tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Nghịch lý gạch nung gây ô nhiễm môi trường vẫn tồn tại

  • Cập nhật : 13/09/2015

(Tin kinh te)

Gạch nung hiện vẫn là sản phẩm được lựa chọn chính trong các công trình xây dựng, trong khi đó gạch không nung hạn chế ô nhiễm môi trường được thế giới sử dụng từ lâu thì tại Việt Nam nhiều nhà thầu xây dựng và người dân vẫn còn chưa xem đến.

Tại Hà Nội lò gạch thủ công đã bị xóa bỏ 100% (khoảng 1751 lò gạch thủ công) nhưng vẫn còn tồn tại lò gạch thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên thạch nên sản phẩm gạch nung vẫn được có mặt trên thị trường. Hầu hết các công trình xây dựng nhà dân sử dụng gạch nung theo thói quen truyền thống. Đặc biệt, thợ xây thông thường ngại lựa chọn vật liệu xây không nung bởi khi dùng cần kỹ thuật phức tạp hơn.

nghich ly gach nung gay o nhiem moi truong van ton tai

Nghịch lý gạch nung gây ô nhiễm môi trường vẫn tồn tại

Ông Trần Việt Trung, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: “Một số công trình cao tầng, nhà dân đã chọn vật liệu xây không nung để sử dụng nhưng chủ yếu là loại vật liệu xây không nung loại năng như gạch xi măng cốt liệu đá mạt, các loại vật liệu xây không nung nhẹ khác chưa được sử dụng phổ biến. Có doanh nghiệp còn cân nhắc khi sử dụng trong các công trình nhà ở thương mại cao cấp. Việc tiêu thụ vật liệu xây không nung còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt với khu vực nông thôn của các huyện”.

Dù Hà Nội đã có mức hỗ trợ tháo dỡ lò gạch 10 triệu đồng/lò/hộ/lần và trợ cấp khó khăn trong giai đoạn chuyển đổi việc làm cho người dân không thuộc hộ nghèo, cận nghèo một triệu đồng/người/lần đồng thời hỗ trợ 2,5 triệu đồng/người/lần cho người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo nhưng một số khu vực vẫn còn vỏ lò, chưa tháo dỡ triệt để dễ tái sử dụng sản xuất gạch nung trở lại. Hiện Hà Nội, vẫn tồn tại lò thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Thêm một nghịch lý là xóa bỏ lò gạch nung nhưng nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng không nung chưa đủ cung cấp nhu cầu vật liệu xây dựng của Hà Nội. Ông Trung nói: Nhu cầu về vật liệu xây của Hà Nội lớn trong khi các nhà máy sản xuất gạch tuynel, gạch không nung chưa đủ sản lượng để đáp ứng nhu cầu, đặc biệt nhu cầu về vật liệu xây cho chương trình xây dựng nông thôn mới tại khu vực nông thôn thuộc các huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa, Sóc Sơn, Ba Vì, Chương Mỹ, Quốc Oai, Đan Phượng, Thạch Thất…nơi đây mỗi huyện có hàng trăm lò thủ công đã được xóa bỏ.

“Theo lộ trình đến giai đoạn 2016-2020 Hà Nội sẽ ngừng đầu tư sản xuất gạch nung, chuyển đổi sang sản xuất và sử dụng gạch không nung”, ông Trung cho biết thêm.

Lý giải việc gạch nung vẫn được lựa chọn nhiều hơn vật liệu xây dựng không nung, ông Phạm Văn Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng cho rằng: “Nguyên nhân chủ yếu do nhận thức của các nhà đầu tư, tư vấn thiết kế và người dân về sản phẩm vật liệu xây không nung còn chưa đầy đủ, đa phần chưa hiểu hết những ưu điểm của loại vật liệu này và vẫn giữ thói quen sử dụng gạch nung truyền thông”.

Thực tế kỹ thuật thi công vật liệu xây không nung đòi hỏi quy trình phức tạp hơn, cần vôi chuyên dụng nên công nhân phải có trình độ và tuân thủ theo quy trình kỹ thuật nhất định. Đây là một trong những lý do làm người tiêu dùng chưa chọn vật liệu xây không nung trong hoàn thiện các công trình xây dựng.

Điều đặc biệt, việc thực hiện xóa bỏ các lò nung thủ công, lò nung cải tiến, lò vòng trên phạm vi cả nước còn chưa được triệt để nên nguồn cung gạch nung ra thị trường vẫn lớn.

Hiện trên cả nước có các địa phương như TPHCM, Đồng Nai, Bắc Ninh, Hải Dương có tỷ lệ sử dụng vật liệu xây không nung cao.

Trên phạm vi toàn quốc, để đẩy mạnh đầu ra cho sản phẩm vật liệu xây không nung bảo vệ môi trường, ông Phạm Văn Bắc cho rằng cần triệt để xóa bỏ lò gạch nung thủ công và gia tăng chính sách khuyến khích nhà đầu tư, nhà thầu, người dân sản xuất và sử dụng sản phẩm này. Ông Bắc nhấn mạnh: “Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách khuyến khích sản xuất và ưu tiên sử dụng vật liệu xây không nung, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất nung”.

(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục