tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Gà Việt đang 'chết' lâm sàng

  • Cập nhật : 19/08/2015

(Tin kinh te)

Doanh nghiệp đang lỗ trung bình 10.000 đồng mỗi con gà và tính chung 11 tháng qua đã thiệt hại 1.376 tỷ đồng, theo thống kê của Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ.

Buổi làm việc giữa Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ với Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) diễn ra ngày 13/8, khi đang có những tranh luận về việc gà nhập khẩu bán phá giá khiến nông dân và doanh nghiệp trong nước khó khăn. Ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ cho biết, gà Việt Nam đã phải chịu thiệt thòi từ nhiều năm nay, tuy nhiên, chưa có một cơ quan ban ngành nào vào cuộc để giải quyết.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy cả năm 2014 Việt Nam nhập khẩu 80.000 tấn thịt gà các loại. Riêng 6 tháng đầu năm nhập trên 50.000 tấn, trong đó, 70% là từ Mỹ. Với lượng hàng gia tăng, giá quá rẻ đã khiến các đơn vị kinh doanh trong nước đứng trước nguy cơ phá sản, theo nhận định của Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ. "Hầu hết các doanh nghiệp chăn nuôi gà trong nước đang trong tình trạng chết lâm sàng. Trong suốt 11 tháng qua, các doanh nghiệp và người chăn nuôi đang bán dưới giá thành, lỗ khoảng 10.000 đồng một con, tương đương mất 1.376 tỷ đồng. Do tiền đầu tư trang trại, nhà máy quá lớn khiến người chăn nuôi, doanh nghiệp tiếp tục nghiến răng chịu lỗ và không thể dừng lại", ông Quyết đưa ra con số thống kê.

ga viet dang chiu lo 10.000 dong mot con. anh: mh.

Gà Việt đang chịu lỗ 10.000 đồng một con. Ảnh: MH.

Vị này cũng dẫn chứng, từ năm 2013 thịt gà Mỹ nhập về tới Việt Nam 27.000 - 28.000 đồng một kg, 6 tháng đầu năm nay giảm xuống còn 17.000 - 20.000 đồng một kg. Theo tính toán của một số chủ trang trại, thịt gà Mỹ nhập về với giá 20.000 đồng một kg, tương đương 15.200 đồng một kg gà sống (gà hơi). Nếu trừ chi phí cấp đông, phân phối, vận chuyển, thuế thì giá gà hơi chỉ chưa tới 10.000 đồng một kg, rẻ hơn thịt gà Việt Nam 15.000 đồng, trong khi giá thức ăn cho gà Mỹ và Việt Nam chênh lệch không nhiều.

"Các thành viên của Hiệp Hội chăn nuôi Việt Nam quản lý trên 5.000 trang trại chăn nuôi với vốn vay ngân hàng đến 15.000 tỷ đồng. Nếu tình trạng thua lỗ kéo dài, nguy cơ vỡ nợ hàng loạt là có thể xảy ra", ông Quyết nói thêm.

Trước bức xúc của Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam Bộ, ông Nguyễn Phương Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh nhận xét, thịt gà Mỹ vào Việt Nam từ những năm 2011 và gà Việt phải chịu quá nhiều thiệt thòi, nhưng đến tận bây giờ các cơ quan ban ngành cũng như hiệp hội chăn nuôi mới đề xuất đơn kiện là quá muộn, khiến người tiêu dùng và doanh nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng. Cùng với đó, khi các nước cấm nhập khẩu gà Mỹ từ 1/1/2015 thì tới tận tháng 1/5/2015 Cục thú y Việt Nam mới ra lệnh cấm. Điều này cho thấy, các cơ quan ban ngành của Việt Nam phản ứng quá chậm. Đến khi đơn kiến nghị về việc gà Mỹ bán phá giá được đưa ra thì thông tin vẫn chưa rõ ràng, thiếu chứng cứ thuyết phục.

"Do vậy, tôi đề nghị các hiệp hội cần có những đánh giá và kiểm chứng thông tin thật chính xác. Bởi lẽ, nếu chúng ta làm không đúng quy định khởi kiện thì chính chúng ta sẽ bị thiệt hại", ông Nam phân tích.

Ngoài ra, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh cũng nhắc nhở doanh nghiệp, ngoài bán phá giá thì hành động gian lận thương mại cũng cần được lưu tâm. Hiệp hội cần phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước như Bộ Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh, hải quan, thú y... để có những thông tin chuẩn xác nhất về hoạt động nhập khẩu thịt gà Mỹ vào thị trường Việt Nam.

"Những hoạt động nào thuộc thẩm quyền của Cục quản lý cạnh tranh chúng tôi sẽ giúp đỡ hiệp hội hết mình. Đồng thời, Cục sẽ xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ để có cái nhìn khách quan nhất. Hiện, tình hình của ngành chăn nuôi quá bi đát, nếu không có hành động khôn khéo thì có thể ngành chăn nuôi của chúng ta không những rơi vào thế bị động mà còn có nguy cơ bị phía Mỹ kiện ngược lại", ông Nam nói thêm và cho hay, sẽ cử hai cán bộ bên Cục làm việc với Hiệp hội để phân tích và thu thập những thông tin chính xác nhất về vụ việc trên, còn việc khởi xướng chống bán phá giá là chưa có căn cứ và cần thêm thời gian.

Bởi lẽ, theo ông Nam để kiện chống bán phá giá đòi hỏi cần có nghiên cứu kỹ lưỡng và đầy đủ bằng chứng, chứng cứ. Mặt khác, doanh nghiệp và hiệp hội  cần kiên trì mới mong đòi lại được bình đẳng. Cụ thể, như vụ kiện chống bán phá giá tôm, phải mất 14 năm Việt Nam mới có được những phán quyết có lợi và chi phí cho luật sư lên đến 55 triệu USD. Do vậy, ngoài chuẩn bị hồ sơ, bằng chứng thì hiệp hội cũng cần lựa chọn luật sư phù hợp nhất.

Đồng tình với quan điểm của ông Nam, tuy nhiên, ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Nai mong muốn, Cục quản lý cạnh tranh cần có những hướng dẫn chi tiết hơn. Ngoài ra, đối với vấn đề về gian lận thương mại, nhà chức trách cần xem xét lại các doanh nghiệp nhập khẩu, liệu có những sản phẩm gần hết hạn sử dụng, giá rẻ, chất lượng không được kiểm soát vẫn được nhập về Việt Nam như một sản phẩm bình thường. Đặc biệt, rất nhiều doanh nghiệp sử dụng những công nghệ tinh vi để qua mắt hải quan.

Trước đó, việc giá thịt gà Mỹ nhập khẩu chỉ bằng nửa gà trong nước gây bức xúc dư luận. Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam Bộ đã có văn bản đề nghị Bộ Công Thương xem xét, điều tra việc có hay không tình trạng bán phá giá sản phẩm thịt gà Mỹ tại Việt Nam.

(Theo Vnexpress)

Trở về

Bài cùng chuyên mục