An ninh lương thực đang là vấn đề được quan tâm hàng đầu ở mỗi quốc gia, trong bối cảnh dân số không ngừng phát triển, còn các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt. Bởi vậy, việc phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao đang được nhiều quốc gia chú trọng nhằm tăng năng suất và chất lượng nông nghiệp, đồng thời nâng cao tính cạnh tranh của nông sản trên thị trường toàn cầu.
GS Đặng Hùng Võ chỉ ra một nghịch lý bất ngờ của ưu đãi đầu tư vào nông nghiệp
- Cập nhật : 23/04/2017
Trong tổng số các doanh nghiệp trên cả nước, chỉ có 1% chọn làm nông nghiệp với số vốn khoảng 3% tổng vốn kinh doanh.
Một nền văn minh lúa nước, một dân tộc sống bằng nghề làm nông nhưng nông nghiệp lại gần như bị bỏ quên, liệu chăng có một sự nghịch lý?
Trong buổi họp diễn ra gần đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định một trong những vướng mắc của nông nghiệp chính là do dồn điền đổi thửa. Những mảnh ruộng manh mún, không được tập trung lại khiến cho doanh nghiệp không có đủ diện tích để canh tác.
Chính sách về đất cũng còn nhiêu khê, thay đổi với tỷ lệ rủi ro cao quá... khiến cho nhà đầu tư e sợ, không biết điều gì sẽ diễn ra. Hành lang pháp lý vẫn còn yếu, chưa khiến họ an tâm.
Đất đai dù là nút thắt chính yếu ở thời điểm hiện tại, nhưng nếu nhìn lại câu chuyện của ngành nông nghiệp nhiều năm trở lại đây nguyên nhân còn nằm ở một số khía cạnh khác.
Trao đổi vấn đề này với GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường, ông bảo đúng như Phó Thủ tướng nói, đất đai là một trong những nguyên nhân chính yếu. Tuy nhiên, khía cạnh này có thể khắc phục được bởi bên cạnh những giải pháp "cởi trói" hạn điền như chủ trương của Chính phủ thì doanh nghiệp vẫn còn nhiều cơ chế khác để tiếp cận đất đai.
Đó là những mô hình như cánh đồng lớn ở An Giang hay ở Lâm Đồng. Tại đó, doanh nghiệp hướng dẫn để người nông dân canh tác trên những thửa ruộng của mình theo một quy trình thống nhất. Rồi thì doanh nghiệp bao tiêu trọn gói cả quy trình. Nông dân được làm thứ họ giỏi nhất là trồng trọt và doanh nghiệp cũng vậy. Đôi bên cùng có lợi.
“Có nhiều cách tiếp cận chứ không phải chỉ là một cách như chúng ta thấy gọi là thuê đất của dân hay nhận góp vốn”, GS. Đặng Hùng Võ nói.
Ngại ngần của doanh nghiệp, theo ông, một phần không nhỏ đến từ tư duy đầu tư vào làm nông không mang hiệu quả cao. Hiện trạng cho thấy doanh nghiệp đang “chuộng” đầu tư vào công nghệ, dịch vụ, hay như cách nói của GS. Võ là “sở trường của doanh nghiệp là kiếm lời từ bất động sản, từ thép, luyện kim”.
Ông nói rằng cũng khó trách được doanh nghiệp vì đầu tư vào đấy thu lợi rất nhanh, trong khi nông nghiệp lại là cuộc chơi dài hơi mà có khi sau tận 20 năm mới thấy kết quả.
Bên cạnh đó, trong suốt một thời gian dài, từ năm 1994 đến nay với sự ra đời của Nghị quyết Trung ương 7 mục tiêu công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước theo hướng phát triển công nghiệp dịch vụ đã kéo theo nhiều chính sách đặt vấn đề này là trọng tâm.
“Mặc dù miệng nói là công nghiệp hoá, hiện đại hoá phải thực hiện đầu tiên trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng thực tế không phải. Chúng ta không có một chương trình cụ thể nào. Thay vào đó là sự ra đời của các chính sách tập trung ưu đãi cho các doanh nghiệp phát triển công nghệ, dịch vụ, đô thị,... tất cả đều gác vào đó”, ông Đặng Hùng Võ chia sẻ.
Ông cũng cho biết ở nông nghiệp, nếu có ưu đãi thì lại tập trung ưu đãi cho hộ nông dân đang làm ruộng nhiều hơn là cho doanh nghiệp muốn dấn thân vào.
Như vậy, hơn 20 năm chính sách đã bị chệch hướng khỏi nông nghiệp khiến cho doanh nghiệp lảng tránh đi lĩnh vực này, không coi nó là trọng tâm. Dần dà, hình thành một nghịch lý, đất nước làm nông nhưng không có nhiều những doanh nghiệp lớn làm nông như một thói quen chuyên nghiệp như các nước Israel.
Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm nông, trong thời gian tới, bên cạnh câu chuyện tích tụ hạn điền, cần nhiều hơn nữa những ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp như là câu chuyện về vốn ưu đãi, thuế miễn trừ. Tuy nhiên, vẫn cần đảm bảo được quy định về kỹ thuật kiểm tra ngược lại doanh nghiệp. Bởi “thớt tanh” sẽ dẫn dụ những kẻ không mời, lợi dụng ưu đãi của nhà nước, tìm cách kiếm chác trên những thiện chí chính sách.
Đức Minh
Theo Trí thức trẻ, CafeF