tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Finance Career Path 2020: 'chìa khóa' cho tương lai của thế hệ Z trong ngành tài chính

  • Cập nhật : 16/01/2020

Ngày 13/1/2020, Workshop Finance Career Path 2020 “Làn sóng nghề nghiệp mới trên thị trường Tài chính: Hướng đi nào cho thế hệ Z?” do Câu lạc bộ Chứng khoán (SIC) trường Đại học Ngoại thương tổ chức đã diễn ra sôi nổi với sự tham gia đông đảo của nhiều bạn sinh viên khối ngành Kinh tế - Tài chính thuộc các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn thành phố Hà Nội.

finance career path 2020: 'chia khoa' cho tuong lai cua the he z trong nganh tai chinh

Finance Career Path 2020: 'chìa khóa' cho tương lai của thế hệ Z trong ngành tài chính

Workshop xoay quanh 2 nội dung chính:  Định hướng nghề nghiệp trong ngành Tài chính và Thế hệ Z dưới góc nhìn của nhà tuyển dụng.

Phần I: Định hướng nghề nghiệp trong ngành Tài chính

Mở đầu buổi workshop là phần chia sẻ của anh Nguyễn Việt Phương - Cựu chuyên viên phân tích Vietcombank Fund Management, CFA Charterholder. Anh Phương cho rằng sự phục hồi phát triển của nền kinh tế nói chung và giới tài chính nói riêng sau thời kỳ nợ xấu từ 2012 đã đem tới nhiều cơ hội nghề nghiệp cho lớp trẻ Việt Nam. Trước đây khi nhắc đến Tài chính thường mọi người sẽ nghĩ đến công việc trong những ngân hàng bởi nó có tính ổn định và chắc chắn. Nhưng với những thay đổi của các chính sách, cũng như cập nhật xu hướng mới của thế giới, việc làm trong ngành Tài chính đã được mở rộng hơn và chuyên sâu hơn trước đây. Một số nhóm công việc nổi bật có thể kể đến như: tài chính doanh nghiệp, quỹ đầu tư, ngân hàng, công ty chứng khoán,... Điều này cũng đồng nghĩa là yêu cầu về kỹ năng và chuyên môn của các nhà tuyển dụng đối với các ứng viên trong lĩnh vực này sẽ cao hơn.

Khi được hỏi về sự khác biệt giữa những công việc trên, anh Phương thẳng thắn chia sẻ: “Đương nhiên là có sự khác biệt. Thật ra rất ít công việc mà có thể nói giống hệt nhau. Nếu mà để chia con người ra bao nhiêu đặc điểm tính cách thì nó rất là khó. Mình xin mạn phép chia làm 2 loại: một là sống nội tâm hai là sống đối ngoại.” Anh nhấn mạnh việc hiểu tính cách và sở thích của bản thân là rất quan trọng và mỗi người nên có định hướng nghề nghiệp từ sớm. Anh cũng không đồng tình với quan điểm “nghề chọn người chứ không phải người chọn nghề”. “Việc gì bạn làm phải do chính bản thân bạn quyết định.” - đó là phương châm sống của anh. Hơn nữa, anh Phương cho rằng tính cách cũng không ảnh hưởng quá lớn đến lựa chọn công việc bởi vì con người có thể đa nhân cách một chút. “Bản thân mình là người hướng nội, mình rất ngại đám đông mình nhưng mà mình phải đi giao tiếp rất nhiều nên mình thực sự cảm thấy có một cái gì đó cải thiện.” - anh chân thành chia sẻ với các bạn sinh viên.

Sau phần giao lưu với anh Phương với những đánh giá về cơ hội việc làm tài chính truyền thống, các bạn sinh viên được lắng nghe những kiến thức thực tiễn trong lĩnh vực Fintech (tài chính công nghệ) từ anh Nguyễn Hoàng Giang - Cựu CEO của VnDirect, hiện là Founder - CEO của Công ty Cổ phần Công nghệ tài chính ENCAPITAL. Trước tiên, anh khuyên các bạn sinh viên nói riêng, thế hệ Z nói chung cần tích cực trau dồi tri thức bằng cách đọc sách và các trang báo, tạp chí về Kinh tế - Tài chính càng sớm càng tốt. Có thể nói ngành tài chính đem lại cơ hội rộng mở để kiếm tiền, nhưng để tận dụng thời cơ các bạn trẻ nên chuẩn bị hành trang thật vững vàng, cụ thể là kiến thức và kỹ năng, mà không nên lãng phí quỹ thời gian quý báu của mình.

