Theo các chuyên gia, có thể đến giữa năm 2017 hoặc đầu năm 2018 thì Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mới có thể chính thức được ký kết, nhưng việc chuẩn bị các công việc ngay từ bây giờ đã là muộn…
Giải pháp nào tránh lãng phí trong sử dụng xe công?
- Cập nhật : 09/11/2015
(Tin kinh te)
Mỗi năm ngân sách phải chi hơn chục ngàn tỉ đồng cho việc vận hành 40.000 xe công. Đây là một gánh nặng trong tình hình nợ công ngày càng tăng.
* Ông ĐỖ MẠNH HÙNG (phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội):
Nhận khoán xe công vừa chủ động vừa tiết kiệm
Tôi đang nhận khoán tiêu chuẩn xe công vụ mức 10 triệu đồng/tháng và thấy rất thoải mái, thuận tiện. Tôi không đủ cơ sở để khẳng định chi phí trung bình 320 triệu đồng/năm cho mỗi xe công đang hoạt động có lãng phí hay không, nhưng chắc chắn một điều là việc nhận khoán của những người có tiêu chuẩn xe công ở các cơ quan Quốc hội đã tiết kiệm cho ngân sách rất nhiều.
Theo tôi, chủ trương khoán xe nói riêng và khoán một số chi tiêu khác là đúng hướng, bởi vừa tiết kiệm cho ngân sách, người trong cuộc cũng chủ động, vừa tạo ra những suy nghĩ thiện cảm hơn cho người dân.
Tùy từng cơ quan, tính chất công việc sẽ có mức khoán khác nhau nhưng nên nghiên cứu mức khoán phù hợp, động viên được người nhận khoán.
Ngoài ra, cũng nên quy định các hình thức khoán linh hoạt, thay vì chỉ đưa đón hằng ngày, để khi có công vụ đột xuất thì cũng sẽ đáp ứng được yêu cầu công việc.
Tuy nhiên theo tôi, chỉ nên động viên, khuyến khích nhận khoán xe công, không nên quy định cứng mà để người có tiêu chuẩn được lựa chọn.
* Đại biểu TRẦN DU LỊCH (TP.HCM):
Nên thực hiện cơ chế thuê xe ngoài để tránh lãng phí
Chuyện lãng phí xe công đã đặt ra nhiều năm chứ không phải bây giờ ngân sách eo hẹp mới xới lên. Con số gần 13.000 tỉ đồng chi cho hoạt động của 40.000 xe công có cắt giảm được không? Tôi nghĩ là được.
Chẳng hạn, xe đưa đón đi làm phải ở cấp bộ trưởng, còn thứ trưởng trở xuống thì nên đưa vào tiền lương.
Ngoài ra, chỉ nên sử dụng 7 chỗ hoặc 15 chỗ, đi tập thể để tiết kiệm hoặc là thuê xe ngoài. Như vậy không phải bỏ tiền đề mua xe, thuê tài xế, duy tu bảo dưỡng.
Nhưng đâu chỉ chuyện xe mà ngay cả bộ máy phục vụ hành chính nhiều nơi cũng đã thuê bên ngoài.
Với những cơ quan mà không cần thiết phải sử dụng biên chế công để thực hiện công tác hậu cần thì thuê ngoài là cách kiểm soát tốt về ngân sách mà không ai lạm dụng được cả.
Theo tôi, từ năm tới phải làm mạnh tay, quyết liệt vấn đề này. Có lẽ không khó để Bộ Tài chính có thể tính toán toàn bộ chi phí, sự lãng phí xe công trong cả nước. Nhưng chỉ có thay đổi cơ chế mới hết lãng phí, mà xe công chỉ là một phần của sự lãng phí đó.
* Đại biểu NGUYỄN THÁI HỌC (Phú Yên):
Sớm sửa đổi chế độ sử dụng xe công
Sự lãng phí về xe công nhìn sâu xa, việc lớn nhất là do quy định chế độ sử dụng xe công. Chế độ đó đã ban hành rồi thì người ta cứ áp dụng, bây giờ muốn chấn chỉnh áp dụng cần phải sửa đổi, ràng buộc lại, phải xem xét lại từ vấn đề gốc.
Nếu không, các địa phương cứ thực hiện, chứ không có cơ sở nào để kêu gọi cắt giảm cả.
Ngoài ra, theo tôi, đã đến lúc Chính phủ phải thể hiện được là mình đang cần sự thắt lưng buộc bụng đó, chứ nếu Chính phủ cứ bình thường, không “kêu ca” thì việc gì địa phương phải cắt giảm?
Đặc biệt, vấn đề quan trọng là phải rà soát lại đối tượng sử dụng xe công, những người nào chưa phải ở chức vụ được sử dụng xe công nhưng vẫn sử dụng cần chấn chỉnh.
Chẳng hạn quy định chỉ có bí thư, phó bí thư, chủ tịch UBND, chủ tịch HĐND tỉnh là được đưa đón bằng xe công, nhưng trên thực tế nhiều chức vụ khác cũng sử dụng xe công sai quy định.
Về định mức xăng xe, cũng phải rà soát xem có chênh lệch nào không, có kẽ hở nào không, mức xăng sử dụng có đúng thực tế chưa...
Cần phải chấn chỉnh chứ không thể để tình trạng này kéo dài được nữa, nhất là trong bối cảnh ngân sách đang gặp nhiều khó khăn.