Thành công tại thị trường bán lẻ cạnh tranh khốc liệt của Mỹ chưa bao giờ là điều dễ dàng đối với công ty nước ngoài lẫn các công ty Mỹ.
Trở thành triệu phú không hạnh phúc như tôi tưởng
- Cập nhật : 12/12/2015
(Doanh nhan)
Thế giới của tôi không có gì thay đổi, việc mua đồ cũng chẳng khiến tôi thực sự vui vẻ bằng viết blog, chụp ảnh và tất cả những thú vui mà từ trước tới giờ mình vẫn làm.
David Heinemeier Hansson là đồng sáng lập Basecamp - chuyên cung cấp công cụ quản lý dự án. Anh trở thành triệu phú nhờ bán cổ phần cho nhà sáng lập Amazon - Jeff Bezos. Tuy vậy, trên Medium, anh cho biết cuộc sống sau đó không hề vui vẻ như tưởng tượng.
Tôi lớn lên trong một gia đình không hề khá giả ở ngoại ô Copenhagen (Đan Mạch). Nhưng may mắn là cuộc sống vẫn được đảm bảo nhờ chế độ an sinh xã hội của đất nước. Căn nhà tôi ở được hỗ trợ bởi AAB - một hiệp hội chuyên cung cấp nhà giá rẻ thành lập bởi công đoàn. Mỗi ngày, mẹ tôi đạp xe thêm 15 phút để mua được sữa với giá rẻ nhất. Chính phủ cũng hỗ trợ chăm sóc y tế, giáo dục , chăm sóc con nhỏ, nghỉ thai sản nữa. Nhờ vậy, gia đình tôi cũng đủ sống.Tôi nhớ mình thường cùng em trai tưởng tượng xem sẽ làm gì nếu có một triệu kroner. Chúng tôi muốn một chiếc Commodore 64, những chuyến du lịch nước ngoài hàng năm, hay thậm chí là mua ôtô cho cả nhà. Cái chính là cuộc sống sẽ thật tuyệt vời nếu không bị ràng buộc bởi gánh nặng tài chính eo hẹp.
Khi lớn lên, suy nghĩ của tôi vẫn không đổi. May mắn là tôi được Chính phủ Đan Mạch cung cấp nhu yếu phẩm, và việc kinh doanh phần mềm lậu cũng giúp tôi sống khá thoải mái. Nhưng tôi vẫn muốn nhiều hơn thế, luôn nghĩ rằng chỉ cần thêm chút nữa là mình sẽ tới được hạnh phúc viên mãn. Giống như khi đã có được chiếc máy tính Amiga 1200 hằng ao ước, bạn lại nhận ra thứ mình thực sự cần là Amiga 4000 chẳng hạn. Vòng luẩn quẩn đó dường như không bao giờ chấm dứt.
Năm 2006, Jeff Bezos bất ngờ có hứng thú với Basecamp - website do tôi và một người bạn cùng sáng lập. Thế là chúng tôi bán cho ông một phần nhỏ cổ phiếu. Tôi bỗng chốc trở thành triệu phú.
Tôi nhớ như in cái ngày mà số dư tài khoản của mình tăng lên chóng mặt. Cuối cùng tôi đã có thể tậu được bất cứ cái máy tính, máy ảnh hay xe hơi nào mình từng muốn. Quan trọng hơn cả, tôi sẽ không cần phải làm việc nữa. Tôi tính toán nếu đem số tiền này đi đầu tư chứng khoán, mình có thể sống sung túc tới cuối đời mà không cần động tay làm gì.
Nhưng rồi lòng tin của tôi gặp phải đôi chút khủng hoảng. Tại sao thế giới của tôi vẫn không có gì thay đổi?
Tất nhiên tôi vẫn thấy thỏa mãn khi không còn phải chăm chăm nhìn vào bảng giá khi đến nhà hàng nữa. Nhưng nó cũng giống như việc bạn cảm thấy có chút hụt hẫng khi xem một bộ phim được tâng bốc quá nhiều trước. Chính sự kỳ vọng, chứ không phải kết quả, là thứ chi phối hạnh phúc.
Vài tháng đầu, tôi gần như không đụng tới số tiền đó, ngoại trừ chiếc TV màn hình lớn và bộ đĩa DVD. Phải đến cuối năm tôi mới thực sự chi tiền - một chiếc Lamborghini màu vàng. Nhưng dù rất đẹp, nó vẫn không khiến tôi hạnh phúc.
Điều thực sự khiến tôi cảm thấy vui vẻ là phát triển Basecamp, viết bài cho Signal v. Noise, chụp ảnh và tất cả những thú vui mà từ trước tới giờ tôi vẫn làm. Cảm giác giống như tôi hạ được tấm màn mang tên "Giấc mơ triệu phú", để rồi nhận ra những thứ ẩn đằng sau nó lại chính là những gì mình đang sở hữu. Kể cả có bị mất hết tiền, thì cùng lắm tôi sẽ trở lại nơi mình bắt đầu tại căn hộ 40m2 ở Copenhagen mà thôi. Sự tò mò và niềm đam mê của tôi vẫn còn nguyên vẹn. Giàu có hay không, tôi đều có thể vui vẻ.
Thật buồn cười là khi chưa giàu, tôi đã từng nghe nhiều triệu phú khác nói về điều này. Khi ấy tôi đương nhiên không tin. Tôi nghĩ họ nói điều đó dễ dàng như vậy chỉ vì họ đã có tất cả. Và khi bạn đọc những dòng này, có lẽ bạn cũng sẽ nghĩ y hệt như tôi ngày ấy.
Thay đổi số dư tài khoản, kích cỡ TV hay loại xe chưa bao giờ khiến tôi thấy trọn vẹn. Tôi cần phải tự tìm ra điều gì có thể thực sự khiến mình hài lòng.
Thực ra, tôi cũng may mắn khi được Chính phủ cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm để sống thoải mái và an toàn. Tôi không bao giờ phải để bụng đói đi ngủ, không lo bị bắn chết, và kể cả có là một nhân viên bán hàng với mức lương tối thiểu thì cũng chẳng sao.
Con người chúng ta thích ứng với môi trường xung quanh rất nhanh chóng. Ngay khi nhận ra những thứ bên cạnh mình chưa thực sự hoàn hảo, bạn chắc chắn sẽ tiếp tục tìm kiếm.
Còn nữa, khoảng cách từ những điều tốt đẹp nhất tới những điều tốt đẹp nhì là cực lớn, lớn hơn khoảng cách từ điều tốt nhì tới điều tốt thứ hai mươi rất nhiều. Một khi bạn đã có được những thứ cần thiết cơ bản, sẽ rất khó để tìm thấy thứ đáng giá khác. Rất có thể bạn đã có hoặc ít nhất là thấy được những thứ tốt đẹp nhất trong cuộc đời mình. Vì thế, hãy trân trọng chúng.