tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Giải pháp cho vùng đồng bằng sông Cửu Long:Rà soát để điều chỉnh cơ cấu sản xuất

  • Cập nhật : 18/02/2016

(Tin kinh te)

Ngay sau hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã trả lời Tuổi Trẻ xoay quanh các giải pháp trước mắt và lâu dài cho vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ông nói:

bo truong cao duc phat - anh: chi quoc

Bộ trưởng Cao Đức Phát - Ảnh: Chí Quốc

- Biến đổi khí hậu đang tác động ngày càng rõ nét đến nước ta và khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Với những thông tin tôi có được đến nay cho thấy tình hình sẽ nghiêm trọng hơn và hạn hán năm nay là một trong những minh chứng cho xu hướng đó.

Trước tình hình như vậy cần phải cập nhật các thông tin, rà soát lại quy hoạch sản xuất cũng như các loại hình cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện cho khu vực ứng phó có hiệu quả với những diễn biến của biến đổi khí hậu, đảm bảo kinh tế - xã hội trong khu vực.

* Quan điểm của bộ trưởng về sự chọn lựa giữa yêu cầu đảm bảo an ninh lương thực quốc gia với cây lúa nước truyền thống và nhu cầu chuyển đổi một số vùng trồng lúa do tình trạng hạn, mặn hiện nay?

- Về lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó cần tính đến hai yếu tố quan trọng nhất. Cụ thể là hội nhập quốc tế, đặt ra những yêu cầu cho chúng ta phải làm ra những sản phẩm có khả năng cạnh tranh, đem lại được những lợi ích cho đất nước và nông dân. Kế đến là yêu cầu nền sản xuất đó phải thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm đảm bảo hiệu quả và bền vững.

Thế mạnh của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tôi có thể nói ngay vẫn là cây lúa, con tôm, một số loài thủy sản khác và cây ăn trái. Thời gian qua chúng ta có những cố gắng, tuy nhiên còn nhiều điều chưa được như mong đợi.

Song tôi vẫn khẳng định rằng đây là lợi thế của chúng ta. Ở những nơi chưa thể chuyển đổi sang cây trồng khác hoặc vật nuôi khác thì vẫn phải làm cây lúa với hiệu quả cao hơn để tiếp tục đem lại việc làm và thu nhập cho nông dân.

Còn những nơi có điều kiện hướng dẫn và hỗ trợ nông dân chuyển đổi cây trồng, cần làm hết mình và việc chuyển đổi đó phải phù hợp với khả năng thị trường, ứng dụng khoa học kỹ thuật của người dân...

* Thưa bộ trưởng, qua hội nghị cho thấy nhu cầu vốn rất lớn để có thể thực hiện một số biện pháp bảo vệ sản xuất, hỗ trợ người dân trong những trận thiên tai kéo dài như năm nay..., trong khi khả năng đáp ứng rất hạn hữu, bài toán này giải bằng cách nào?

- Rõ ràng yêu cầu đặt ra rất lớn so với khả năng nguồn lực của Nhà nước và nhân dân. Một mặt cần rà soát, cân đối nhằm tập trung vốn có thể có của Nhà nước để thực hiện những biện pháp có hiệu quả nhất trong tổng thể các giải pháp ứng phó.

Bên cạnh đó, cộng đồng quốc tế cũng rất quan tâm, hỗ trợ nước ta nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long, cần tập trung khai thác nguồn lực này.

Các địa phương cần dành nguồn lực cho ứng phó biến đổi khí hậu bên cạnh các đầu tư để phát triển; tính toán cơ chế để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chủ động triển khai các biện pháp, tham gia nỗ lực chung ứng phó với biến đổi khí hậu.

Giải thích về độ mặn

Theo thạc sĩ Kỷ Quang Vinh - Văn phòng công tác biến đổi khí hậu TP Cần Thơ, thông số 4 gam/lít (tương đương 4 phần nghìn) là ngưỡng chịu đựng độ mặn của lúa và một số loài cây, con khác.

Cụ thể với lúa, nếu độ mặn từ 1-3 phần nghìn thì vẫn sống được nhưng phát triển yếu, từ 4 phần nghìn trở đi sẽ vàng lá và chết rụi dần. Đối với một số loài cá như cá tra cũng có khả năng chết với độ mặn này...
 
QUỐC THANH thực hiện
Theo Tuổi Trẻ
Trở về

Bài cùng chuyên mục