn với những xu hướng kinh tế vĩ mô. Fujino cho biết ông đang chuyển từ trạng thái phòng vệ sang tấn công, mua những cổ phiếu như Mitsubishi (là công ty được hưởng lợi từ đà tăng của giá hàng hóa) hay Komatsu (vì đặt cược nhu cầu về máy móc thiết bị xây dựng đang tăng lên trên toàn cầu).

Tốt nghiệp trường ĐH Waseda danh giá năm 1990, Fujino có 10 năm tiếp theo làm việc ở vị trí quản lý cấp thấp tại Nomura Asset Management và Jardine Asset Mangagement. Sau đó ông về đầu quân cho Goldman Sachs.

“Tôi đã từng làm việc cho những công ty rất nổi tiếng, với mức lương hậu hĩnh. Nếu chỉ quan tâm đến tiền có lẽ tôi đã không ra đi”.

Khủng hoảng tài chính 2008 – 2009 là những năm tháng đen tối nhất của Fujino. Trong khi thu hút được sự chú ý của những nhà đầu tư định chế lớn (như quỹ đầu tư quốc gia Na Uy), Fujino không hề chuẩn bị cho khủng hoảng tài chính. Quỹ của ông đầu tư quá nhiều tiền mặt vào việc thành lập một quỹ tương hỗ mới. Và khi nhà đầu tư ồ ạt rút tiền, Rheos không gánh nổi. Fujino phải quay sang cầu cứu tập đoàn tài chính IS Holdings và cũng mất đi công ty do mình lập nên.

Ngay cả bây giờ Fujino vẫn cho rằng Rheos không miễn nhiễm với khủng hoảng. Điểm khác biệt là quỹ đã chuẩn bị tốt hơn, mở rộng phạm vi khách hàng sang cả nhà đầu tư nhỏ lẻ. Những cú sốc từ thảm họa sóng thần năm 2011 hay sự kiện Trung Quốc phá giá nhân dân tệ mùa hè năm ngoái không thể khiến Rheos chao đảo.

Là một trong số ít các công ty quản lý quỹ độc lập ở Nhật Bản, Rheos sử dụng cách tiếp cận mới lạ để mở rộng. Theo chiến lược marketing trực tiếp, Fujino thuyết phục 20 ngân hàng địa phương phân phối sản phẩm của mình – những sản phẩm hầu như chưa từng được biết đến ở Nhật Bản, nơi các ngân hàng thường ưa thích những công ty quản lý đến từ những tập đoàn danh giá. Tuy nhiên giờ đây các khách hàng từ nguồn này đã chiếm tới hơn 20% số tài sản mà Rhoes đang quản lý.

Đeo chiếc kính giống với phong cách của John Lennon với hi vọng có thể xóa tan định kiến tiêu cực ở Nhật Bản về các nhà quản lý quỹ, Fujino cho biết ông mong muốn có thể tiếp tục duy trì tốc độ mở rộng khách hàng ở cả trong và ngoài nước, trong đó có các quỹ hưu trí và quỹ hiến tặng của Mỹ.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục