tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Gian nan thay đổi tư duy kinh tế

  • Cập nhật : 15/02/2016

(Tin kinh te)

Theo tác giả, tư duy đổi mới đã có từ Hội nghị Trung ương thứ 6 khóa V (1979), tạo lực đẩy cho công cuộc Đổi Mới bắt đầu từ Đại hội VI (1986)

Sau Hiệp định Genève, đất nước tạm chia làm hai miền. Lúc bấy giờ, miền Bắc quản lý kinh tế theo chế độ kế hoạch hóa tập trung bởi đó là một trong những luận điểm thiết yếu của học thuyết xây dựng CNXH mà Liên Xô và tất cả các nước trong phe XHCN đều bắt buộc phải theo.

TỪ BÀI BÁO PHÊ PHÁN QUẢN LÝ TẬP TRUNG…

Bất ngờ, năm 1968, xảy ra một biến cố động trời: lần đầu tiên nhà lãnh đạo Tiệp Khắc Dubcek công khai lên tiếng phê phán các bất cập của chế độ quản lý kinh tế kế hoạch hóa tập trung và khởi xướng vận dụng cơ chế thị trường để khắc phục các bất cập ấy. Chủ trương của Dubcek, gọi là “CNXH thị trường”, lập tức bị Liên Xô và sau đó, tất cả các nước trong phe XHCN lên án là phản động, trái với học thuyết xây dựng CNXH. Dubcek bị tố cáo là phản bội và lấy cớ đó Liên Xô đưa quân vào Tiệp Khắc để lật đổ ông ta. Sự can thiệp quân sự thô bạo này liền bị các nước phương Tây phản đối kịch liệt nhưng dĩ nhiên tất cả các nước trong phe XHCN - kể cả Việt Nam - đều nhất trí ủng hộ, coi đó là biện pháp bạo lực cần thiết để cứu CNXH ở Tiệp Khắc.

Giữa lúc đó, tôi được mời thuyết trình trong một buổi nói khoa học cho cán bộ quanh các cơ quan trung ương. Chọn đề tài là quan điểm hệ thống trong quản lý kinh tế, tôi nêu ý kiến rằng kinh tế là một hệ thống phức tạp, gồm nhiều phần tử, bộ phận với những mục tiêu lợi ích khác nhau, nhiều mặt không tương hợp mà có thể xung khắc nhau, nếu quản lý tập trung duy ý chí từ một đầu não trung ương thì sớm muộn sẽ nảy ra những hiện tượng tiêu cực mà hồi đó đã bắt đầu xuất hiện và phát triển ngày càng trầm trọng: mua bán “chợ đen”; bộ máy hành chính quan liêu, nhũng nhiễu; kinh tế xuống dốc. Cho nên, cách quản lý kinh tế thích hợp nhất chỉ có thể là quản lý phi tập trung: phân cấp cho các địa phương, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị kinh tế để mọi đơn vị, mọi người được tự do làm ăn, trong khuôn khổ luật pháp.

gian nan thay doi tu duy kinh te

Gian nan thay đổi tư duy kinh tế

Cơ sở thực hiện quản lý phi tập trung chính là cơ chế thị trường. Biết vậy nhưng do dư âm vụ Dubcek còn nóng hổi nên trong bài nói chuyện, tôi chỉ nói xa xôi, tránh nêu tường minh ý đó. Dù đã cẩn thận như vậy song bài nói chuyện vẫn bị các quan chức quản lý phê phán nặng nề. Lãnh đạo Ủy ban Khoa học Kỹ thuật (nơi tôi đang công tác) cho biết một số bộ trưởng quan trọng lên án quan điểm bài nói chuyện là... “xét lại”! Qua đó đủ thấy vòng kim cô ý thức hệ siết chặt tư duy kinh tế hồi đó đến mức nào.

Để tránh bị quy kết vô căn cứ, tôi đăng toàn văn bài nói chuyện trên tạp chí Tin tức hoạt động khoa học của Ủy ban Khoa học Kỹ thuật.

Kết quả thật bất ngờ. Chỉ một tuần lễ sau, lãnh đạo Ủy ban Khoa học Kỹ thuật được Văn phòng Tổng Bí thư thông báo Tổng Bí thư Lê Duẩn đã đọc bài viết ấy, muốn gặp tôi trực tiếp để hỏi chuyện, đề nghị Ủy ban Khoa học Kỹ thuật đưa tôi xuống Đồ Sơn (Hải Phòng) làm việc với Tổng Bí thư trong mấy ngày. Buổi gặp đầu tiên có mặt cả một số quan chức ở Ủy ban Khoa học Xã hội và Văn phòng Trung ương Đảng. May thay, Tổng Bí thư nhận xét khá tốt về bài báo, tuy có một số ý trong đó ông thấy cần trao đổi thêm nhưng căn bản ông đồng tình với quan điểm trong bài.