Đặc biệt, anh Giang cũng đưa ra cái nhìn về xu hướng phát triển của lĩnh vực Fintech ở Việt Nam. “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là số hóa tất cả mọi thứ bởi vì là công nghệ tính toán tốt hơn. Cái lợi của số hóa tất mọi thứ khi mà công nghệ tính toán tốt hơn đó là chúng ta có năng lực tiếp cận khối lượng dữ liệu lớn hơn và năng lực xử lý dữ liệu nhiều hơn.” Điều này cũng đặt ra những thách thức cho nhân sự ngành tài chính khi họ không chỉ cần có kiến thức chuyên môn tốt mà còn phải hiểu công nghệ. Lời khuyên của anh Giang dành cho các bạn trẻ là hãy học tốt các môn học như xác suất thống kê, toán,... khi còn ở trên trường, đồng thời rèn luyện thêm kỹ năng phân tích dữ liệu và ngôn ngữ lập trình. Công nghệ sẽ dần thay thế một số công việc đang tồn tại và tạo ra những công việc mới có độ khó cao hơn, yêu cầu sự tỉ mỉ và tư duy đa chiều. Riêng trong ngành Tài chính, xu hướng tất yếu sẽ là sự nổi lên của nghề tư vấn tài chính đối với cá nhân và đối với doanh nghiệp. Lý do là có nhiều người kiếm được nhiều tiền nhưng không biết cách quản lý tiền và sinh lời từ nguồn vốn hiện có. Xét trên diện vĩ mô, trong tương lai gần tiền số có khả năng sẽ thay thế tiền giấy với mức tiện lợi và độ bảo mật cao hơn, đồng thời xu hướng thanh toán qua ví điện tử và thẻ ngân hàng sẽ ngày càng phổ biến, kéo theo sự biến mất của phương thức tiền mặt.

Phần II: Thế hệ Z dưới góc nhìn của nhà tuyển dụng

Sự biến đổi không ngừng của công nghệ và lĩnh vực tài chính đã đặt ra bài toán nâng cao trình độ và khả năng thích nghi đối với thế hệ Z. Là một người có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực tuyển dụng, chị Dương Thị Tuyết Trinh - Giám đốc Vận hành Công ty Cổ phần Việc làm 24H đã chia sẻ kinh nghiệm với các bạn sinh viên những bí quyết để ứng tuyển thành công trong thời đại ngày nay.

Theo chị Trinh, bên cạnh năng lực làm việc, các bạn sinh viên nên nắm rõ cách viết CV sao cho khoa học và nổi bật so với những ứng viên khác. Nói cách khác, việc cho những thông tin quan trọng và trình bày nội dung sao cho hợp lý là vô cùng cần thiết. Bởi lẽ CV chính là gương mặt, là ấn tượng ban đầu của bạn đối với nhà tuyển dụng. Nếu qua loa trong khâu này có nghĩa là bạn sẽ mất điểm ngay từ ánh nhìn đầu, vậy thì khả năng bạn được liên hệ hẹn phỏng vấn sẽ rất thấp.

Còn nếu đã qua được vòng lọc CV, bạn sẽ phải chuẩn bị những gì cho buổi gặp mặt phỏng vấn sau đó? Trước tiên, bạn phải có sự hiểu biết nhất định về công ty mình đang ứng tuyển, biết rõ về yêu cầu của họ đối với công việc và có những kỳ vọng nhất định về công việc đó (mức lương, phúc lợi,...). Khi đến phỏng vấn, trang phục của bạn phải gọn gàng, đồng thời không nên máy móc trả lời các câu hỏi của đối phương mà hãy thể hiện sự chủ động bằng cách đặt các câu hỏi cụ thể liên quan đến công việc mình sẽ làm. Điều này sẽ ghi được điểm cộng trong mắt nhà tuyển dụng.

Một yếu tố quan trọng khác mà nhiều người thường bỏ qua, đó là thái độ. Khi thái độ của bạn tích cực, nghiêm túc với công việc và có tinh thần trách nhiệm cao, các công ty sẽ đánh giá được khả năng đóng góp cho sự phát triển và gắn bó lâu dài với tổ chức, doanh nghiệp của bạn. Vậy nên, “kiến tâm cũng cần thiết như kiến thức”, chị Trinh nhấn mạnh.

Buổi workshop đã đem tới cơ hội tiếp thu những kiến thức và lắng nghe những chia sẻ đầy tâm huyết từ phía ba vị diễn giả. Với sứ mệnh bồi đắp kiến thức về lĩnh vực tài chính cho sinh viên, hỗ trợ cộng đồng sinh viên có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, Workshop Finance Career Path 2020 đã đem đến một sự kiện giàu tính thực nghiệm, trải nghiệm cho cộng đồng sinh viên Tài chính - Kinh tế.

Trở về

Bài cùng chuyên mục