Nhu cầu tuyển dụng lao động trong lĩnh vực điện tử, công nghiệp phụ trợ và nhiều ngành khác nữa… của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam hiện rất lớn.
Vì sao lao động tự do thờ ơ với BHXH tự nguyện
- Cập nhật : 13/11/2015
(Lao dong)
Sau 8 năm triển khai loại hình bảo hiểm xã hội tự nguyện, đến nay, cả nước mới có 200.000 lao động trong số 37 triệu lao động tự do tham gia.
Vì sao người lao động, nhất là những người làm nghề lao động tự do thờ ơ với bảo hiểm xã hội tự nguyện và làm thế nào để thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện?
Khi tham gia BHXH tự nguyện, những người lao động tự do có thu nhập thấp, không ổn định như nông dân, lao động di cư…sẽ được hưởng lương hưu, góp phần bảo đảm cuộc sống khi về già.
Đây là một chính sách hết sức nhân văn. Hình thức bảo hiểm này có tính an toàn cao vì được Nhà nước bảo trợ. Tuy nhiên, trên thực tế, số người tham gia bảo hiểm xã hội nguyện mới chỉ chiếm khoảng 0,45% số đối tượng thuộc diện tham gia. Vì sao một chính sách ưu việt như hình thức bảo hiểm xã hội tự nguyện lại có tính bao phủ thấp?
Chị Nguyễn Thị Thoa, ở Nam Định chia sẻ, thu nhập từ mấy sào ruộng của một nông dân như chị không đủ để trang trải chi phí học hành cho các con. Do vậy, từ năm 2007 đến nay, chị Thoa lên Hà Nội tìm việc làm, từ bán hàng rong đến rửa bát cho nhà hàng, dọn nhà…Ai thuê gì làm nấy, thu nhập bấp bênh. Những lúc ốm đau, chị không dám đi bệnh viện, mà chỉ mua vài viên thuốc uống vì sợ tốn kém. Chị Nguyễn Thị Thoa cho biết, chưa bao giờ chị nghĩ đến việc sẽ tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Chị nói: “Một tháng tiền kiếm được vợ chồng tôi chi phí vừa đủ. Bỏ nhiều tiền ra để mua bảo hiểm như thế rất xót, chỉ vì vợ chồng tôi không có tiền dư tiết kiệm. Biết rằng nhiều lúc ốm đau, có thẻ bảo hiểm là tốt nhưng vì mình không có điều kiện để tiếp cận với bảo hiểm”.
Tâm sự của chị Thoa cũng là nỗi niềm chung của nhiều người lao động tự do hiện nay, rất mong muốn khi về già được nhận một khoản lương hưu để trang trải cuộc sống hàng ngày. Thế nhưng, với khoản thu nhập không mấy dư dả khiến đa phần không dám nghĩ đến việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Tiến sĩ Lê Thị Hoài Thu, Mạng lưới hành động vì lao động di cư cho biết, nguyên nhân người lao động tự do thờ ơ với bảo hiểm xã hội tự nguyện là do mức đóng cho loại hình bảo hiểm này hiện vẫn còn ở mức khá cao so với thu nhập của họ. Bên cạnh đó, tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất mà không được hưởng các chế độ ngắn hạn khác như: thai sản hay ốm đau nên nhiều người không muốn tham gia. Có người dân biết thông tin lại không biết đến đâu đăng ký, các thủ tục thực hiện như thế nào, mức đóng tiền ra sao...
Tiến sĩ Lê Thị Hoài Thu nêu ý kiến: “Chúng ta cần mở rộng chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện để người lao động có thể tham gia loại hình bảo hiểm này được bình đẳng về quyền lợi như những người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Trước mắt có thể bổ sung chế độ thai sản thu hút lao động nữ tham gia. Tăng cường thông tin về bảo hiểm xã hội tự nguyện bằng phương pháp phù hợp với đặc điểm sinh hoạt, làm việc đối với lao động tự do. Sử dụng các công cụ như tin nhắn điện thoại, mạng xã hội để người di cư có thể tiếp cận được”.
Kết quả khảo sát mới đây của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) trên 3.400 lao động tại 10 địa phương trên cả nước cho thấy, hơn 40% người được hỏi sẵn sàng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Vì vậy, chúng ta cần tuyên truyền chính sách đến người lao động, giúp họ hiểu được lợi ích từ việc tham gia loại hình bảo hiểm này.
Bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho rằng: “Chính sách dù có hay đến mấy, dù có nhân văn đến mấy nhưng chỉ dừng lại ở luật pháp mà không đi đến người dân thì chính sách ấy gần như là “đóng băng”. Đối với hệ thống bảo hiểm xã hội tự nguyện thì công tác truyền thông vô cùng quan trọng. Cho nên, cán bộ của cơ quan bảo hiểm xã hội, phụ nữ, đoàn thanh niên phải tiếp sức vấn đề này. Họ sẽ là những cây truyền thông chính trong hệ thống để làm sao cho nhiều người biết được chính sách bảo hiểm xã hội này và người ta sẵn sàng tham gia”.
Trên thực tế, thu nhập của người lao động tự do đôi khi thấp hơn nhiều so với mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định. Chính vì thế, bảo hiểm xã hội tự nguyện có thu hút được người lao động hay không còn phụ thuộc vào các chế độ của loại hình bảo hiểm này có phù hợp với đa số người lao động không, có đáp ứng được lợi ích của họ hay không?
Nhà nước cũng cần sửa đổi, bổ sung về chế độ chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện cho phù hợp, đơn giản, thuận lợi, đảm bảo người dân được tiếp cận với dịch vụ công, được thụ hưởng chính sách thì mới khuyến khích được người dân tham gia./.