Thế là tôi được giải oan tư tưởng “xét lại” - một cái tội thời đó khá phiền phức cho ai bị quy oan. Và từ đó về sau, tôi thường được mời dự bàn những buổi thảo luận kinh tế ở trung ương.

gian nan thay doi tu duy kinh te

Gian nan thay đổi tư duy kinh tế

… ĐẾN SỰ LAN TỎA TƯ DUY ĐI MỚI

Nhưng lần góp ý quan trọng nhất phải đợi đến năm 1979, khoảng một tháng trước Hội nghị Trung ương thứ 6 khóa V.

Lúc bấy giờ, chỉ vài năm sau khi thống nhất, kinh tế đất nước suy sụp thảm hại, khó khăn chồng chất và hết sức gay gắt. Đây chính là thời kỳ ăn bo bo hoặc khoai sắn thay cơm một phần mà bây giờ nhớ lại ai cũng thấy hãi hùng.

Một hôm, tôi cùng với 4 anh em làm khoa học nữa được Tổng Bí thư mời xuống Đồ Sơn để tham khảo ý kiến tìm kế sách vượt qua các khó khăn kinh tế.

Chúng tôi đều thấy rằng thực trạng kinh tế - xã hội rất bi đát, chỉ có góp ý thẳng thắn mới mong giúp lãnh đạo nhìn thẳng vào sự thật và tìm ra giải pháp. Tuy nhiên, chỉ trừ tôi, còn 4 anh khác đều có chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước, chẳng ai muốn mạo hiểm phát biểu trước.

gian nan thay doi tu duy kinh te

Gian nan thay đổi tư duy kinh tế

Tôi đứng lên phát biểu đầu tiên. Tôi nêu ra thắc mắc về mấy vấn đề: 1. Lý thuyết làm chủ tập thể và dân chủ trong xã hội ta; 2. Chính sách ngăn sông, cấm chợ, làm cho hoạt động kinh tế tê liệt; 3. Cách quản lý xã hội như ta chỉ coi trọng lợi ích tinh thần, coi thường lợi ích vật chất là không thực tế, có chăng chỉ thích hợp với tình huống đặc biệt trong chiến tranh, còn trong thời bình chỉ làm người dân chán nản, không ai hăng hái làm ăn thì kinh tế làm sao có thể phát đạt được.

Đặc biệt, tôi mạnh dạn thưa rằng tôi và nhiều anh em khoa học hoàn toàn không hiểu “lý thuyết làm chủ tập thể” có ý nghĩa gì với việc quản lý kinh tế - xã hội hiện nay. Hồi đó, toàn Đảng coi đây là đóng góp sáng tạo lớn của Tổng Bí thư Lê Duẩn, hầu như thảo luận vấn đề gì có dính đến chính trị, kinh tế đều phải cố gắng viện dẫn lý thuyết đó ra thì mới coi là chuẩn, dù nhiều khi rất gượng gạo. Tôi hiểu rằng đụng tới vấn đề này là liều lĩnh, có thể đưa đến cho tôi nhiều phiền phức; mặt khác, tôi lại được khuyến khích khi nhớ lại quan điểm khá khoáng đạt của Tổng Bí thư trong lần gặp hồi năm 1970.

Do đó, sau khi nghe Tổng Bí thư giảng giải một hồi ý nghĩa của “làm chủ tập thể”, tôi thưa lại rằng tất cả những điều ông vừa giảng, chúng tôi đã nghe nhiều lần trong các buổi thảo luận chính trị song tôi vẫn băn khoăn ta nói làm chủ tập thể là hình thức dân chủ cao hơn dân chủ XHCN nhưng ngay cả dân chủ tư sản mà ta thường đánh giá thấp thì ta cũng chưa đạt được như họ. Để dẫn chứng, tôi nêu ra nhiều việc cụ thể và đọc luôn cho Tổng Bí thư nghe mấy câu truyền miệng khá phổ biến ở vỉa hè hồi đó: “năng làm thì đói, biết nói thì no, biết bò thì sướng, càng bướng càng khổ...”. Tổng Bí thư lộ vẻ kinh ngạc, có lẽ lần đầu ông mới nghe những điều tồi tệ đến vậy. Nhưng ông trấn tĩnh được ngay và tiếp tục trao đổi bình thường.

