Một thỏa thuận thương mại tự do như TPP không phải là sự thay thế cho một chiến lược kinh tế toàn diện nào đó.
Nhiều góc nhìn về cơ hội nền kinh tế VN
- Cập nhật : 13/10/2015
(Doanh nhan)
Tuổi Trẻ xin giới thiệu thêm nhiều góc nhìn về cơ hội cùng những vấn đề mà nền kinh tế VN sẽ phải đối diện khi tham gia sân chơi TPP.
* Ông Katsuro Nagai (công sứ, trưởng Ban kinh tế Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam):
Đề xuất thành lập hiệp hội nông nghiệp mạnh
Nhiều ý kiến lo ngại rằng ngành nông nghiệp Việt Nam có nguy cơ thua trên sân nhà. Với TPP cũng giống như những hiệp định thương mại tự do khác có sự cạnh tranh rất khốc liệt.
Do đó, tôi nghĩ Chính phủ Việt Nam đã chuẩn bị những đối sách chiến lược để đối phó với vấn đề này. Hãy nhớ rằng tham gia TPP, Việt Nam và các nước khác phải có nghĩa vụ tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế cao.
Về ngành nông nghiệp, sản xuất sữa, tôi thấy đa số kinh doanh đơn lẻ, manh mún, chứ không tập hợp thành những hiệp hội sản xuất vững mạnh.
Phía Nhật cũng đã đề xuất Việt Nam giúp thành lập những hiệp hội nông nghiệp mạnh, trong đó hỗ trợ những hiệp hội này mua thêm máy móc, thiết bị, tăng quy mô và năng suất sản xuất để có thể cạnh tranh hơn.
Ngoài ra, Nhật Bản cũng viện trợ tài chính và giúp đỡ Việt Nam hiện đại hóa, nâng cao năng suất, áp dụng công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao.
* Ông Layton Pike (đại biện lâm thời Đại sứ quán Úc tại Việt Nam):
Tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu
Một trong những lợi ích quan trọng nhất mà TPP mang lại cho Việt Nam chính là giúp Việt Nam tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu. Chẳng hạn như TPP sẽ thiết lập một bộ quy tắc mới và một bộ tài liệu mới để ưu đãi các sản phẩm được xuất sang các nước thành viên TPP.
Điều này sẽ giúp các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư đến từ nước Úc, nhìn thấy cơ hội khi đầu tư ở Việt Nam thay vì đầu tư vào các nước không phải là thành viên của TPP.
Tuy nhiên, thách thức của Việt Nam chính là bảo đảm sự linh hoạt trong nền kinh tế để cho phép Việt Nam tận dụng tối đa các cơ hội do TPP mang lại.
Điều này có nghĩa là Việt Nam cần ban hành các quy định đơn giản hơn về việc thành lập và đóng cửa doanh nghiệp, cũng như bớt các điều kiện đối với các công ty muốn tham gia vào các ngành công nghiệp mới.
* Ông Haike Manning (đại sứ New Zealand tại Việt Nam):
Cơ hội tăng mạnh xuất khẩu trái cây
Dù có nhiều ý kiến lo ngại về sức cạnh tranh của mặt hàng nông sản Việt Nam trong TPP, nhưng tôi nghĩ có một số nông sản như trái thanh long của Việt Nam có cơ hội tìm được thêm nhiều thị trường mới. Cơ hội rất lớn cho Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu trái cây tươi của mình sang các nước.
Chúng tôi đang chia sẻ với Việt Nam những kiến thức và kinh nghiệm thành công của việc xuất khẩu trái kiwi cho Việt Nam.
Một số chuyên gia New Zealand đang hợp tác với các nhà nghiên cứu và nông dân Việt Nam để tạo ra nhiều giống thanh long đa dạng hơn nhằm giúp tăng sự hấp dẫn của trái thanh long Việt Nam với khách hàng quốc tế. Về dài hạn, chúng tôi sẽ giúp đưa trái thanh long của Việt Nam đến rộng rãi với thế giới.