Phụ cấp chức vụ, khu vực, thâm niên... và nhiều khoản khác sẽ được dùng tính đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc từ ngày 15/2/2016.
Thay đổi quan trọng trong chế độ bảo hiểm xã hội từ năm 2016
- Cập nhật : 28/12/2015
(Tin Kinh Te)
Người lao động muốn hưởng lương hưu tối đa phải đóng thêm 5 năm bảo hiểm xã hội (BHXH), mức đóng tính trên lương và phụ cấp, tăng trợ cấp ốm đau... là những thay đổi quan trọng của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có hiệu lực từ 1/1/2016.
Tăng tiền đóng BHXH
Đây là thay đổi quan trọng nhất trong Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Hiện tại, người lao động đóng BHXH bắt buộc trên nền tiền lương cơ bản. Đối với người hưởng lương từ ngân sách là lương cơ sở nhân với hệ số. Với lao động trong doanh nghiệp là mức lương thỏa thuận với chủ sử dụng ghi trong hợp đồng nhưng không thấp hơn lương tối thiểu vùng.
Từ 1/1/2016 đến hết 2017, mức đóng dựa trên lương cộng phụ cấp ghi trong hợp đồng lao động. Từ 1/1/2018 trở đi, đóng trên lương cùng phụ cấp và các khoản bổ sung ghi trong hợp đồng lao động. Phụ cấp được xác định là các khoản cố định, ít biến động, gồm tiền để bù đắp điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà lương thỏa thuận trong hợp đồng chưa tính đến hoặc tính chưa đầy đủ.Theo quy định, người lao động đóng 8%, còn lại 18% sẽ do người sử dụng lao động đóng, tổng cộng 26% đóng vào quỹ BHXH.
Muốn hưởng lương hưu tối đa phải đóng thêm 5 năm BHXH
Luật mới quy định lộ trình tăng dần thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu tối đa (75% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH).
Từ 1/1/2018, lao động nữ đóng 15 năm BHXH được hưởng lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH; từ năm thứ 16 trở đi thì được cộng thêm 2% mỗi năm. Như vậy, lao động nữ phải đủ 30 năm đóng BHXH mới được hưởng lương hưu ở mức tối đa bằng 75%.
Trước đây, lao động nam đóng 15 năm BHXH được hưởng lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Từ 1/1/2018, để hưởng mức trên thì phải đóng đủ 16 năm, tăng dần tới năm 2022 thì phải tham gia 20 năm để hưởng mức 45%. Để được hưởng lương hưu ở mức tối đa 75% thì lao động nam phải đóng bảo hiểm 35 năm (thay vì 30 năm như hiện nay).
Như vậy, muốn được hưởng lương hưu tối đa 75% thì người lao động đóng BHXH thêm 5 năm nữa. Cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi theo quy định thì bị trừ 2%. Từ 1/1/2016, người tham gia BHXH thuộc cơ quan nhà nước tính lương bình quân 15 năm cuối để tính hưởng lương hưu thay vì 5 năm cuối như trước đây. Với lao động làm việc trong doanh nghiệp, căn cứ để tính lương hưu là bình quân của cả quá trình đóng.
Mở rộng chế độ thai sản
Lao động nam được nghỉ khi vợ sinh con:
Lần đầu tiên, luật mới bổ sung chế độ thai sản cho lao động nam. Cụ thể, chồng được nghỉ 5 ngày làm việc trong trường hợp vợ sinh thường, 7 ngày khi vợ sinh phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi. Nếu vợ sinh đôi thì chồng được nghỉ 10 ngày; từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc. Nếu vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì chồng được nghỉ 14 ngày. Nếu chỉ có người chồng tham gia BHXH thì khi vợ sinh con vẫn được nhận trợ cấp một lần bằng 2 tháng tiền lương cơ sở. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản được tính trong 30 ngày đầu kể từ khi vợ sinh con.
Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ mang thai hộ đều được nghỉ thai sản:
Quy định cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2014 trong Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi. Lao động nữ mang thai hộ được nghỉ đi khám thai, nghỉ tối đa trong thời gian sinh con, hưởng chế độ thai sản như người mẹ nhờ mang thai hộ.
Khi con chưa đủ 6 tháng tuổi, chẳng may người mẹ nhờ mang thai hộ chết hoặc không đủ sức khỏe chăm sóc con thì người cha nhờ mang thai hộ hoặc người mẹ trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ nhờ mang thai hộ. Nếu người cha hoặc người nuôi dưỡng đang tham gia BHXH mà không nghỉ việc thì ngoài tiền lương, còn được hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ đã mất hoặc không đủ sức khỏe chăm sóc con.Điều kiện hưởng thai sản là người mang thai hộ, người mẹ nhờ mang thai hộ phải đóng BHXH đủ từ 6 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh hoặc nhận con nuôi.
Tăng mức trợ cấp ốm đau
Mức trợ cấp ốm đau được điều chỉnh tăng lên. Cụ thể, mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 24 ngày thay vì chia 26 ngày như hiện hành. Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động một ngày bằng 30% mức lương cơ sở. Mức hỗ trợ ốm đau dài ngày (sau 180 ngày) tăng lên 50% thay vì 45% như hiện nay.
Mở rộng đối tượng tham gia BHXH
BHXH bắt buộc bổ sung 3 nhóm đối tượng đóng là người làm việc theo hợp đồng lao động từ một tháng đến dưới 3 tháng; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; người lao động là công dân nước ngoài.
BHXH tự nguyện mở rộng đối tượng tham gia theo hướng không khống chế tuổi trần; hạ mức sàn thu nhập làm căn cứ đóng; đa dạng các phương thức đóng và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Tăng quyền, trách nhiệm của người lao động và cơ quan Bảo hiểm xã hội
Người lao động được chủ sử dụng cung cấp thông tin về đóng BHXH định kỳ 6 tháng một lần. Năm 2020, sổ BHXH được thay bằng thẻ BHXH.
Luật mới giao thẩm quyền thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho cơ quan Bảo hiểm xã hội. Điểm này nhằm khắc phục trốn đóng, nợ đọng BHXH của doanh nghiệp.
Phương Hòa
Theo VNexpress