Câu chuyện dần dần chuyển qua phản ánh những lời ta thán của dân chúng xung quanh việc ngăn sông cấm chợ, làm ăn khó khăn, dân tình bất an vì mất tự do và đời sống ngày càng khốn khó.

gian nan thay doi tu duy kinh te

Gian nan thay đổi tư duy kinh tế

Hôm sau, Tổng Bí thư đưa ra câu hỏi: Làm thế nào chống tiêu cực? (hồi ấy tiêu cực là từ dành để nói tham nhũng). Tôi đáp: Với cách quản lý kinh tế như ta, không thể chống tiêu cực được. Bởi cán bộ công chức lương quá thấp, không sống nổi thì họ phải xoay xở mọi cách để sống và khi xoay xở làm sao tránh được tiêu cực. Bắt đầu là tầng lớp cán bộ công chức cấp thấp nhất, rồi leo dần lên cấp cao hơn vì kinh tế càng khó khăn thì cấp cao hơn cũng dần dần không sống nổi bằng lương. Cứ thế, tiêu cực sẽ đi từ cấp thấp nhất lên cấp cao. Không ai có thể cưỡng lại cái quy luật đó, cũng không ai dám chắc với cơ chế này, tiêu cực sẽ dừng lại ở cấp nào. Nói cách khác, tiêu cực, tham nhũng gắn liền với cách quản lý, nó là một khuyết tật hệ thống của cơ chế quản lý. Vậy vấn đề là phải thay đổi cơ chế quản lý thì mới chống được tiêu cực, mới chống được tham nhũng.

Hôm khác, Tổng Bí thư lại tỏ băn khoăn: Ta có nhiều đơn vị tiên tiến như Duyên Hải, Đại Phong, Vũ Thắng…, tại sao không nhân lên nổi? Tại sao phong trào thi đua cứ đi xuống dần, cứ nhạt dần? Tôi thưa lại: Lấy ví dụ HTX Vũ Thắng là đơn vị tiên tiến trong nông nghiệp, hằng năm được nhà nước cấp không 1.000 tấn than, lại còn bao nhiêu ưu ái khác về cán bộ..., nếu nhân lên thì cả nước lấy đâu ra đủ than, đủ cán bộ tốt... cấp cho mọi HTX? Theo tôi, cách quản lý kinh tế đó ta học của Trung Quốc, chắc chắn chỉ có thất bại. Còn về thi đua thì cần thấy rằng trong kháng chiến, tinh thần yêu nước, hy sinh chịu đựng rất cao, hơn nữa, thành tích thi đua không gắn liền với quyền lợi vật chất lớn thì thi đua ít bị méo mó; còn ngày nay, khi bệnh thành tích dối trá phát triển thì thi đua trong nhiều ngành rất dễ trở nên thiếu lành mạnh. Vì vậy, tôi đề nghị nên xem lại việc mở rộng thi đua một cách máy móc trong mọi ngành, đặc biệt là trong giáo dục.

Điều bất ngờ với chúng tôi là trước những ý kiến gai góc mà trước đó lãnh đạo chưa từng nghe bao giờ, Tổng Bí thư dù rất buồn vẫn không tỏ ý bực dọc mà vẫn bình tĩnh cùng chúng tôi trao đổi, thảo luận trong không khí cởi mở, thân thiện.

Sau đó một thời gian ngắn thì diễn ra Hội nghị Trung ương 6. Vào lúc đó, tôi chuẩn bị đi Canada theo một kế hoạch thỉnh giảng. Ngay trước ngày lên đường, tôi được Thủ tướng Phạm Văn Đồng gặp để căn dặn mấy điều nhờ tôi nhắn nhủ với anh chị em trí thức Việt kiều. Thủ tướng nói: “Những ý kiến các anh góp vừa qua ở Đồ Sơn rất tốt, kỳ này chúng ta sẽ chuyển hướng mạnh”. Về sau, tôi được biết Hội nghị Trung ương 6 đã có nghị quyết lịch sử với nhiều thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức và chủ trương; bỏ ngăn sông cấm chợ, nhân dân được tự do làm ăn hơn; lợi ích vật chất được coi trọng hơn; không còn xây dựng các điển hình tiên tiến theo kiểu HTX Vũ Thắng và chuyện thi đua cũng dần dần ít được nhắc tới.

Theo tôi, tư duy đổi mới đã thật sự hình thành từ Hội nghị Trung ương 6, tuy chưa quyết liệt và còn phải vất vả mấy năm nữa mới trở thành đường lối đổi mới mà nhờ đó chúng ta đã vượt qua được khủng hoảng gay gắt ở những năm 1980.

Qua câu chuyện trên, có thể thấy rằng ngay khi khó khăn nhất, nếu lãnh đạo chịu lắng nghe những tiếng nói tâm huyết ngược với lời ca tụng thông thường thì không những lấy lại được niềm tin mà còn tìm ra được lối thoát.

(Theo Người Lao Động)

Trở về

Bài cùng chuyên mục