Cứu tàu cá cùng 9 ngư dân gặp nạn trên biển
Vỡ đường ống xút Nhà máy alumin Tân Rai
Sông Sêrêpốk cạn trơ đáy, du lịch Buôn Đôn gặp khó
Người lao động cần tâm thế mới
Cấp cứu hơn 23.000 trường hợp tai nạn giao thông dịp tết
Hà Nội ban hành quy hoạch chi tiết khu phố cũ
- Cập nhật : 16/09/2015
(Quy hoach)
Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu phố cũ vừa được UBND TP Hà Nội ban hành xác định chi tiết chiều cao xây dựng cho từng tuyến phố. Quy chế cũng đặt ra yêu cầu không xây dựng nhà ở cao tầng sai quy hoạch trong khu vực
Theo Quy chế, khu phố cũ Hà Nội nằm trên địa bàn 4 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Hai Bà Trưng có diện tích gần 508ha (không bao gồm các khu phố cổ, khu vực Hồ Gươm và phụ cận, khu vực Trung tâm chính trị Ba Đình phía Nam phố Hoàng Hoa Thám), với 215 ô phố và khoảng 150 tuyến phố.
Xác định chiều cao cho từng dãy phố
Khu vực phố cũ sẽ được bảo tồn và phát huy cấu trúc, không gian đô thị cũ - thành phố vườn, duy trì và khôi phục các không gian công cộng. Hà Nội cũng sẽ bảo tồn các tuyến phố có nhiều kiến trúc đặc trưng và các tuyến phố có nhiều biệt thự cũ xây dựng trước năm 1954. Hai bên tuyến đường phố cũ cũng sẽ được nghiên cứu tổ chức không gian kiến trúc đồng bộ.
Quy định chung trong khu vực phố cũ được Hà Nội đưa ra đối với các công trình xây dựng đặc trưng từ 4 - 6 tầng (khoảng 16 - 22m), mật độ xây dựng tại các ô phố không quá 70%. Mật độ dân số trong khu vực phố cũ được Hà Nội hướng đến khoảng 230 người/ha.
Màu sắc của các công trình xây mới phải đảm bảo hài hòa, phù hợp với cả dãy phố. Không sử dụng các vật liệu, màu sắc mặt nhà có độ phản quang cao, có tính chất quảng bá sản phẩm hoặc che phủ chống thấm bằng màu đen, xám. Không sử dụng các chi tiết kiến trúc pha tạp nhiều phong cách trên cùng một công trình hoặc sử dụng nhiều chi tiết kiến trúc cổ điển rườm rà.
Trên địa bàn quận Ba Đình có 58 ô phố thuộc khu phố cũ, có diện tích khoảng 144ha, được chia làm 2 khu vực. Khu vực liền kề khu Trung tâm chính trị Ba Đình và Hoàng thành Thăng Long tập trung nhiều công trình, cấu trúc di sản, cây xanh phải bảo tồn. Khu vực tiếp giáp Hồ Trúc Bạch và Khu phố cổ, chủ yếu là nhà ống liền kề với tầng cao đặc trưng từ 4-6 tầng.
Khu vực thuộc địa bàn quận Hoàng Kiếm gồm 88 ô phố, có quy mô khoảng 200 ha. Khu vực này bao gồm nhiều tuyến phố giao cắt với nhiều biệt thự di sản, cây xanh phải được bảo tồn. Phố cũ trên địa bàn quận Hai Bà Trưng có diện tích khoảng 143ha với nhiều di sản và công viên phải được bảo tồn. Khu vực quận Tây Hồ, diện tích phố cũ chiếm gần 20ha, gắn với cảnh quan Hồ Tây và một phần Trung tâm chính trị Ba Đình.
Không xây mới trường bệnh viện, trường đại học
Trên cơ sở phân chia các khu phố cũ, UBND TP Hà Nội quy định cụ thể mật độ, chiều cao, tầng cao xây dựng tối đa và khoảng lùi lại mỗi ô phố. Cụ thể như khu vực Quảng trường Nhà thờ Lớn (0,25ha), đối với dãy nhà từ số 2 đến số 10 phố Ấu Triệu chỉ được xây công trình tối đa từ 2-3 tầng. Phố Lý Quốc Sư công trình xây dựng tối đa là 3 tầng.
Với khu vực Cửa Nam chiều cao tối đa của công trình lớp ngoài mặt phố như tại góc đường giao điểm Hàng Bông - Nguyễn Thái Học được xây từ 2-4 tầng (cao khoảng 12-16m). Khu vực Quảng trường Cách mang tháng Tám và vườn hoa rộng khoảng 3,25ha (công trình chủ đạo là Nhà hát Lớn) chiều cao khống chế là 8 tầng (khoảng 29m); riêng góc phố Tràng Tiền chiều cao khống chế 3 tầng.
Việc phát triển công trình hạ tầng xã hội trong khu phố cũ cũng được UBND TP Hà Nội quy định rất chặt chẽ. Theo đó, trên địa bàn này sẽ không mở rộng thêm diện tích sử dụng đất và quy mô giường bệnh của các bệnh viện hiện có. Hà Nội cũng không cho phép xây dựng cơ sở giáo dục đại học, nghề nghiệp trong khu vực này.
Hà Nội cũng sẽ tiếp tục di dời các cơ sở sản xuất, trụ sở một số bộ ngành, trường đại học, cơ sở y tế gây ô nhiễm ra bên ngoài phố cũ. Quỹ đất sau khi di dời được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, công trình hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật phục vụ công cộng. Đặc biệt là không xây dựng nhà ở cao tầng sai quy hoạch trong khu vực này.